Sáng ngày 2/8 (giờ địa phương), Tổng thống Mỹ Donald Trump đã lặng lẽ ký phê chuẩn dự luật mới trừng phạt Nga, Triều Tiên và Iran. Theo truyền thông Mỹ, khác với những lần ký các dự luật quan trọng trước, lần ký này đã không có một buổi lễ ký chính thức được tổ chức long trọng.
Dự luật này đã được cả Hạ viện và Thượng viện của Quốc hội Mỹ thông qua vào tuần trước với số phiếu ủng hộ áp đảo gần mức tuyệt đối, đặc biệt thể hiện áp lực của Quốc hội đối với Tổng thống Trump trong mối quan hệ với Nga.
Dự luật trừng phạt này nhắm tới các lĩnh vực quốc phòng, tình báo, khai thác mỏ, vận tải biển và đường sắt của Nga cũng như sẽ hạn chế giao dịch của các ngân hàng và công ty năng lượng Nga.
Dù quyết định sẽ phê chuẩn dự luật, Tổng thống Trump đã bày tỏ hy vọng rằng Washington và Moscow sẽ vẫn hợp tác để giải quyết các thách thức toàn cầu.
"Dù dự luật này còn nhiều vấn đề, tôi sẽ ký nó vì sự đoàn kết của quốc gia [Mỹ]. Dự luật thể hiện mong muốn của người dân Mỹ được nhìn thấy Nga thực hiện các bước đi để cải thiện quan hệ với Mỹ", Tổng thống Trump tuyên bố, " Tôi hy vọng hai nước sẽ hợp tác trong những vấn đề lớn của thế giới, để những biện pháp trừng phạt này trở nên không cần thiết".
Sau khi ký dự luật trừng phạt mới, ông Trump cũng khẳng định rằng: "Bằng việc hạn chế tính linh hoạt của nhánh Hành pháp, luật trừng phạt mới này làm cho Mỹ khó khăn hơn trong việc đạt được các thỏa thuận có lợi cho người dân Mỹ. Đồng thời, dự luật này cũng sẽ đẩy Trung Quốc, Nga và Triều Tiên lại gần nhau hơn".
Dự luật cũng giới hạn quyền hạn của Tổng thống Trump trong việc nới lỏng các lệnh trừng phạt đối với Nga, bằng cách yêu cầu phải có sự ủng hộ của Quốc hội khi Tổng thống Mỹ muốn dỡ bỏ nội dung trừng phạt nào đó.
Ví dụ, Tổng thống Trump sẽ cần sự thông qua của Quốc hội nếu muốn bãi bỏ các biện pháp trừng phạt có từ thời chính phủ tiền nhiệm của ông Obama. Ông Trump cũng sẽ phải có sự ủng hộ của Quốc hội mới có thể trả lại các khu nhà ngoại giao của Nga mà chính quyền ông Obama đã tịch thu và phong tỏa.