Zeid Ra'ad Al Hussein, Cao ủy LHQ về Nhân quyền, nói: "Các cơ quan tư pháp của Philippines cần phải chứng minh cam kết của họ đối với việc gìn giữ luật pháp, và sự độc lập của họ bằng cách khởi động một cuộc điều tra tội giết người".
"Các vụ giết người mà Tổng thống Duterte mô tả cũng vi phạm luật pháp quốc tế, bao gồm quyền được sống, tự do trước bạo lực và cưỡng ép; quyền được tố tụng và xét xử công bằng; được bảo vệ bình đẳng trước pháp luật và vô tội trước khi bị kết án," ông Zeid nói.
Ông cũng cho biết "có ít thông tin một cách đáng ngạc nhiên về những vụ truy tố thực sự" đối với những cái chết thời gian qua, bất chấp cảnh sát Philippines đã điều tra hàng ngàn trường hợp người chết dưới tay các đối tượng "ngoài vòng pháp luật".
"Một cuộc điều tra độc lập và đáng tin cậy cần phải được mở lại một cách khẩn cấp ở Davao, cũng như điều tra số vụ án mạng gây sốc trên khắp đất nước kể từ khi ông Duterte trở thành tổng thống."
Ông Duterte khẳng định mình đã tự tay giết chết 3 người trong chiến dịch chống ma túy vào cuối thập niên 1980, khi ông giữ chức thị trưởng thành phố Davao.
Reuters cho hay, đã có khoảng 6.000 người thiệt mạng trong cuộc chiến đẩy lùi ma túy của Duterte kể từ khi ông lên nắm quyền vào cuối tháng 6 vừa qua, trong đó 1/3 chết trong các chiến dịch của cảnh sát, số còn lại bị chết dưới tay các nhóm "ngoài vòng pháp luật".
Các đồng minh của Duterte trong Quốc hội nói rằng tổng thống được quyền miễn trừ khỏi bất kỳ vụ kiện tụng nào và không thể bị điều tra nhằm vào các hành động trước khi ông nắm quyền. Ông Duterte chỉ có thể đối mặt với một cuộc thẩm vấn sau khi rời cương vị.
Nghị sĩ Rodolfo Farinas nói: "Trên thực tế, cựu Bộ trưởng tư pháp Leila de Lima đã điều tra các vụ việc như vậy nhưng không tìm được bằng chứng thuyết phục nào."
"Tổng thống chỉ có thể bị luận tội bởi những hành vi hoặc thiếu sót gây ra trong quá trình giữ chức tổng thống," ông này cho biết thêm.