"Lấy của người giàu chia cho người nghèo": Cách ứng phó "cơn bão" Covid-19 của Tổng thống Putin khiến người dân Nga thán phục

Mạnh Kiên |

Sửa đổi hiến pháp không còn là vấn đề cần quan tâm lúc này, điều quan trọng với Tổng thống Putin là đưa nước Nga vượt qua cơn bão lớn nhất trong suốt 20 năm qua.

Trong thời điểm nền kinh tế Nga đang chững lại bởi sự sụt giảm giá dầu, sự hoành hành của Covid-19 được coi là một thách thức thực sự trong nhiệm kỳ của Tổng thống Nga Vladimir Putin, Artyom Lukin, chuyên gia về quan hệ quốc tế tại Đại học Liên bang Viễn Đông ở Vladivostok, Nga, nhận định trên tờ RT.

Đánh thuế người giàu

Hôm 25/3, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có bài phát biểu lần đầu tiên trước toàn dân về dịch Covid-19 kể từ khi dịch bệnh này bùng phát. Trong lời chia sẻ, ông Putin cam kết sẽ có các biện pháp hỗ trợ cần thiết cho người dân Nga, đặc biệt đối với các nhóm người dễ bị tổn thương.

Không giống như các lần phát biểu trước đó, đây được coi là bài phát biểu ảm đạm nhất của ông Putin trong hai thập kỷ nắm quyền, khi nhà lãnh đạo Nga về cơ bản thừa nhận rằng đất nước phải đối mặt với khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng do Covid-19 lan rộng và suy thoái kinh tế toàn cầu.

Trong bài phát biểu trên truyền hình, ông Putin kêu gọi dân chúng nên ở nhà vì sự an toàn của chính mình, đồng thời cho các lao động trên toàn đất nước nghỉ việc trong vòng một tuần vẫn trả lương.

Tuy nhiên, trọng tâm chính nhà lãnh đạo Nga muốn nhấn mạnh trong bài phát biểu là về các biện pháp tài chính và ngân sách để duy trì sinh kế của người dân bình thường và giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ sống sót qua khủng hoảng.

Các biện pháp hỗ trợ tập trung vào nhóm các gia đình có trẻ em, những người bị bệnh và những người nguy cơ mất việc. Ví dụ, trợ cấp thất nghiệp tối thiểu sẽ được tăng từ 8.000 đến 12.000 rúp mỗi tháng.

Tổng thống Putin cũng cho cắt giảm thuế đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong sáu tháng tới, đồng thời hứa sẽ giảm vĩnh viễn một số loại thuế cho các doanh nghiệp nhỏ.

Có lẽ phần quan trọng nhất – cũng như bất ngờ nhất - trong bài phát biểu của Tổng thống Putin là thông báo rằng Chính phủ sẽ tăng thuế đối với tầng lớp giàu và siêu giàu ở Nga để cùng chia sẻ gánh nặng với người dân nghèo.

Cùng với đó, thuế thu nhập nước ngoài sẽ tăng từ 2-15%. Ngoài ra, tiền gửi ngân hàng hơn một triệu rúp giờ đây sẽ bắt đầu bị đánh thuế.

Quyết định đánh thuế vào giới thượng lưu Nga cho thấy Điện Kremlin đang tính toán trước những nguy cơ nguồn dự trữ tài chính quốc gia sẽ không thể duy trì được lâu trước dịch bệnh.

Chỉ vài tuần trước, Tổng thống Putin từng khá tự tin về điều này, khẳng định rằng Chính phủ Nga có đủ nguồn lực tài chính để đảm bảo sự ổn định kinh tế.

Tuy nhiên, kể từ đó, giá dầu thô Brent tiếp tục trượt từ mức 50 USD xuống 29 USD/thùng và có thể sẽ còn giảm xuống thấp hơn nữa. Nếu nền kinh tế toàn cầu rơi vào khủng hoảng kéo dài, tài chính của Nga sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, vì gần một nửa nguồn tiền của Nga đến từ lĩnh vực dầu khí.

Theo một kịch bản kinh tế toàn cầu bi quan hơn – điều cũng đang dần xuất hiện trên thực tế - khoảng 700 tỷ USD quỹ tài sản và dự trữ ngoại hối của Nga có thể không đủ để vượt qua khủng hoảng. Do đó, việc đánh thuế thêm là cần thiết để tránh sự cạn kiệt nguy hiểm đối với kho bạc nhà nước Nga.

Sự khác biệt của Tổng thống Putin

Lấy của người giàu chia cho người nghèo: Cách ứng phó cơn bão Covid-19 của Tổng thống Putin khiến người dân Nga thán phục - Ảnh 2.

Sửa đổi hiến pháp không còn quan trọng với Nga lúc này.

Ngoài ra, chuyên gia Lukin tin rằng, một lý do khác để Tổng thống Putin chấm dứt các đặc quyền tài chính đối với giới thượng lưu là vấn đề chính trị.

Đây được coi là một hành động làm yên lòng người dân Nga khi nó cho thấy Điện Kremlin sẽ không có chuyện đặc cách cho giới giàu có trong khi người dân bình thường và doanh nghiệp nhỏ phải gánh chịu trong cuộc khủng hoảng.

Động thái đánh thuế người giàu là sự khác biệt lớn trong phản ứng chống khủng hoảng của Tổng thống Putin khi so với các biện pháp khẩn cấp được thực hiện ở một số quốc gia lớn khác, nơi các Chính phủ chỉ triển khai các gói hỗ trợ nền kinh tế và phát tiền cho người dân.

Cũng trong bài phát biểu của mình, Tổng thống Putin cũng tuyên bố hoãn vô thời hạn trưng cầu dân ý sửa đổi hiến pháp cho đến khi dịch bệnh kết thúc.

Trước đó, sự kiện này được dự kiến tổ chức vào ngày 22/4. Nếu được thông qua, cải cách hiến pháp sẽ cho phép Tổng thống Putin lãnh đạo đất nước cho đến năm 2036.

Tổng thống Putin khẳng định đề xuất sửa đổi hiến pháp vẫn quan trọng giữa lúc tình hình Covid-19 khó lường. Tuy nhiên, những thay đổi về hiến pháp sẽ không còn là vấn đề cần tập trung trong thời điểm này.

Tương lai của Tổng thống Putin và tương lai của hệ thống chính trị mà ông tạo ra ở Nga, giờ đây sẽ xoay quanh cách ông điều khiển đất nước vượt qua cơn bão dịch bệnh như thế nào.

Trong ngắn hạn, ông Putin vẫn đang trong vùng an toàn. Ông sẽ nhận được sự ủng hộ lớn từ người dân và các nhóm chính trị, kinh tế khác trong cả nước tương tự như Tổng thống Mỹ Donald Trump hiện tại.

Vẫn có sự rủi ro lớn đối với Tổng thống Putin khi các biện pháp khẩn cấp của Điện Kremlin nhằm đánh thuế giới giàu có sẽ khiến ông bị giới này xa lánh, trong khi nguồn tiền Chính phủ nhận được vẫn không hỗ trợ được đáng kể cho người dân bình thường và các doanh nghiệp nhỏ.

Tuy nhiên, tất cả vẫn cho thấy rằng, ngay cả khi đối mặt với căng thẳng lớn như vậy, nước Nga của Tổng thống Putin đã tỏ ra kiên cường hơn nhiều so với những gì phương Tây mong đợi.

Lấy của người giàu chia cho người nghèo: Cách ứng phó cơn bão Covid-19 của Tổng thống Putin khiến người dân Nga thán phục - Ảnh 3.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại