Phòng không có người ở nhưng không chịu cho sinh viên dọn qua liền
Qua tìm hiểu, ngôi nhà số 125/41 đường D1 (phường 25, quận Bình Thạnh, TP. HCM) đã và đang lừa hàng trăm sinh viên thuê trọ suốt mấy năm nay để chiếm đoạt tiền cọc đã có rất nhiều cảnh báo lừa đảo được đăng tải trước đó để giúp các bạn sinh viên cảnh giác với ngôi nhà này.
Để tìm hiểu thực hư câu chuyện, chúng tôi đã vào vai một sinh viên đi thuê trọ. Tìm đến hẻm 125 rất ít thấy những ngôi nhà dạng cho thuê, chỉ duy nhất căn nhà số 125/41 bị sinh viên "tố" lừa đảo dán tờ rơi "có phòng cho thuê" trước cổng.
Tiếp chuyện chúng tôi, một nhóm thanh niên nói: "Em muốn thuê phòng bao nhiêu người ở, bên anh còn 2 phòng trên lầu".
Lúc này, một người trong nhóm đối tượng này cũng đang nói chuyện với 2 người khác đến thuê phòng như chúng tôi. Qua quan sát, căn nhà được sắp xếp đồ đạc, nội thất như một gia đình đang ở.
Ngỏ ý muốn vào xem qua phòng, chúng tôi được một cô gái trẻ (khoảng 20 tuổi) dẫn lên lầu 2. Căn phòng khá thoáng mát với đầy đủ tiện nghi, có giường nệm, nhà vệ sinh riêng giống như một khách sạn tầm trung.
Tuy nhiên khi được hỏi liệu có thể dọn đến ở luôn được không, người này cho biết hiện phòng đang có người ở, vài ngày nữa mới dọn đi.
Mặc dù cô gái này nói có người ở nhưng xem qua thì chẳng có đồ đạc nào cho thấy có người đang sinh sống. Ngược lại, căn phòng giống như do chính nhóm người này đang ở rồi dùng thủ đoạn cho thuê phòng để lừa tiền sinh viên. Khi chúng tôi thắc mắc điều này thì cô gái lảng tránh, không nói.
Căn nhà tại địa chỉ 125/41 đường D1 (phường 25, quận Bình Thạnh, TP. HCM).
Với thủ đoạn tương tự như đối với những sinh viên khác, cô gái này cho biết: "Phòng này nếu ở 1 người thì giá 1,2 triệu đồng, nếu ở 2 người giá 1,5 triệu đồng. Tiền điện, nước tính theo giá nhà nước chia ra từng phòng trả hàng tháng".
Theo người này, nếu đồng ý thuê thì làm hợp đồng đóng tiền "thế chân" trước 1 tháng và đóng tiền cọc giữ phòng từ 500.000 – 1 triệu đồng.
Đây thực chất là thủ đoạn của nhóm đối tượng này để tìm cách "moi" bằng được tiền cọc của sinh viên rồi soạn "hợp đồng ma" khiến sinh viên không thể đòi lại được, sau đó chiếm đoạt.
Căn phòng khá đầy đủ tiện nghi.
Vừa ra ngoài 15 phút, quay lại đòi tiền "cọc" nhưng chỉ biết khóc vì lỡ ký tên trên "hợp đồng ma"
Khi chúng tôi giả vờ "sập bẫy" như những sinh viên trước đó, đồng ý thuê căn phòng trên thì ngay lập tức được hướng dẫn đến gặp nam thanh niên đang ngồi dưới tầng trệt chờ sẵn để làm hợp đồng giữ chỗ.
"Em thuê thì thuê không thuê thì đi chỗ khác. Thuê thì xem qua hợp đồng rồi ký tên", nam thanh niên quát lớn khi chúng tôi ngập ngừng, lưỡng lự. Thực chất hợp đồng này là tờ giấy có tên "Giấy thỏa thuận đặt cọc giữ chỗ" đã được đưa cho những sinh viên bị lừa trước đó.
Thời điểm chúng tôi "thâm nhập" vào căn nhà trọ này, cũng có 2 sinh viên khác đến thuê phòng. Sau khi xem phòng, 2 bạn này cho biết đã đồng ý thuê và bị nhóm người này "dụ dỗ" với những lời "đường mật", giao 500.000 đồng tiền "cọc" để giữ phòng nhưng không hề đọc kỹ hợp đồng.
Sau 15 phút quay lại, cô gái trẻ chỉ đồng ý trả lại cho các bạn sinh viên 50% tiền cọc.
Sau khi ra về, giả vờ như thấy trên mạng xã hội nhiều người cảnh báo về thủ đoạn lừa đảo của nhà trọ này, chúng tôi cùng những sinh viên có đóng tiền cùng quay lại để lấy tiền "cọc" đã đóng cách đó 15 phút.
"Lúc đầu người phụ nữ định không trả do trong hợp đồng có ghi điều khoản không trả lại 100% số tiền sau khi đã "thế chân". Tuy nhiên sau khi hội ý với một người bí ẩn nào đó ở bên trong thì người này quay ra đồng ý trả một nửa số tiền.
Em bức xúc lắm vì chỉ sau 15 phút đóng cọc quay lại đòi tiền không được trả đủ, như vậy đã cướp trắng trợn 250.000 đồng", nữ sinh viên bị lừa tiền chia sẻ.
Hàng ngày có rất nhiều sinh viên đến đây thuê trọ.
Có thể thấy bản "hợp đồng ma" ràng buộc khiến sinh viên không thể làm gì hơn với chủ nhà trọ này, chỉ biết khóc năn nỉ đòi lại tiền đặt cọc. Nếu sinh viên nào may mắn thì được trả một nửa, còn lại hầu hết đều bị chiếm đoạt trọn.
Theo những người sống trong khu vực gần căn nhà số 125/41 đường D1 (quận Bình Thạnh), họ cũng biết nhiều sinh viên đến đòi lại tiền nhưng không được trả. Người dân thắc mắc, không hiểu sao mỗi ngày có gần 100 sinh viên đến căn nhà này để thuê phòng trọ và số tiền bị chiếm đoạt sẽ rất lớn.