Lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn là một trong những nội dung quan trọng diễn ra ngay những ngày đầu của Kỳ họp thứ 6, được cử tri và nhân dân cả nước đặc biệt quan tâm, theo dõi.
Cử tri và nhân dân dành sự quan tâm đặc biệt cho nội dung này cũng là điều dễ hiểu, bởi đây là hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội, việc đánh giá mức độ tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn là cơ sở cho việc đánh giá cán bộ.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định đây là nội dung giám sát đặc biệt quan trọng, thể hiện sự ghi nhận, đánh giá của Quốc hội đối với những nỗ lực, cố gắng và kết quả đạt được từ đầu nhiệm kỳ đến nay của những người được lấy phiếu tín nhiệm.
Theo Điều 12 Luật Tổ chức Quốc hội và Điều 18 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm đối với 50 người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.
Đó là các chức danh: Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước; Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội; Thủ tướng, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ; Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước.
Tuy nhiên, trong số những người giữ các chức vụ thuộc diện Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm lần này có hai chức danh vừa được Quốc hội bầu và phê chuẩn là Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng.
Do vậy, căn cứ khoản 6 Điều 1 Nghị quyết số 85/2014/Quốc hội 13 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn, Quốc hội không lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn có thời gian đảm nhiệm chức vụ liên tục chưa đủ 9 tháng, tính đến ngày khai mạc kỳ họp tổ chức lấy phiếu tín nhiệm của Quốc hội.
Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm bằng cách bỏ phiếu kín. Trên phiếu ghi rõ họ tên, chức vụ của những người được lấy phiếu tín nhiệm, các mức độ: "tín nhiệm cao", "tín nhiệm", "tín nhiệm thấp".
Lấy phiếu tín nhiệm được xem là một công cụ giám sát có tính chế tài cao hơn các hình thức giám sát khác, bởi Quốc hội không chỉ thăm dò được mức độ tín nhiệm đối với các chức danh, đây còn là căn cứ để đi đến quyết định miễn nhiệm bằng thủ tục "bỏ phiếu tín nhiệm".
Theo Điều 10 của Nghị quyết số 85/2014/QH13, người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND đánh giá "tín nhiệm thấp" thì có thể xin từ chức.
Trong trường hợp người được lấy phiếu tín nhiệm có từ hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND trở lên đánh giá "tín nhiệm thấp" thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội, Thường trực HĐND trình HĐND bỏ phiếu tín nhiệm.
Đây là lần thứ ba hoạt động này được thực hiện tại nghị trường và cũng là lần lấy phiếu tín nhiệm duy nhất với Quốc hội khóa XIV. Hai lần trước, việc lấy phiếu tín nhiệm được tiến hành vào năm 2013 và 2014.
So với hai lần trước, điểm mới trong lấy phiếu tín nhiệm lần này là người được lấy phiếu phải báo cáo tự đánh giá, kiểm điểm về việc có hay không biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ theo Nghị quyết Trung ương 4.
Ngoài ra, người được lấy phiếu phải báo cáo tự đánh giá, kiểm điểm về thực hiện việc sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế ở cơ quan, tổ chức, đơn vị mình.
Trong Nghị quyết 85/2014/QH13 cũng quy định, trường hợp thấy cần làm rõ vấn đề liên quan đến người được lấy phiếu tín nhiệm thì chậm nhất là 15 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp tổ chức lấy phiếu tín nhiệm, đại biểu Quốc hội có quyền đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xác minh và trả lời bằng văn bản.
Theo nhiều đại biểu Quốc hội, bên cạnh hoạt động giám sát truyền thống như chất vấn tại nghị trường, lấy phiếu tín nhiệm là một cơ chế tiên tiến, tạo ra bước đột phá nhằm phát huy dân chủ trong hoạt động của cơ quan dân cử cũng như trong đời sống xã hội.
Bên hành lang Quốc hội, các đại biểu đánh giá, đây là một trong những nội dung đặc biệt quan trọng của Kỳ họp này, là "thước đo" hiệu quả hoạt động của những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.
