Tuy nhiên, khi chữ ký còn chưa ráo mực, Tổng thống Mỹ đã bày tỏ sự bất bình với cơ quan lập pháp nước này do đã đưa ông vào tình thế buộc phải chấp nhận thông qua dự luật.
Tỷ lệ ủng hộ áp đảo đối với dự luật trừng phạt Nga, Iran và Triều Tiên ở cả Hạ viện và Thượng viện Mỹ đã buộc Tổng thống Donald Trump không còn lựa chọn nào khác ngoài việc hạ bút ký ban hành luật.
Mặc dù vậy, ông Donald Trump không ngần ngại bày tỏ sự miễn cưỡng đối với việc làm này của mình và cho rằng lệnh trừng phạt mới là tác nhân đẩy mối quan hệ Nga – Mỹ xuống mức “thấp chưa từng có và rất nguy hiểm”.
Đến hôm nay (4/8), Tổng thống Mỹ có vẻ vẫn còn cảm thấy tiếc nuối về việc ban hành đạo luật chắc chắn sẽ dẫn đến tác động xấu hơn đối với mối quan hệ vốn rất căng thẳng với Moscow khi nhấn mạnh nước Mỹ đang chịu tổn thất lớn nhất trong lịch sử chính trị của mình.
Phát biểu trước đám đông công chúng tại bang West Virginia về nghi vấn có liên hệ với Nga, Tổng thống Donald Trump cho rằng: “Câu chuyện về Nga là hoàn toàn thêu dệt. Đó chỉ là một lý do để gây ra tổn thất lớn nhất trong lịch sử chính trị nước Mỹ. Và nó chỉ có vậy. Nó chỉ khiến đảng Dân chủ dễ chịu hơn khi họ chẳng có gì khác để bàn luận”.
Ngay từ khi bắt đầu nhiệm kỳ hồi đầu năm nay, cả Tổng thống Donald Trump lẫn Ngoại Trưởng Mỹ Rex Tillerson đều muốn cải thiện quan hệ với Nga nhưng điều này đi ngược với ý muốn của Quốc hội Mỹ.
Những cáo buộc và các cuộc điều tra về việc Nga can thiệp bầu cử Mỹ và nghi vấn đội ngũ tham gia chiến dịch tranh cử của ông Donald Trump có liên hệ với Nga luôn là rào cản khiến Tổng thống Mỹ không có điều kiện tiến lại gần hơn với người đồng nhiệm Putin.
Thậm chí, theo một số chuyên gia phân tích chính trị thì Tổng thống Donald Trump đang trở thành nạn nhân của một cuộc đấu đá trong nội bộ chính trị ở Washington, điều mà ông không thể lường được trước khi ngồi lên chiếc ghế tưởng như quyền lực nhất thế giới.
Bản thân Tổng thống Mỹ đã thừa nhận việc bị cơ quan lập pháp tiếm quyền hành pháp của mình khi không cho ông cơ hội đảo ngược tình thế mà buộc phải làm theo ý muốn của các nghị sĩ.
Nhận định về sự miễn cưỡng đối với Tổng thống Donald Trump khi phải chấp nhận đạo luật trừng phạt Nga, ông Kartzman, chuyên gia nghiên cứu về ngoại giao tại Quốc hội Mỹ cho rằng: “Tôi lấy làm nghi ngờ bởi vì Tổng thống Trump muốn cải thiện quan hệ với Nga. Ông ấy không muốn có một cuộc chiến với Nga và gia tăng căng thẳng ngoại giao”.
Tâm lý bài Nga giờ đây có vẻ đã lan rộng trong Quốc hội Mỹ, nơi mà các nghị sĩ đảng Cộng hòa của ông Donald Trump đang chiếm đa số ở cả Hạ viện và Thượng viện.
Bởi vậy, việc Tổng thống Mỹ quyết định trừng phạt Nga là do áp lực từ chính trị nội bộ tạo ra. Giới phân tích chính trị cho rằng Quốc hội Mỹ đã đưa Tổng thống nước này vào bẫy khi buộc phải ký ban hành dự luật.
Thậm chí, sự việc này còn tạo ra tiền lệ xấu khi người đứng đầu nước Mỹ không có quyền tự quyết định những vấn đề chính sách mang tính chiến lược của đất nước./.