Tại chương trình Nghệ sĩ Đối thoại, ca sĩ chuyển giới Lê Duy đã trải lòng về số phận vô cùng ly kỳ của mình cùng hai đàn anh đàn chị thân thiết trong nghề: Long Nhật và Ngọc Ánh.
Mẹ có thai, bà ngoại nhố lại và bắt bỏ...
Ba mẹ của Lê Duy đều là ca sĩ. Ba là người gốc Phú Cam (Huế) còn mẹ quê ở Tây Ninh. Duy nghe mẹ kể lại rằng, ngày đó ba theo đoàn hát vào Tây Ninh còn mẹ khi ấy là tiểu thư con một gia đình giàu có, thế lực trong vùng.
Ba cao lớn, đẹp trai và hát rất hay nhưng gần như bị trầm cảm. Lúc nào ba cũng buồn. Mỗi lần hát xong, ba không nói chuyện với ai mà chỉ ngồi lặng lẽ ở một góc hậu trường. Chính sự khác biệt ấy đã khiến mẹ để ý và chủ động làm quen trước.
Sự quan tâm của mẹ đã khiến ba dốc bầu tâm sự. Ba nói mình đang mang bệnh trong người, lại buồn chán vì nhớ nhà nhưng không có ai chia sẻ. Lúc đầu, mẹ cũng chỉ nghĩ là giúp một người xa quê hương đang lúc khó khăn, cô độc... Mẹ về nhà lấy xe mobylette (mô-bi-lết) chở ba đi khám bệnh.
Thời đó, cả vùng chỉ mỗi nhà ngoại là có chiếc xe ấy trong khi những gia đình khác, giàu có lắm mới sắm được một chiếc xe đạp. Khi ba khỏi bệnh cũng là lúc hai người yêu nhau hồi nào không hay.
Mẹ đưa ba về nhà gặp gia đình để thưa chuyện. Bà ngoại kịch liệt phản đối. Ngoại muốn mẹ phải lấy chồng là thương gia hoặc người biết làm ăn buôn bán chứ không phải là "xướng ca vô loài". Bà ngoại sợ mẹ lấy chồng là ca sĩ sẽ khổ, sợ ba không chung thuỷ...
Nhưng ba và mẹ đã quá yêu nhau. Mẹ có thai. Khi bà ngoại biết được tin sét đánh này, bà nhốt mẹ ở nhà, chẳng những không cho đi hát mà còn bắt bỏ đứa bé trong bụng.
Thời ấy, phá thai là một chuyện rất khủng khiếp và người phụ nữ bị mang tiếng dữ lắm. Vì thế bà ngoại nhốt mẹ ở nhà và giao cho người giúp việc thân tín canh giữ để 4 giờ sáng hôm sau xuống Sài Gòn bỏ đứa nhỏ trong bụng vì không muốn gia đình mang tiếng.
Đêm hôm đó, mẹ khóc. Mẹ năn nỉ người làm: "Em xin chị, chị cứu em, chị cứu con em...". Người làm động lòng, mở cửa thả cho mẹ đi. Mẹ băng mình qua đêm tối tìm gặp ba rồi hai người bỏ trốn chờ ngày sinh nở.
Duy được ra đời trong hoàn cảnh như thế. Còn về phần người giúp việc, vì chuyện này mà cũng bị bà ngoại đuổi việc! Duy không biết mặt bà người làm nhưng trong thâm tâm luôn mang ơn bà. Nếu bà người làm năm đó không thả cho mẹ đi tìm ba thì chắc chắn không có Lê Duy ngày hôm nay.
Ba mẹ nghĩ rằng, khi gạo đã nấu thành cơm thì chắc sẽ thuyết phục được bà ngoại cho hai người đến với nhau nhưng ngoại cương quyết không đồng ý và cũng không thừa nhận Lê Duy.
Không biết mặt cha và hành trình tìm về quê nội
Không được bà ngoại chấp nhận, ba rủ mẹ về quê nội ở Phú Cam – Huế. Ba để hai mẹ con ở lại Sài Gòn, một mình về Huế trước để thưa chuyện vì sợ gia đình khó khăn. Mẹ chờ mãi không thấy ba liên lạc nên nóng ruột để Duy lại cho vú nuôi chăm sóc rồi một mình ra Huế tìm ba.
Mẹ kể rằng, mẹ chưa bao giờ tới Huế. Mẹ chỉ biết địa chỉ nhà nội qua lời kể của ba vậy mà mẹ tìm được về tận nhà. Mẹ thật tình thưa chuyện đã có con với ba. Nào ngờ được gia đình nhà nội rất thương. Mẹ lại quay về Sài Gòn bồng Lê Duy trở ra Huế.
Ba mẹ yêu thương nhau như thế, vượt qua biết bao nhiêu vất vả mới đến được với nhau... nhưng số mẹ vất vả. Khi Duy được 2, 3 tuổi thì ba mẹ giận nhau và chia tay. Mẹ bồng Duy quay về Sài Gòn. Ba buồn chuyện gia đình nên đi lính rồi tử trận.
Kể từ đó, cha con mất liên lạc. Duy không nhớ bất cứ một hình ảnh, một hồi ức nào về ba. Mười mấy năm sau, Duy đòi mẹ cho đi tìm ba, tìm nhà nội... Lúc đó, mẹ giống như hận ba nhưng vì Duy năn nỉ nhiều quá nên mẹ đồng ý dắt Duy về Huế.
