Lệnh cấm sản phẩm dầu Nga sẽ gây gián đoạn nguồn cung dầu toàn cầu

Thùy Dương |

Các nhà phân tích cho rằng lệnh cấm nhập khẩu các sản phẩm dầu mỏ Nga mà Liên minh châu Âu (EU) áp đặt có thể làm gián đoạn dòng chảy thương mại toàn cầu sau khi biện pháp này có hiệu lực vào ngày 5/2.

Lệnh cấm sản phẩm dầu Nga sẽ gây gián đoạn nguồn cung dầu toàn cầu - Ảnh 1.

Một trạm bơm dầu ở làng Yamashi thuộc huyện Almetyevsk, CH Tatarstan (LB Nga). Ảnh: AP/TTXVN

Theo hãng tin Reuters, các biện pháp trừng phạt của EU nhằm vào các sản phẩm dầu tinh chế, trong đó có dầu diesel và nhiên liệu máy bay, cuối cùng có thể ảnh hưởng đến nguồn cung tổng thể, do nguy cơ các biện pháp này sẽ buộc Nga phải hạn chế sản xuất và lọc dầu.

Ông Ian Moore, thành viên nghiên cứu cấp cao tại công ty môi giới toàn cầu Bernstein nói: “Các thùng dầu sẽ tiếp tục được đưa ra thị trường nhưng gặp thách thức về hậu cần chứ không phải là thách thức về nguồn cung”.

Tuy nhiên, tìm kiếm người mua thay thế cho các sản phẩm tinh chế sẽ trở thành một vấn đề lớn hơn đối với Nga. Khối lượng dầu thô giảm giá của Nga đang thu hút mạnh mẽ Ấn Độ và Trung Quốc mua. Hai quốc gia này cũng là nhà xuất khẩu lớn các sản phẩm nhiên liệu và có công suất lọc dầu lớn.

Nhà phân tích năng lượng Pei Hwa Ho tại Ngân hàng DBS cho biết: “Mặc dù lệnh cấm sẽ khiến Nga có nhiều dầu thô hơn để xuất khẩu, nhưng có thể không có đủ điểm đến để xuất khẩu phần dầu dư thừa và do đó Nga có thể cần phải cắt giảm sản lượng từ 5% -10%”.

Tháng trước, Nga đã tăng cường cung cấp dầu diesel cho các cảng châu Phi và Địa Trung Hải để nỗ lực chuyển hướng nguồn cung sang các nơi khác. Vào tháng 12/2022, Phó Thủ tướng Nga Aleksandr Novak cho biết nguồn cung sẽ hướng đến châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh, khẳng định thêm là Nga thà cắt giảm sản lượng dầu hơn là đồng ý bán với bất kỳ mức giá trần nào.

Ngày 3/2, các nước EU, Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) và Australia đã đạt được thỏa thuận về mức giá trần sẽ áp dụng đối với các sản phẩm dầu của Nga kể từ ngày 5/2.

Các bên nhất trí sẽ áp mức giá trần 100 USD/thùng đối với các sản phẩm cao cấp như dầu diesel và 45 USD/thùng đối với các sản phẩm giá rẻ hơn như dầu nhiên liệu. Đây cũng là các mức giá đã được Ủy ban châu Âu đề xuất trước đó.

Thuỵ Điển - nước Chủ tịch luân phiên của EU hiện nay – khẳng định đây là một thỏa thuận quan trọng và là một phần trong các nỗ lực tiếp theo của EU và các đối tác nhằm gây sức ép lên cuộc chiến của Nga tại Ukraine.

Trước đó, hồi tháng 12 vừa qua, EU và G7 cũng đã áp mức giá trần 60 USD/thùng đối với dầu thô xuất khẩu của Nga vận chuyển bằng đường biển. Trong một tuyên bố mới nhất, G7 và Australia cho biết sẽ đánh giá lại về việc áp giá trần đối với dầu thô của Nga vào tháng 3 tới.

Thông qua biện pháp áp các mức trần giá năng lượng này, các nước phương Tây muốn siết chặt nguồn thu tài chính của Nga để buộc nước này phải chấm dứt cuộc chiến kéo dài gần 1 năm qua tại Ukraine.

Hiện tại, các sản phẩm tinh chế của Nga vẫn khá dồi dào ở châu Âu. Châu lục này phụ thuộc rất nhiều vào nhập khẩu dầu diesel từ Nga. Các thương nhân đang cố gắng tích trữ các sản phẩm này trước khi lệnh cấm có hiệu lực.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại