Kỳ 1: Động cơ các cuộc thử nghiệm
Chỉ trong ngày hôm đó, 11 bệnh nhân đã được đưa vào Bệnh viện Stanford với triệu chứng viêm phổi, sốt và nhiễm trùng đường tiết niệu nghiêm trọng. Một trong số họ là thợ sửa ống nước đã nghỉ hưu 75 tuổi tên là Edward J. Nevin, người qua đời ba tuần sau đó.
Các xét nghiệm cho thấy thủ phạm là Serratia marcescens, một loại vi khuẩn hiếm đến mức không có một ca bệnh nào trong toàn bộ lịch sử của San Fransisco. Các bác sĩ của bệnh viện bối rối trước cụm lây nhiễm bất thường này, đến nỗi họ đã đưa ca nhiễm bệnh này lên tạp chí y khoa. Khi không có ca nhiễm mới nào xuất hiện, họ coi đó là một sự trùng hợp ngẫu nhiên.
Ảnh minh họa: greetingsfromsanfran
Nhưng các bác sĩ và người dân San Fransisco không hề hay biết, những đám sương mù dày đặc len lỏi khắp thành phố vào mùa thu năm đó đã mang theo một điều bí mật: hàng nghìn tỷ vi khuẩn được phun ra từ một con tàu Hải quân ở ngoài khơi. Có mật danh là Sea Spray, chiến dịch này là một phần của dự án tuyệt mật thời Chiến tranh Lạnh nhằm kiểm tra xem San Fransisco dễ bị tổn thương tới đâu nếu bị tấn công bằng vũ khí sinh học.
Tuy nhiên, San Francisco không phải là thành phố duy nhất bị thử nghiệm. Từ năm 1949 đến năm 1969, Quân đội Mỹ đã cố tình để hàng chục thành phố nước này và hàng triệu người dân bình thường tiếp xúc với vi khuẩn và hóa chất có hại tiềm ẩn, tất cả đều nhân danh an ninh quốc gia. Đây là câu chuyện gây sốc về một trong những chương trình thí nghiệm trên người lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ.
Chiến tranh sinh học từ lâu đã là một phần trong cuộc xung đột của con người. Nhưng phải đến cuối thế kỷ 19, khi các nhà khoa học như Robert Koch và Louis Pasteur phát hiện ra các vi sinh vật gây bệnh và cách nuôi cấy chúng thì việc phát triển vũ khí sinh học chuyên dụng, hiệu quả mới bắt đầu một cách nghiêm túc.
Trong Chiến tranh Thế giới thứ nhất, Đế quốc Đức đã xây dựng một chương trình vũ khí sinh học rộng lớn, hoàn thiện các chủng bệnh than và loét mũi mà họ dự định lây nhiễm cho gia súc, động vật dùng trong đội của kẻ thù. Tuy nhiên, không có vũ khí nào trong số này từng được triển khai trước khi chiến tranh kết thúc. Nhưng tác động khủng khiếp của vũ khí hóa học khiến 146 quốc gia đã cùng nhau soạn thảo Nghị định thư Geneva về việc cấm sử dụng vũ khí sinh hóa năm 1925.
Trong hai thập kỷ tiếp theo, phần lớn các bên ký kết Nghị định thư Geneva đã tránh phát triển vũ khí sinh học. Tuy nhiên, các cường quốc phương Tây khuất phục trước sức hấp dẫn đen tối của chiến tranh sinh học.
Cuộc tấn công của Nhật Bản vào Trân Châu Cảng vào ngày 7/12/1941 cũng khiến Mỹ đảo ngược lập trường về chiến tranh sinh học. Đầu năm 1942, Bộ trưởng Chiến tranh Mỹ Henry Stimson bày tỏ mối quan ngại với Tổng thống Franklin D. Roosevelt về việc Mỹ dễ bị tấn công sinh học.
Để đối phó với điều này, vào tháng 11/1942, Roosevelt đã đồng ý cho xây dựng một chương trình vũ khí sinh học của Mỹ, do Cơ quan Chiến tranh Hóa học của Lục quân Mỹ giám sát và tập trung tại Fort Detrick, Maryland. Đến năm 1945, chương trình chiến tranh sinh học của Mỹ đã sản xuất thành công vài tấn mầm bệnh được vũ khí hóa, trong đó có bệnh than và bệnh đậu mùa, mặc dù không loại nào từng được sử dụng trong chiến đấu.
Chính sách thời chiến của Mỹ quy định rằng những vũ khí như vậy chỉ được sử dụng để trả đũa hoặc để ngăn chặn các cuộc tấn công sinh học của kẻ thù. Xét về mặt này, chương trình đã rất thành công. Sau chiến tranh, các tài liệu thu giữ được cho thấy chính nỗi sợ bị Mỹ trả đũa đã khiến Đức Quốc xã từ bỏ chương trình chiến tranh sinh học.
Chiến tranh Lạnh đã khiến Mỹ cảm thấy cấp bách phải có chương trình vũ khí sinh học. Mỹ còn nhiều câu hỏi phải trả lời: mầm bệnh nào sẽ gây ra thiệt hại nhiều nhất? Phương tiện phân tán hiệu quả nhất là gì? Mầm bệnh lây lan ở các thành phố khác so với nông thôn thế nào? Những thành phố nào của Liên Xô và Mỹ dễ bị tấn công sinh học nhất, và làm thế nào để bảo vệ những thành phố Mỹ?
Họ đã đánh giá ba phương pháp tiềm năng để trả lời những câu hỏi này: thứ nhất, thử nghiệm quy mô nhỏ bằng cách sử dụng các thành phố mô hình trong các đường hầm gió; thứ hai, thử nghiệm toàn diện sử dụng mầm bệnh sống ở các thành phố mô phỏng; và thứ ba, thử nghiệm toàn diện bằng cách sử dụng mầm bệnh mô phỏng ở các thành phố thực.
Hai phương pháp đầu tiên nhanh chóng bị gạch bỏ vì phương pháp thứ nhất có những hạn chế về kỹ thuật và phương pháp thứ hai có chi phí mô phỏng toàn bộ thành phố quá cao. Còn lại phương pháp số 3: giải phóng mầm bệnh mô phỏng trên các thành phố thực. Do đó, người ta bắt đầu tìm kiếm các thành phố phù hợp ở Mỹ.
Cuối cùng, các thành phố được chọn gồm Oklahoma, Kansas, Omaha, Cincinnati, St. Louis, Chicago và Winnipeg ở Canada và Minneapolis. Các thành phố ở California và Florida cũng được chọn để thử nghiệm liên quan đến các khu vực ven biển. Để mô phỏng các tác nhân chiến tranh sinh học, các nhà nghiên cứu đã chọn bốn loại vi khuẩn khác nhau: Serratia marcescens, Bacillus globigii, Bacillus subtilis và Aspergillus fumigatus.
Mặc dù vậy, vì lý do an ninh và để có được kết quả chính xác nhất có thể, người dân của các thành phố mục tiêu sẽ không được thông báo rằng các cuộc thử nghiệm đang diễn ra.
Theo Business Insider/Smithsonianmag