Le lói ánh sáng cuối đường hầm giải quyết cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung

S.M |

Nhà Trắng đang lên kế hoạch cho cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhằm tìm ra hướng giải quyết cho cuộc chiến thương mại đang gây rúng động thị trường và phá hoại mối quan hệ song phương giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Reuters ngày 11.10 dẫn nguồn tin từ tờ Wall Street Journal cho biết, Nhà Trắng đang thu xếp cuộc gặp cho 2 nhà lãnh đạo tại Hội nghị Thượng đỉnh các nhà lãnh đạo nhóm G20 ở Buenos Aires, Argentina, vào cuối tháng 11.

Chính quyền của Tổng thống Donald Trump gần đây đã thông báo với Bắc Kinh về quyết định xúc tiến cuộc họp thượng đỉnh, trong khi Trung Quốc kỳ vọng cuộc gặp này có thể mở ra cơ hội để hai bên xoa dịu căng thẳng thương mại đang leo thang.

Kể từ tháng 8, các chuyên gia đàm phán của cả hai phía Mỹ - Trung bắt đầu tìm cách lên kế hoạch các cuộc đàm phán để mở đường cho cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo. Tuy nhiên, bế tắc gần đây khiến người ta lo ngại kế hoạch này sẽ không trở thành hiện thực.

Cuối tháng rồi, sau khi Washington tuyên bố áp thuế nhập khẩu lên lượng hàng hóa trị giá 200 tỉ USD của Trung Quốc, chính quyền Bắc Kinh đã huỷ bỏ các cuộc đàm phán thương mại và trả đũa bằng việc đánh thuế lên 60 tỉ USD hàng hóa của Mỹ.

Kế hoạch cho cuộc gặp thượng đỉnh sắp tới thể hiện nỗ lực của cả hai phía nhằm ngăn không cho căng thẳng thương mại gây tổn hại thêm cho quan hệ hai nước hoặc làm chao đảo thêm thị trường toàn cầu.

Quan hệ song phương Mỹ - Trung hiện cũng đang gặp nhiều vấn đề trên các lĩnh vực khác. Không chỉ đàm phán thương mại đình đốn, các cuộc đàm phán quân sự giữa hai siêu cường cũng ngưng trệ trong khi cả hai phía đổ lỗi cho nhau về vụ “tiếp cận thiếu an toàn” giữa tàu chiến hai nước trên Biển Đông.

Cho tới thời điểm này, chiến lược của Bắc Kinh vẫn đang là đáp trả mạnh mẽ những đòn tấn công thương mại của chính quyền Donald Trump.

Tuy nhiên, lượng hàng Trung Quốc nhập từ Mỹ ít hơn nhiều so với chiều ngược lại, (dưới 130 tỉ USD hồi năm ngoái) nên Bắc Kinh không có nhiều hàng Mỹ để áp thuế trừng phạt.

Trong trường hợp Bắc Kinh chĩa mũi dùi vào các doanh nghiệp Mỹ đang hoạt động tại Trung Quốc, theo cách một số quan chức nước này đề nghị, thì rất có thể sẽ tác động đến môi trường đầu tư kinh doanh, khiến nguồn vốn FDI chảy ra khỏi thị trường đông dân nhất thế giới này trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc đang có dấu hiệu chững lại.

Đó chính là lý do vì sao Chủ tịch Tập Cận Bình cũng yêu cầu cấp dưới của mình tiếp tục tiếp xúc với Washington và các doanh nghiệp Mỹ, theo thông tin từ các quan chức chính phủ Trung Quốc được Wall Street Journal tường thuật.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại