Tại chương trình Con tôi vô số tội, Lê Dương Bảo Lâm và mẹ ruột đã xúc động chia sẻ những khó khăn trong quá khứ của mình.
Mẹ Lê Dương Bảo Lâm: "Nó không bao giờ đánh lộn, chỉ có bị người ta đánh thôi"
Tại chương trình, mẹ Lê Dương Bảo Lâm không ngần ngại "bóc mẽ" con trai mình có tính điệu đà như con gái và chỉ chơi với con gái. Bà nói:
"Lâm hồi xưa hay đi ẹo ẹo giống con gái. Ở lớp mẫu giáo, trong đội múa toàn con gái, chỉ mình nó là con trai. Nó múa nhịp nhàng, điệu lắm, không con gái nào múa lại.
Nó chỉ chơi với con gái, chơi búp bê, nhà chòi, không ai chơi lại. Nó còn phát động phong trào chơi búp bê, đồ hàng, đầm váy các kiểu. Đặc biệt, nó không bao giờ đánh lộn, chỉ có bị người ta đánh thôi, bản tính nó hiền lắm.
Nó học giỏi từ mẫu giáo tới năm lớp 6, nhưng đến lớp 10 là mất căn bản, được cái tham gia hoạt động nhà trường không ai lại. Từ nhỏ nó đã biết diễn kịch, hát hò, khiến người ta cười banh rạp, nhưng học hành lại mất căn bản, chỉ được cái quay bài giỏi.
Hồi cấp ba, nó đi học thân với một đứa con gái mà toàn cóp bài của con bé đó. Lúc đó, tôi thường xuyên bị mắng vốn khi họp phụ huynh vì nó nói chuyện nhiều. Thầy cô bảo cứ vào trong lớp là nghe thấy tiếng nó, giọng nó to nhất lớp.
Hết lớp 12 nó thi vào Sân khấu Điện ảnh nhưng rớt, phải đi học kế toán 2 năm. Cha nó lúc nào cũng muốn nó phải học. Nhà làm nông nhưng nó không biết làm cái gì, không biết cầm đến cái cuốc cái cày, không biết cắt lúa, dắt bò vì cha nó không cho làm".
Mẹ Lê Dương Bảo Lâm cũng cho biết, anh rất được cha mẹ chiều chuộng và đầu tư cho nhiều thứ. Dù nhà làm nông khó khăn, nhưng bà vẫn bán bò để mua xe, mua dây chuyền cho con.
"Nhà tôi chiều con tới mức nó vừa tốt nghiệp lớp 12 đã bán mấy con bò để mua cho nó chiếc xe tay ga. Nó đi học thấy hao xăng quá về than, tôi lại bán tiếp bò để mua cho nó một chiếc xe số.
Lúc nó đậu trường Sân khấu, tôi còn mua hẳn cho nó chiếc xe SH, dòng đắt nhất của Honda, với giá 200 triệu, bằng nguyên một sào đất dưới quê. Chiếc xe đó đến giờ vẫn trùm mền ở nhà không ai đi.
Tôi còn mua cả dây chuyền cho nó đeo, rồi nó bán đi lấy tiền sửa mũi. Lúc mới sửa, tôi nhìn thấy nó còn khóc vì không giống con mình hồi trước, khác hẳn lúc trước" – mẹ Lê Dương Bảo Lâm chia sẻ.
Sau bao nhiêu ngày tháng khó khăn và nỗ lực, tới năm 2015, Lê Dương Bảo Lâm đăng quang Cười xuyên Việt. Từ đó, mẹ anh được mở mày mở mặt. Bà tự hào nói:
"Năm 2015, nó đăng quang chương trình Cười xuyên Việt, tôi lên coi mà không ngờ người ta lại hâm mộ nó đến như thế. Tôi lên tặng hoa cho nó mà không được vì mọi người chen chúc quá đông.
Sáng hôm sau tôi đi làm, vào công ty tôi như người nổi tiếng. Ai cũng bu vào tôi hỏi về con tôi.
Cái tôi hài lòng ở con mình là không bao giờ xấu hổ về mẹ dù mẹ có quê mùa, xấu xí thế nào chăng nữa. Mỗi lần tôi lên Sài Gòn thăm, nó không ngần lại bảo với bạn "mẹ tao phải đi mua ve chai, chưa lên kịp".
Lúc nào nó cũng ngủ với che mẹ, từ bé cho tới tận lúc lớn tướng. Tôi đi làm về muộn, vào giường phải nhìn mãi mới rõ ai là cha ai là con.
Mỗi lần đưa nó đi học, tôi toàn chở còn nó ngồi sau ôm. Ở nhà, nó lúc nào cũng nghiêm túc, không bao giờ ca hát diễn múa gì, nên lúc thấy nó trên tivi ai cũng bất ngờ".
