Lệnh trừng phạt mất tác dụng, doanh nghiệp Nga ngày càng phát đạt khi thương mại với Trung Quốc bùng nổ

Hữu Hiển |

Khi Bắc Kinh mua dầu của Nga với giá rẻ hơn so với giá của các nhà sản xuất khác, tổng thương mại Nga - Trung đã tăng 64% lên 240 tỷ USD trong hai năm qua.

Reuters ngày 13/3 đưa tin, hoạt động kinh doanh tại công ty hậu cần Logistics Eurasia - có trụ sở gần sông Amur gần biên giới giữa Nga và Trung Quốc - đang diễn ra tốt đẹp. Kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, mọi chuyện thậm chí còn tốt hơn, doanh thu của công ty đã tăng gấp đôi sau hai năm hoạt động.

Logistics Eurasia là một trong nhiều doanh nghiệp Nga được hưởng lợi từ sự gia tăng mạnh mẽ trong thương mại với Trung Quốc, kể từ khi các công ty phương Tây rời bỏ thị trường Nga sau chiến sự Ukraine và Nga hứng chịu các lệnh trừng phạt.

Lệnh trừng phạt mất tác dụng, doanh nghiệp Nga ngày càng phát đạt khi thương mại với Trung Quốc bùng nổ- Ảnh 1.

Ô tô Trung Quốc nhập khẩu cập cảng Vladivostok, Nga. Ảnh: Reuters

Bắc Kinh mua dầu Nga, Moscow mua ô tô và máy móc Trung Quốc

Theo Reuters, thành công của Logistics Eurasia là một ví dụ nêu bật mối quan hệ kinh tế ngày càng chặt chẽ của Moscow với Bắc Kinh, vốn đang mua thêm dầu của Nga - huyết mạch của nền kinh tế Nga - và cung cấp hàng hóa cho nước này, đặc biệt là ô tô và máy móc.

Dữ liệu thương mại của Trung Quốc năm 2023 cho thấy, xuất khẩu ô tô từ Trung Quốc sang Nga cao hơn gần 7 lần so với năm 2022, với giá trị xuất khẩu tăng gần 10 tỷ USD.

Khi Bắc Kinh mua dầu của Nga với giá rẻ hơn so với giá của các nhà sản xuất khác, tổng thương mại Nga - Trung đã tăng 64% lên 240 tỷ USD trong hai năm qua.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với các phóng viên trong tuần này rằng: "Đây là sự phát triển hợp tác kinh tế và thương mại có hệ thống, cùng có lợi. Hi vọng đây chưa phải là đỉnh cao và chúng ta sẽ tiếp tục phát triển."

Việc Trung Quốc sẵn sàng hợp tác kinh doanh với Nga, bất chấp cuộc chiến ở Ukraine, đã tạo điều kiện kinh tế cho Tổng thống Vladimir Putin khi ông tìm kiếm thêm một nhiệm kỳ sáu năm nữa trong cuộc tổng tuyển cử vào cuối tuần này.

Zach Meyers - trợ lý giám đốc của Trung tâm tư vấn Cải cách Châu Âu - cho biết: "Sự gia tăng thương mại Nga - Trung thể hiện một điều đơn giản rằng các biện pháp trừng phạt đang mất tác dụng theo thời gian, vì các nước không hưởng ứng [lệnh trừng phạt] tận dụng các cơ hội kinh tế còn lại khi các công ty phương Tây rút lui."

Reuters đưa tin, các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc là những đối tượng được hưởng lợi đặc biệt từ cuộc di cư của các công ty phương Tây khỏi Nga, khiến nhiều nhà sản xuất ô tô phương Tây nhanh chóng bán tài sản và nhà máy với giá rẻ.

Thị phần của ô tô Trung Quốc trên thị trường Nga đã tăng từ mức dưới 10% lên hơn 50% trong hai năm kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột. Các đại lý tại Nga từng bán các mẫu xe Volkswagen, Renault và Stellantis nay đã chuyển hướng sang các thương hiệu Trung Quốc, bao gồm Geely và Chery.

Vladislav Vershinin - người đứng đầu bộ phận bán hàng tại đại lý Changan ở Mytishchi, ngay ngoại ô Moscow - cho biết: "Không có lựa chọn nào khác. [Kinh doanh] đã mang lại lợi nhuận… người Trung Quốc đang thích nghi rất nhanh."

"Thái độ của người mua [đối với hàng Trung Quốc] chắc chắn đang thay đổi. Mọi người nhìn những thương hiệu này một cách khác biệt và mọi người tin tưởng chúng", Vershinin nói.

Theo đơn vị phân tích Autostat, doanh số bán xe Changan ở Nga đã tăng từ mức 2.550 chiếc vào năm 2022 lên gần 47.800 chiếc vào năm 2023. Dữ liệu cho thấy, đây là thương hiệu ô tô bán chạy thứ năm vào năm ngoái ở Nga; và vào tháng 2/2024, 8 trong số 10 thương hiệu ô tô bán chạy nhất ở Nga là thương hiệu Trung Quốc.