Ngồi trên xe, Duy cứ tưởng tượng gặp ba, gặp nhà nội sẽ vui lắm. Khi xe dừng chân ở Quãng Ngãi để ăn trưa. Trạm dừng cách nhà bác (anh trai của bố Lê Duy - PV) không xa nên mẹ để Duy ở lại quán ăn, một mình vào nhà hỏi thăm.
Cả nhà bác nghe Duy vào tìm ba thì chạy ra quán cơm. Ai cũng khóc. Duy có linh cảm không lành. Mọi người bảo, bố đã tử trận hơn mười năm trước. Cảm giác của Duy lúc đó hụt hẫng, thất vọng vô cùng!
Quãng đường từ Quảng Ngãi ra Đà Nẵng chỉ hơn 200 km mà Duy thấy dài dằng dặc... Khoảng 12 giờ đêm hôm đó mẹ và Duy tới Đà Nẵng. Bà nội bệnh nặng nên ở Đà Nặng cho các cô chăm sóc. Cả nhà vừa nhìn thấy Duy là biết ngay con của ba vì quá giống. Mọi người ôm Duy khóc.
Bà nội đang bệnh nặng mà bỗng tỉnh như sáo. Nhờ sự xuất hiện của Duy mà bà nội sống thêm được vài năm nữa. Để được gần bà nội, Duy về hát ở đoàn Sông Hương. Khi nội mất được thời gian, mẹ xin cho Duy chuyển về đoàn Long An để mẹ con gần nhau.
Muốn làm con gái dẫu chỉ được 1 giây rồi chết cũng hài lòng
Từ nhỏ, Duy đã biết mình thuộc giới tính thứ ba nhưng hình ảnh mà mọi người thấy ở Duy là một chàng trai lịch lãm và cao lớn. Chính vì thế, khi Duy chuyển giới, mọi người ai cũng sốc. Mọi người còn sốc hơn khi Duy một mình qua Thái Lan trong khi chưa một lần đi nước ngoài và tiếng Anh một chữ bẻ đôi cũng không biết.
Thật ra, lúc đầu một chị bạn từng chuyển giới hứa sẽ dắt Duy sang Thái nhưng vào phút cuối, chị ấy bận không đi được. Duy quyết định đi một mình.
Qua tới sân bay Băng Cốc, Duy đã bị lạc. Sân bay quá lớn, Duy cứ đi vòng vòng trong sân bay khóc, không thể nào đi ra được. Tình cờ, Duy gặp một người quen ở Hà Nội qua Thái Lan lấy hàng. Chị ấy hỏi Duy đi đâu? Duy không dám nói thật. Duy bảo mình đi du lịch và nhờ chị dắt ra ngoài.
Nghệ sĩ đối thoại 12: Lê Duy kể chuyện ra đời ly kỳ và hành trình tìm cha
Trước khi đi, Duy xin card địa chỉ bệnh viện phẫu thuật thẩm mỹ và đưa cho taxi. Nhưng Duy không biết rằng, taxi ở Thái Lan luôn dừng đúng điểm đỗ gần địa chỉ mà mình muốn đến nhất. Từ điểm dừng đó tới bệnh viện còn một đoạn nữa mà Duy lại không biết đường.
May mắn thế nào, Duy gặp anh Thắng - Việt kiều Đức - một người quen khi ở Hà Nội. Anh Thắng đưa em gái qua Thái Lan sửa ngực. Duy thành thật nói với anh là mình đi chuyển giới và nhờ anh nói chuyện với bác sĩ.
Anh Thắng hỏi Duy đi với ai. Khi biết Duy đi một mình, anh bảo "chuyển giới mà đi một mình thì để chết à. Một ca đại phẫu thuật mà không có ai chăm sóc. Em đi về ngay".
Nghe anh Thắng nói vậy, Duy có phần chùn bước chút xíu nhưng cuối cùng Duy nói: "Anh cứ dắt em vô gặp bác sĩ đi. Anh nói chuyện với bác sĩ dùm em. Em mổ mà có chết ở Thái Lan em cũng bằng lòng. Em muốn làm con gái. Được làm con gái một ngày, một giây có chết em cũng hài lòng".
Thấy Duy quyết tâm nên anh Thắng đồng ý. Và trong suốt thời gian anh Thắng ở Thái Lan, anh chăm sóc cho Duy.
Sau gần một tháng thực hiện ca đại phẫu thuật chuyển giới, Duy về Việt Nam. Vết mổ còn chưa lành. Mỗi lần đi, máu chảy rất nhiều và vô cùng đau đớn. Về Việt Nam, Duy còn bị nhiễm trùng nhưng may mắn là được một cô ở gần nhà giới thiệu cho bác sĩ phụ khoa.
Thực sự lúc đầu, Duy không dám tới. Chính cô ấy là người nói với bác sĩ phụ khoa về tình trạng của Duy. Ngày nào Duy cũng tới rửa, đau đớn khủng khiếp. Sau nửa tháng, vết mổ cũng lành.
Nghệ sĩ Đối thoại là talkshow đặc biệt của Trí Thức Trẻ được thực hiện từ tháng 8/2017. Khách mời là một nhóm nghệ sĩ có quan hệ thân thiết hoặc lâu năm chia sẻ về tình bạn, về những thăng trầm trong nghề cũng như đời sống. Talkshow được dẫn dắt bởi Danh hài Minh Nhí và Ca sĩ Long Nhật.
Chương trình được ghi hình trước và phát lại dưới dạng livestream trên báo Trí Thức Trẻ, fanpage Soha, 2 tuần 1 số với thời lượng từ 60 đến 90 phút.