Tác động của sự cố
Ngoại trưởng Antony Blinken. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo hãng tin Reuters, phản ứng ở Mỹ với vụ việc sẽ gây hậu quả kéo dài với những nỗ lực ổn định mối quan hệ song phương vốn đã ở gần mức thấp lịch sử. Một số nhà lập pháp Mỹ đang yêu cầu Tổng thống Joe Biden buộc Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về vụ việc mà họ coi là vi phạm chủ quyền Mỹ không thể chấp nhận được.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã hoãn chuyến thăm Trung Quốc mà theo kế hoạch bắt đầu vào ngày 3/2. Ông cho biết ông sẽ chuẩn bị thăm Bắc Kinh khi điều kiện cho phép, nhưng chính quyền Mỹ khó có thể nhanh chóng thực hiện chuyến đi nếu Trung Quốc không đưa ra các cử chỉ thiện chí nghiêm túc.
Ông Daniel Russel, nhà ngoại giao Mỹ thời Tổng thống Barack Obama, nhận định: “Vụ việc này đã làm xấu bầu không khí và củng cố các quan điểm. Không có gì đảm bảo hai bên có thể khôi phục thành công động lực ở Bali”. Tại Bali (Indonesia) vào tháng 11/2022, đã diễn ra cuộc gặp giữa Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và hai bên đã đồng ý tăng cường liên lạc.
Mối quan hệ giữa hai nước đã trở nên căng thẳng trong vài năm qua và chìm xuống mức tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ vào tháng 8 năm ngoái, khi Chủ tịch Hạ viện Mỹ khi đó là bà Nancy Pelosi đến thăm đảo Đài Loan, khiến Trung Quốc tiến hành các cuộc tập trận quân sự gần hòn đảo này.
Kể từ đó, chính quyền Mỹ cho biết họ hy vọng sẽ xây dựng một nền tảng cho mối quan hệ và đảm bảo rằng cạnh tranh không biến thành xung đột.
Nhưng các thành viên đảng Cộng hòa kiểm soát Hạ viện đang tìm cách điều tra các mối đe dọa tiềm ẩn từ Trung Quốc và đã nhanh chóng gây sức ép với ông Biden về vụ khinh khí cầu, đặt câu hỏi làm thế nào mà nó có thể bay vào không phận Mỹ.
Ông Michael McCaul, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ ngày 3/2 đã yêu cầu được biết lý do tại sao chính quyền không bắn hạ khinh khí cầu. Ông còn cáo buộc Tổng thống Biden đã để quả khinh khí cầu gây ra mối đe dọa an ninh quốc gia trực tiếp và liên tục đối với Mỹ.
Phản ứng của Trung Quốc
Khinh khí cầu bay trên không phận Mỹ. Ảnh: Getty Images
Về phần mình, theo Tân Hoa xã, ngày 3/2, một người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc thông báo khinh khí cầu dân sự Trung Quốc xuất hiện ngoài ý muốn trong không phận Mỹ là bất khả kháng. Trong một tuyên bố, người phát ngôn trên cho biết đây là khí cầu dân sự được sử dụng cho mục đích nghiên cứu, chủ yếu là nghiên cứu khí tượng. Tuyên bố nêu rõ, do ảnh hưởng của gió Tây ôn đới và khả năng tự điều khiển hạn chế, khinh khí cầu này đã đi chệch hướng quá xa so với lộ trình dự kiến.
Người phát ngôn cho biết Trung Quốc lấy làm tiếc về việc khinh khí cầu bay vào không phận của Mỹ vì lý do bất khả kháng, đồng thời khẳng định Bắc Kinh sẽ tiếp tục liên lạc với Washington và xử lý thỏa đáng tình huống bất ngờ này.
Trong cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Mỹ Blinken tối 3/2, ông Vương Nghị - Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã thảo luận về cách thức xử lý các sự cố theo hướng chuyên nghiệp và bình tĩnh. Ông Vương Nghị cho rằng Trung Quốc và Mỹ cần tập trung, liên lạc kịp thời, tránh đánh giá sai lầm và quản lý sự khác biệt khi đối mặt với các tình huống bất ngờ.
Trong một tuyên bố riêng khác, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cáo buộc các chính trị gia và phương tiện truyền thông Mỹ lợi dụng tình hình để làm mất uy tín của Bắc Kinh.
Ông Zhu Feng, Giám đốc điều hành của Trường Quan hệ Quốc tế tại Đại học Nam Kinh phát biểu trước khi Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo hủy bỏ chuyến đi của ông Blinken: “Nếu ông Blinken hủy chuyến đi tới Bắc Kinh vì khinh khí cầu, tôi sẽ coi đó là cái cớ để ông ấy làm điều mà ông ấy muốn làm, đó là không phải thăm Trung Quốc”.
Một số nhà phân tích cho rằng nếu ông Blinken tiếp tục chuyến thăm, động thái này có thể sẽ khiến chính quyền Mỹ phải hứng chịu những lời chỉ trích gay gắt hơn từ Quốc hội Mỹ, rằng cách tiếp cận đối với Trung Quốc là yếu ớt.
Mặt khác, Trung Quốc cũng muốn có một mối quan hệ ổn định với Mỹ để có thể tập trung vào nền kinh tế.
Chuyến thăm của ông Blinken phần lớn được coi là nỗ lực tìm ra cách thức xử lý các cuộc khủng hoảng trong tương lai. Nếu tân Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy tới Đài Loan trong năm nay, cuộc khủng hoảng tiếp theo có thể không còn xa nữa.
Ông Derek Grossman, nhà phân tích Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tại RAND Corporation cho biết: “Nhìn chung, tôi nghĩ chính quyền Mỹ muốn thay đổi lịch trình, vì có nhiều vấn đề đang được bàn thảo và có khả năng tan băng thực sự. Nhưng sự cố khinh khí cầu có thể đồng nghĩa rằng quá trình tan băng bị hoãn vô thời hạn”.
Tuy vậy, ông Ryan Hass, chuyên gia về Trung Quốc tại Viện Brookings, cho biết trên Twitter rằng sự cố khinh khí cầu ít nhất đã cho Mỹ và Trung Quốc cơ hội để đưa ra các quy tắc trong không gian, nơi quân đội hai nước sẽ hoạt động ngày càng gần nhau. Ông Hass nói: “Chúng ta không nên lãng phí cơ hội này để giảm thiểu đáng kể rủi ro và ngăn chặn các vụ xâm phạm không phận Mỹ trong tương lai”.