Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm với 48 chức danh

Hoàng Đan |

Theo chương trình làm việc, chiều nay, Quốc hội bắt đầu tiến hành lấy phiếu tín nhiệm với 48 chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.

Theo chương trình làm việc, 15h45 phút hôm nay, Quốc hội bắt đầu tiến hành lấy phiếu tín nhiệm với 48 chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.

Cụ thể, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Công tác đại biểu Trần Văn Túy trình bày Tờ trình về dự kiến danh sách những người được lấy phiếu tín nhiệm.

Sau đó, Quốc hội thông qua danh sách những người được lấy phiếu tín nhiệm bằng hệ thống biểu quyết điện tử.

Tiếp đến các đại biểu thảo luận ở Đoàn về các vấn đề liên quan đến việc lấy phiếu tín nhiệm.

Đến sáng ngày 25/10, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Công tác đại biểu Trần Văn Túy trình bày Báo cáo tổng hợp kết quả thảo luận ở Đoàn về các vấn đề có liên quan đến việc lấy phiếu tín nhiệm. Sau đó, Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm bằng bỏ phiếu kín.

Theo quy định, trên phiếu ghi rõ họ tên, chức vụ của những người được lấy phiếu tín nhiệm, các mức độ: “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm”, “tín nhiệm thấp”. Chiều ngày 25/10, Ban kiểm phiếu sẽ công bố kết quả kiểm phiếu.

Theo điều 18 luật Hoạt động giám sát của QH và HĐND năm 2015 về lấy phiếu tín nhiệm, Quốc hội sẽ lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh: Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước; Chủ tịch QH, Phó Chủ tịch QH, Ủy viên UB thường vụ QH, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm các UB của QH; Thủ tướng, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ; Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước.

Theo đó, có 50 người giữ các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Tuy nhiên, tại kỳ họp này, Quốc hội chỉ lấy phiếu 48 người.

Hai người giữ 2 chức danh còn lại là Chủ tịch nước và Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông vừa được Quốc hội bầu và phê chuẩn chưa đủ thời gian đảm nhiệm chức vụ liên tục trên 9 tháng nên không lấy phiếu tín nhiệm.

Trong 48 vị được Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm lần này, khối Chủ tịch nước có 1 người, khối Quốc hội có 18 người, khối Chính phủ có 26 người cùng Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng Viện KSND Tối cao và Tổng Kiểm toán Nhà nước.

Đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) cho hay, ông có may mắn là dự cả hai đợt Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm ở khóa XIII.

“Tôi vẫn giữ nguyên quan điểm là lẽ ra lấy phiếu tín nhiệm thì chỉ có hai nấc là tín nhiệm hoặc không tín nhiệm. Nhưng chúng ta tạo ra đặc thù, có lẽ mục tiêu chính là chúng ta cảnh báo, nhắc nhở.

Tuy nhiên, tôi cũng cho rằng có mặt tích cực, vì đây là một hình thức giám sát của các đại biểu Quốc hội và các cử tri rất quan tâm", ông Quốc nói.

Còn đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Phó Ban Dân nguyện của Ủy ban TVQH) cho rằng, việc lấy phiếu tín nhiệm vào thời điểm này rất quan trọng, bởi vì chúng ta đang đánh giá giữa kỳ.

"Sẽ có cơ sở để đánh giá các chức danh này không hoàn thành nhiệm vụ hoặc hoàn thành tốt nhiệm vụ, để có điều kiện nhắc nhở thông báo, cảnh báo, thậm chí có thể thay đổi", ông Nhưỡng nêu.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại