Mục tiêu của Bắc Kinh rất rõ ràng: củng cố mưu đồ kiểm soát toàn bộ Biển Đông thông qua các tiền đồn cách xa lục địa Trung Quốc cả nghìn km.
Trong bài phân tích với tiêu đề "Trung Quốc củng cố các vị trí trên Biển Đông" đăng ngày 24/11 trên trang web East Pendulum, chuyên gia Pháp Henri Kenhmann đã giải mã ý đồ của Bắc Kinh qua việc xây dựng 5 loại công trình khác nhau trên các đảo đá Chữ Thập (Fiery Cross), Xu Bi (Subi), Vành Khăn (Mischief), Gạc Ma (Johnson South), Châu Viên (Cuarteron), Ga Ven (Gaven) và Tư Nghĩa (Hughes).
Dưới vỏ bọc dân sự, đây là những cơ sở được dùng vào mục tiêu quân sự, phục vụ đắc lực cho các lực lượng vũ trang mà Trung Quốc đã triển khai để khống chế Biển Đông.
Tác giả bài viết phân tích, hồi tháng 7 vừa qua, một bệnh viện thuộc lớp 2A rộng 16.000 m2 với hơn 100 giường đã được khánh thành trên Đá Chữ Thập, thực thể lớn thứ ba trong quần đảo Trường Sa, hiện đã được bồi đắp thành một hòn đảo có diện tích 2,8 km2.
Một đội ngũ y tế khoảng 50 người, đảm bảo hoạt động của bệnh viện và đã đón nhận hơn 1.000 bệnh nhân cũng như tiến hành khoảng 100 ca phẫu thuật cho đến nay.
Phần trung tâm của đường băng mà Trung Quốc xây dựng trái phép trên đá Xu Bi, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: Financial Times
Một phóng sự của Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) cho thấy bệnh viện này được trang bị khá tốt đối với một cơ sở có quy mô như vậy.
Rõ ràng sự hiện diện của một cơ sở hạ tầng y tế như vậy ở Biển Đông sẽ cung cấp một lợi thế chiến thuật không thể xem thường cho quân đội Trung Quốc nếu xảy ra chiến tranh.
Theo chuyên gia này, 5 ngọn hải đăng để xác lập quyền sở hữu của Trung Quốc. Những ngọn hải đăng cũng đã được khánh thành trên năm đảo lớn nhất của Trung Quốc tại các đảo nhân tạo Xu Bi, Vành Khăn, Chữ Thập, Gạc Ma và Châu Viên, đều thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Theo truyền thông Trung Quốc, những ngọn hải đăng này cao hơn 50 mét, có tầm chiếu xa ra tới 20 hải lý. Tất cả đều được trang bị hệ thống giám sát AIS để theo dõi vị trí tàu thuyền qua lại gần đó.
Bên cạnh chức năng phục vụ hàng hải, các hải đăng cũng là một biểu tượng tâm lý quan trọng để nhắc nhở tàu bè qua lại khu vực về sự hiện diện thường trực của Trung Quốc tại tuyến đường biển chiến lược quan trọng này.
Ngoài việc thường xuyên chở nước từ đất liền ra các đảo, việc hứng nước mưa và tái xử lý nước đã qua sử dụng là nguồn cung cấp chính cho các nhu cầu vệ sinh và lao động.
Kể từ năm 2013, chính phủ Trung Quốc đã lần lượt cho vận hành các nhà máy khử muối trên tất cả các đảo, với công suất khác nhau, từ một vài tấn đến vài nghìn tấn mỗi ngày.
Ngoài ra, Trung Quốc hiện muốn đi xa hơn và đang nỗ lực "tái tạo" hệ sinh thái trên các đảo ở Biển Đông, vốn dĩ là những nơi hoang sơ, khô cằn.
Ví dụ trên đảo Xu Bi đã có hơn một triệu loại cây cỏ khác nhau do Viện Hàn Lâm Khoa Học Trung Quốc lựa chọn để chuyển đến trồng tại đây, vừa để chống xói mòn và giảm hàm lượng muối trong cát, vừa để cung cấp thực phẩm tươi cho những người trên đảo và thu hút các loài chim.
Mục tiêu công việc này chính là nhằm kiến tạo một môi trường để con người có thể sinh sống lâu dài. Ngoài ra, còn có những công trình khác như các đường băng dài và mạng lưới viễn thông.
Chuyên gia này cho rằng với các công trình có thể coi là "dời non lấp biển" kể trên, Trung Quốc đang từ từ áp đặt ý muốn của họ ở Biển Đông, mà không cần đến việc tấn công quân sự vào các đảo khác trong tay các nước láng giềng.
Chuyên gia kết luận đây là một chiến lược lấn chiếm lâu dài bất khả đối phó của Trung Quốc tại Biển Đông.