Quan hệ đối tác "không giới hạn"

Meyers thuộc Trung tâm Tư vấn Cải cách Châu Âu cho biết, việc mở rộng quan hệ thương mại Trung - Nga cũng mang lại rủi ro cho cả hai bên.

Ông nói: "Có một rủi ro đáng kể đối với Nga… nước hiện đang phụ thuộc vào Trung Quốc nhiều hơn là Trung Quốc phụ thuộc vào họ."

"Đối với Trung Quốc, phương Tây vẫn là đối tác thương mại lớn hơn nhiều so với Nga, và Trung Quốc sẽ mất rất nhiều thứ nếu các lệnh trừng phạt của phương Tây bắt đầu tác động lên một số lượng đáng kể các công ty Trung Quốc", Meyers nói.

Tuy nhiên, người phát ngôn Điện Kremlin Peskov đã hạ thấp rủi ro. "Không, chúng tôi không thấy mối đe dọa kinh tế và chính trị trong vấn đề này... cả Tổng thống Putin và Chủ tịch Tập Cận Bình đều đặt mục tiêu thúc đẩy quan hệ thương mại và kinh tế vượt 200 tỷ USD ngay cả trước khi bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt", ông Peskov nói.

Hiện tại, các công ty Trung Quốc đã giúp thị trường ô tô Nga phục hồi sau đợt suy thoái nghiêm trọng vào năm 2022, khi chỉ có 626.276 xe du lịch được bán ra. Doanh số bán hàng vào năm 2023 là 1,06 triệu chiếc, vẫn thấp hơn mức 1,52 triệu chiếc trước xung đột vào năm 2021.

Đại lý xe hơi Vershinin cho biết: "Triển vọng về các thương hiệu châu Âu vẫn còn mờ mịt, nhưng hoạt động kinh doanh phải tồn tại và nó sẽ sống nhờ các thương hiệu Trung Quốc."

Nikita Minenkov - chủ sở hữu công ty hậu cần Logistics Eurasia - cho biết, doanh thu đã tăng gấp đôi vào năm 2022.

Ông nói với Reuters rằng: "Vào đầu năm 2023, nhu cầu tăng đáng kinh ngạc, khi mọi thứ đều được mua hết. Đây là hiệu ứng hoảng loạn khi mọi người lo sợ rằng Trung Quốc có thể đột ngột đóng cửa."

Công ty Eurasia Logistics của ông chuyên nhập khẩu hàng hóa, chủ yếu là thiết bị công nghiệp và xây dựng, cũng như các dịch vụ hậu cần.

Theo hồ sơ công ty Eurasia Logistics do SPARK Interfax cung cấp, doanh thu đã tăng 290% lên 970 triệu rúp (10,7 triệu USD) vào năm 2022. Vẫn chưa có dữ liệu cho năm 2023.

Lệnh trừng phạt mất tác dụng, doanh nghiệp Nga ngày càng phát đạt khi thương mại với Trung Quốc bùng nổ- Ảnh 3.

Một chuyến tàu chở hàng Trung Quốc - châu Âu khởi hành từ thành phố Tuyền Châu, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc đến thủ đô Moscow của Nga, vào ngày 3/2/2023. Ảnh: Xinhua

Reuters đưa tin, Moscow mong muốn tạo điều kiện thuận lợi cho các mối liên kết chặt chẽ hơn với Bắc Kinh như một phần của mối quan hệ đối tác "không giới hạn".

Nga có kế hoạch nâng công suất đường sắt đưa hàng hóa đến Viễn Đông bằng cách tăng chi tiêu lên mức 366 tỷ rúp (4,03 tỷ USD) trong năm nay, tăng khoảng 40% so với năm 2023.

Công suất trên các tuyến đường sắt như Baikal–Amur Mainline và Trans-Siberian dự kiến sẽ đạt 210 triệu tấn/năm vào năm 2030 từ mức 173 triệu tấn vào năm 2023.

Theo Reuters, động thái này của Nga chủ yếu nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho thương mại với Trung Quốc và các nước châu Á khác, chủ yếu là than, dầu và các khoáng sản khác.

Yevgeny Gudkov - người đứng đầu bộ phận bán hàng của KST, một nhà nhập khẩu máy đào và xe nâng từ Trung Quốc có trụ sở tại Moscow - cho biết, nguồn cung từ Trung Quốc hầu như không xuất hiện hai năm trước.

"Chúng tôi từng kinh doanh phụ tùng thay thế", ông nói. Nhưng công ty đã chuyển hướng khi thị trường châu Âu đóng cửa với Nga và nhu cầu về thiết bị từ Trung Quốc tăng vọt.

"Cầu tạo ra cung. Chúng tôi không tạo ra thị trường, thị trường tạo ra [chúng tôi]", Gudkov nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại