"Nhà tổ mối" được xây dựng tại Đà Nẵng, nơi thời tiết chuyển tiếp đan xen giữa khí hậu miền Bắc và miền Nam, với tính trội là khí hậu nhiệt đới ở phía Nam, mỗi năm có 2 mùa rõ rệt: mùa khô và mùa mưa kéo, thỉnh thoảng có những đợt rét mùa đông nhưng không đậm và không kéo dài. Nơi đây cũng chịu ảnh hưởng của rất nhiều cơn bão nhiệt đới hàng năm.
Lấy cảm hứng từ khả năng xây tổ đặc biệt của loài mối trong khu vực địa phương, kiến trúc sư đã thiết kế ngôi nhà với không gian chung lớn ở trung tâm, nơi tập hợp đủ bếp nấu ăn, bàn ăn và góc giải trí. "Tiền sảnh" này sau đó dẫn đến các khu vực chức năng khác nhau trong nhà như phòng vệ sinh, phòng khách và các phòng ngủ. Tất cả đều được kết nối một cách nghệ thuật và thoải mái. Gác lửng là nơi bố trí một phòng ngủ khác, một phòng thờ và một thư viện nhỏ.
Tầng áp mái là khu vực thư giãn mở với rèm che bằng dây leo. Được thiết kế cho ba người ở nên ngôi nhà không cần nhiều vách ngăn ngoại trừ vách ngăn phòng thờ và các phòng ngủ. Trong khi đó, tại các khu vực chung trong nhà, các thành viên trong gia đình vẫn có thể nhìn thấy và trò chuyện với nhau qua những bức tường có lỗ được bố trí ngẫu nhiên nhưng khoa học như trong một tổ mối thực sự.
Ngôi nhà chủ yếu được xây dựng bằng gạch nung, một loại vật liệu truyền thống của địa phương. Trần nhà được đúc bằng bê tông nguyên bản và sàn nhà được lát bằng đá mài màu tối. Tất cả nội thất đều được làm bằng gỗ từ mái của ngôi nhà cũ, giúp tiết kiệm đáng kể tổng chi phí xây dựng thực tế.
Những bức tường hoàn toàn được xây bằng gạch nung giúp ngôi nhà mát mẻ vào mùa hè, loại gạch này có thể đóng vai trò như một yếu tố nhất định để giữ độ ẩm cho toàn bộ ngôi nhà. Kỹ thuật xây dựng đặc biệt "hai lớp da" với hai lớp, một tường gạch bao bên ngoài và một khung kính bên trong tạo ra một khoảng trống bên trong tường, có chức năng như một lớp đệm giúp che mưa chắn gió.
Bên cạnh đó, việc bố trí các khu vệ sinh và kho chứa đồ dọc theo các bức tường không chỉ giúp chắn gió mạnh trong mùa mưa bão mà còn có thể dẫn chúng hướng và xuyên qua các khe hở thẳng lên mái nhà. Điều này là do sự khác biệt đáng kể về áp suất. Trên tầng mái, kiến trúc sư sử dụng hệ thống dầm và sàn đảo ngược tạo thành khu vườn nhỏ trồng cây - nơi lý tưởng để cả gia đình thư giãn, hóng gió trong những ngày hè oi bức.
Thiết kế đặc biệt của những bức tường gạch nung với nhiều lỗ hổng cùng với khoảng thông tầng lớn giúp gió và ánh sáng len lỏi đến mọi ngóc ngách của ngôi nhà, ngay cả những khu vực khó tiếp cận nhất. Chủ nhân ngôi nhà cũng có thể tận hưởng bầu trời trong xanh vào ban ngày hoặc ánh trăng vào ban đêm từ phòng khách, phòng ăn hay trong cả nhà bếp.
Vào các thời điểm khác nhau trong ngày, sự đa dạng của cường độ ánh sáng xuyên qua các lỗ trống giữa các tầng khiến màu tường gạch thay đổi từ đỏ nhạt vào buổi sáng, đỏ vào buổi trưa, đỏ sẫm vào buổi chiều sang nghiêng tím đỏ nhiều hơn vào khoảng chiều tối. Vào buổi tối và ban đêm, ngôi nhà trông giống như một chiếc đèn lồng khổng lồ với ánh sáng hắt ra từ các lỗ trống.
Các bức tường gạch bao xung quanh được điểm xuyết bằng một vài viên gạch nhô ra với mục đích để tạo bóng đổ.
Cả sân và vườn đều được trải sỏi với một số cây trồng lấy từ ngôi nhà cũ nhằm mục đích giữ lại một số nét quen thuộc cho chủ nhân. Việc tận dụng tối đa hệ thống thông gió, chiếu sáng và cơ chế điều hòa không khí tự nhiên đã khiến "Nhà tổ mối" tối ưu hóa những yếu tố tích cực của một công trình nhiệt đới có tính ứng dụng cao.
Địa điểm: Quận Thanh Khê, TP. Đà Nẵng
Thiết kế kiến trúc: Tropical Space
Diện tích xây dựng: 80 m²
Năm hoàn thành: 2014
Hình ảnh: Hiroyuki Oki
Nguồn: Aarchdaily