Vai trò của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc là bảo đảm hòa bình thế giới. (Ảnh: Reuters)
Ý tưởng giảm bớt quyền lực của 5 thành viên thường trực Hội đồng Bảo an đã có từ lâu, nhưng lần này được khơi lại vì cuộc xung đột đang diễn ra ở Ukraine.
Là nước liên quan trực tiếp đến cuộc xung đột, Nga sử dụng quyền phủ quyết của mình khiến Hội đồng Bảo an (HĐBA) không thể có hành động nào khi xung đột xảy ra giữa Mátxcơva và Kiev.
Đề xuất của Liechtenstein được 50 quốc gia đồng bảo trợ, trong đó có Mỹ, nhưng vắng mặt 4 thành viên còn lại gồm Nga, Trung Quốc, Pháp và Anh. HĐBA còn có 10 thành viên không thường trực, nhưng không có quyền phủ quyết.
Dự thảo đề xuất yêu cầu triệu tập 193 thành viên Đại hội đồng “trong vòng 10 ngày làm việc sau khi ít nhất một thành viên của HĐBA dùng quyền phủ quyết để giải thích việc sử dụng lá phiếu này”.
Trong nhóm các nước đồng bảo trợ dự thảo nghị quyết lần này có Ukraine, Nhật Bản và Đức. Nhật và Đức lâu nay vẫn hy vọng trở thành thành viên thường trực HĐBA nếu cơ quan này mở rộng. Chưa biết quan điểm của Ấn Độ, Brazil, Nam Phi hay các nước cạnh tranh ghế ủy viên thường trực tiềm năng ra sao. Ngay cả khi không bảo trợ văn bản, Pháp sẽ vẫn bỏ phiếu thuận, một nhà ngoại giao tiết lộ.
Chưa biết Anh, Trung Quốc và Nga sẽ bỏ phiếu như thế nào.
Từ khi lá phiếu phủ quyết đầu tiên được Liên Xô sử dụng vào năm 1946, Mátxcơva đã dùng quyền này 143 lần, Mỹ 86 lần, Anh 30 lần, Trung Quốc và Pháp đều 18 lần.
Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Linda Thomas-Greenfield cho rằng nghị quyết này “sẽ là bước đi quan trọng để nâng cao trách nhiệm giải trình, tính minh bạch và trách nhiệm của tất cả thành viên trong HĐBA”.
Năm 2013, Pháp đề xuất các thành viên thường trực HĐBA cùng tự nguyện hạn chế quyền phủ quyết của mình trong trường hợp thường dân bị sát hại hàng loạt. Dự luật đó được 100 quốc gia ủng hộ, nhưng đến nay vẫn chưa được thông qua.