Lê Dương Bảo Lâm: "Tôi đi học, cha mẹ tốn kém vô cùng, hết bán đàn bò nọ, đàn bò kia rồi bỏ cả một sào đất mua xe cho tôi"
Về phía mình, Lê Dương Bảo Lâm không ngần ngại thú nhận rằng, anh học không giỏi, bị mất căn bản vì đam mê diễn xuất, trong lớp hay nói chuyện và bị thầy cô nhắc nhở. Anh nói:
Lê Dương Bảo Lâm hồi xưa và hiện tại
"Tới năm cấp 3 là tôi bị mất căn bản, không học được, chỉ quay bài là giỏi, quay tới mức thầy giáo còn hỏi "sao bạn chấm em cũng chấm, bạn xuống dòng em cũng xuống dòng".
Tôi bị mất căn bản nên toàn nói chuyện, nói lớn nhất lớp, chuyện gì cũng nói, thầy cô vào lớp chưa nhìn thấy tôi đã nghe thấy tiếng. Được cái tôi rất có năng khiếu nghệ thuật và hoạt động nhà trường năng nổ như diễn kịch, ca hát, diễn mà cả hội trường đều cười.
Nhưng hồi đó tôi chưa có ý định theo nghệ thuật. Chỉ là lúc thi đại học, các bạn nộp hồ sơ vào trường nọ trường kia, tôi học dốt quá, chẳng biết nộp vào trường nào đành chọn đại trường Sân khấu.
Nhưng ngay lập tức tôi bị các bạn chê bai, chúng nói "cái mặt mày mà đòi vào trường sân khấu", nhưng tôi vẫn thi vì không còn đường lựa chọn nữa.
Năm đầu tiên tôi thi rớt, phải chuyển sang học kế toán, nhưng không dám nói với cha mẹ. Hồi đó, cứ đi học là tôi trốn vào quán cà phê ngủ, tới chiều đi về. Ngày nào cũng như vậy".
Lê Dương Bảo Lâm từ xưa đã mê làm đẹp, nên có những cách làm đẹp rất đáng sợ. Anh nói:
"Được cái, hồi đó tôi mê làm đẹp nên lúc nào cũng tập gym, đắp mặt nạ tới láng mịn. Ban ngày nắng chang chang mà tôi ra đường phải mặc áo mưa bên trong, áo gió bên ngoài. Mẹ tôi bảo tôi không được bình thường.
Tôi mê làm đẹp tới mức đi làm phục vụ quán được có 800 ngàn một tháng mà dám để ra hẳn 1 triệu 2 để tẩy trắng răng. Tôi chọn tẩy trắng răng vì đó là hình thức thẩm mỹ rẻ tiền nhất.
Tôi nhớ hồi chưa có tiền đi tẩy trắng răng, toàn ra bụi trúc bẻ ngọn trúc, tõe đầu trúc ra rồi chà vào răng đến tóe cả máu, tróc hết nướu.
Ngồi trước gương, tôi cứ tự lấy tay kéo mũi, kéo cằm ra để cho đẹp. Tôi miệt mài tập gym, chạy bộ với ý thức để đẹp hơn".
Lê Dương Bảo Lâm cũng thú nhận, anh từng bán dây chuyền, bán nhẫn mẹ mua cho để sửa mặt. Anh nói:
"Sau 2 năm học kế toán, tôi thi lại trung cấp Sân khấu Điện ảnh và đậu vì trường đang thiếu thí sinh. Vào được trường, tôi mừng rớt nước mắt, về quê đãi một bữa tiệc linh đình.
Tôi đi học, cha mẹ tốn kém vô cùng, hết bán đàn bò nọ, đàn bò kia rồi bỏ cả một sào đất mua xe cho tôi.
Tiền tôi sửa mặt ban đầu cũng là của mẹ. Tôi cả gan bán sợi dây chuyền mẹ mua cho để lấy tiền sửa mũi. Mẹ tôi không biết lại cứ tưởng đấy là tiền tôi đi làm có được.
Khi mẹ phát hiện dây chuyền mất mới hỏi tôi, tôi thản nhiên đáp "dây chuyền gắn lên lỗ mũi con rồi".
Nhưng tôi sửa mũi xong mặt bị lệch, phải bán tiếp cái nhẫn để sửa cằm thì mới hài hòa. Sửa mặt xong tôi đi múa lửa".
Thành quả tập luyện của Lê Dương Bảo Lâm
Hiện tại, Lê Dương Bảo Lâm đã thành công và có kinh tế ổn định để lo cho gia đình. Vì vậy, anh nhắn nhủ tới mẹ mình:
"Bây giờ, con chỉ muốn cha mẹ nghỉ việc hết để nghỉ dưỡng đi. Mỗi khi về nhà thấy mẹ nấu cơm, chăm sóc cây kiểng là con hạnh phúc lắm. Con hi vọng mẹ đừng lo nghĩ nữa, chỉ an hưởng tuổi già thôi. Kinh tế con đã ổn, con sẽ nuôi em, giúp đỡ gia đình mình".