Nhấn mạnh lấy phiếu tín nhiệm là hoạt động có giá trị đặc biệt để kiểm soát quyền lực các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre) cho rằng kết quả sẽ giúp người được đánh giá cố gắng hơn nữa, nếu không đủ tín nhiệm có thể thay đổi.
Còn theo ông Trần Văn Túy, Trưởng ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương, việc lấy phiếu tín nhiệm giúp những người được lấy phiếu thấy được mức độ tín nhiệm của mình để có phương hướng khắc phục khuyết điểm, thiếu sót, từ đó tiếp tục phấn đấu, rèn luyện, phát huy tối đa năng lực và nhiệt huyết để cống hiến, nâng cao hiệu quả công việc.
Bên cạnh đó, kết quả lấy phiếu tín nhiệm cũng là cơ sở quan trọng để cấp có thẩm quyền đánh giá cán bộ, thực hiện quy hoạch, bố trí, sử dụng cán bộ một cách hiệu quả, đúng người, đúng việc; khuyến khích những người tín nhiệm thấp tự nguyện từ chức; kịp thời đưa ra khỏi vị trí lãnh đạo những người không hoàn thành chức trách, nhiệm vụ mà không phải chờ đến hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác.
Để việc lấy phiếu tín nhiệm được diễn ra dân chủ, đánh giá đúng thực lực của 48 người giữ các chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, cùng với công tác chuẩn bị kỹ lưỡng, nhất là bảo đảm về phương tiện kỹ thuật và phân công tổ chức thực hiện thì tinh thần trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội trong thảo luận, đánh giá thận trọng, khách quan, công tâm và chính xác mức độ tín nhiệm đối với người được lấy phiếu đóng vai trò đặc biệt quan trọng.
Trong hai lần lấy phiếu tín nhiệm trước, chưa có trường hợp nào có kết quả quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội đánh giá "tín nhiệm thấp" để có thể xin từ chức theo quy định, hay từ 2/3 tổng số đại biểu Quốc hội trở lên đánh giá "tín nhiệm thấp" để Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội bỏ phiếu thể hiện sự tín nhiệm hoặc không tín nhiệm.
Tại lần lấy phiếu thứ ba này, cũng không chức danh nào có quá nửa tổng số đại biểu đánh giá "tín nhiệm thấp".
Giữ vững sự tin tưởng của các đại biểu Quốc hội qua ba lần lấy phiếu (năm 2013, 2014 và 2018), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đứng đầu về số phiếu tín nhiệm cao (90,1% đại biểu tín nhiệm cao và 7,01% đại biểu tín nhiệm).
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được 81,03% đại biểu tín nhiệm cao và 14,02% đại biểu tín nhiệm, dẫn đầu khối Chính phủ gồm 26 thành viên về sự đánh giá tích cực của đại biểu Quốc hội.
Trong khối Chính phủ, ngoài Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ba chức danh có số phiếu tín nhiệm cao nhiều nhất là các Phó Thủ tướng: Phạm Bình Minh (77,73% đại biểu tín nhiệm cao và 17,53% đại biểu tín nhiệm); Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ (72,99% đại biểu tín nhiệm cao và 21,24% đại biểu tín nhiệm) và Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình (69,28% đại biểu tín nhiệm cao và 25,15% đại biểu tín nhiệm).
Người nhận được phiếu tín nhiệm thấp nhiều nhất là Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ, với 28,25% đại biểu tín nhiệm thấp.
Trên cơ sở lắng nghe ý kiến của cử tri, từ thực tiễn theo dõi, giám sát của mình, mỗi đại biểu Quốc hội đã thực hiện việc đánh giá với tinh thần trách nhiệm, bảo đảm dân chủ, khách quan, công tâm.
Kết quả đánh giá tín nhiệm sẽ giúp người được lấy phiếu có cơ hội nhìn nhận lại chính mình, xem mình đã làm được gì, chưa làm được gì để có phương hướng phát huy kết quả đạt được, khắc phục, sửa chữa những hạn chế, tồn tại. Đây cũng là cơ sở quan trọng để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét đánh giá, sử dụng cán bộ hiệu quả.