Cướp nhà để "tận thu"
Trường hợp đầu tiên PV hỗ trợ là một cụ Đặng Văn Ân (SN 1938, trú tại 123 Linh Quang, phường Văn Chương, Đống Đa, Hà Nội).
Theo lời cụ Ân, chừng tháng 4.2015, cụ Ân được một một người bạn là đại tá quân đội mời đi chơi, giao lưu, rồi được đưa đến một cơ sở được giới thiệu là chăm sóc sức khỏe của Thiên Ngọc Minh Uy (TNMU).
"Tôi tin ông bạn tôi và nghe nhân viên TNMU nói bùi tai kiểu mua 1 mã gần 12 triệu được lại 35 triệu tiền hoa hồng, lại được chăm sóc sức khỏe nên tôi mua 62 mã hết hơn 700 triệu tại đại lí của TNMU có tên Hoàng Phi nằm trên đường Nguyễn Khang, Cầu Giấy", cụ Ân cho biết.
Ngay sau khi tham gia 62 mã nêu trên, cụ Ân được trả 126 triệu tiền hoa hồng. Thấy "dễ ăn", cụ Ân tiếp tục đầu tư. "Sau hơn một tháng, tôi tham gia vào TNMU hơn 1,3 tỉ đồng", cụ Ân nói.
Tổng cộng sau 5 tháng, cụ Ân tham gia một tỷ tám trăm năm mươi triệu đồng vào đa cấp TNMU. Trong thời gian đó, có 3 lần cụ Ân được nhận tiền tri ân, tổng cộng là 358 triệu đồng.
"Tới tết âm lịch 2016, tôi gặp hai anh tên Nguyễn Trí Thực (chủ cơ sở đa cấp TNMU tên Hoàng Phúc tại số 4, lô 6, Đền Lừ, Hoàng Mai, Hà Nội) và một anh tên Tuần, cũng là người tham gia kinh doanh đa cấp tại TNMU.
Lúc này, hai anh này thuyết phục rằng tôi chỉ thiếu 54 mã dưỡng sinh nữa là sẽ lên cấp trưởng phòng, được hưởng chế độ cao hơn rất nhiều.
Tôi chỉ cần bỏ ra 700 triệu mua 54 mã này, sau vài tháng sẽ thu lại vốn gốc. Sau khoảng 1 năm thì có vài tỷ đồng", cụ Ân kể.
"Lúc này, tôi nói với Thực và Tuần rằng tôi đã cạn sạch tiền, chỉ còn tài sản đáng giá duy nhất là mảnh đất hơn 100 m2 và ngôi nhà trên đất nằm ở sau Ga Hà Nội.
Tuy nhiên, tôi không thể vay được ngân hàng từ việc cắm mảnh đất này vào ngân hàng nếu không có các con tôi kí tá, bảo lãnh.
Thực và Tuần mới nói bọn họ rất thân với ngân hàng, có thể vay mà không cần các con tôi kí tá. Các anh ấy dặn là nếu để các con tôi biết là hỏng việc.
Tôi làm theo lời các anh ấy dặn. Tháng 2/2016, Thực và Tuần đến nhà đón tôi cùng sổ đỏ đi vay ngân hàng.
Tuy nhiên, địa điểm duy nhất mà họ dẫn tôi đến là một văn phòng công chứng quận Hai Bà Trưng. Tại đây, họ đưa tôi một mớ giấy tờ và nói tôi kí, điểm chỉ vào đó.
Bình thường, mắt tôi đã kém, muốn đọc chữ phải dùng kính lúp mới đọc được và cũng do tin tưởng tuyệt đối nên họ bảo kí đâu thì tôi kí, điểm chỉ ở đâu thì tôi điểm chỉ ở đó.
Sau đó, Tuần nói với tôi là tôi đã được sở hữu thêm 54 mã sản phẩm, tôi được lên chức trưởng phòng”, vẫn lời cụ Ân.
Trong khi đó,anh Đặng Quang Thắng, con trai cụ Ân bức xúc cho biết: "Việc bố tôi cắm nhà chỉ bị chúng tôi phát hiện khi ngày 7/3 một người đàn ông đến nhà bố tôi và đòi xem đất, nhà để thẩm định mua bán gì đó.
Chúng tôi ngạc nhiên hỏi lại là sao lại xem nhà bố tôi thì người đàn ông này nói căn nhà đó đã không phải là nhà của bố tôi nữa.
Sau đó, họ xuất trình giấy tờ công chứng sang tên đổi chủ của mảnh đất thì chúng tôi thấy chủ mảnh đất là vợ chồng ông tên Lê Quang Việt và bà Trần Thị Thu Hà, có địa chỉ thường trú tại phường Thịnh Quang, quận Đống Đa, Hà Nội.
Lúc này, cả đại gia đình tôi choáng váng, hoảng loạn".
Để làm rõ vấn đề, các con cái trong gia đình cụ Ân đã tìm tới tất cả các nhân vật liên quan để bằng mọi giá đòi lại nhà, đất.
"Đầu tiên là gặp Thực và Tuần, hai người này thừa nhận dẫn bố tôi đi vay tiền, đi công chứng để sang tên sổ đỏ và sang tên cho bố tôi 54 mã hàng trong TNMU.
Họ vẫn khăng khăng là dẫn bố tôi đi vay ngân hàng. Lúc này, dù rất ức chế nhưng tôi và gia đình xác định phải gom tiền lấy lại mảnh đất, nhà nên đã đề nghị Thực và Tuần cho trả lại 54 mã hàng bố tôi vừa mua.
Họ đồng ý nhưng khấu trừ của bố tôi hơn 40 triệu", anh Thắng kể.
“Gia đình tôi tiếp tục tìm đến gặp vợ chồng ông Lê Quang Việt và bà Trần Thị Thu Hà - hai người "chủ mới" của mảnh đất trước đó là của bố tôi. Họ nói họ không có quyền quyết với mảnh đất, nhà trên đất đó, dù họ đứng tên.
Gia đình tôi xin số liên lạc của người có quyền quyết để liên lạc làm việc cụ thể.
Sau khi có được số máy này, tôi vội kết nối thì được họ tiết lộ rằng họ là dân kinh doanh tài chính tư nhân, là người đứng ra giải ngân tiền cho ông cụ nhà tôi", anh Thắng nói tiếp.
Việc cụ Ân bị các đối tượng là nhân sự của TNMU cấu kết với tín dụng đen lừa sang tên nhà để lấy tiền tham gia mua mã hàng của TNMU cũng được lãnh đạo Công ty này nắm được và có xác minh.
PV và cụ Ân đã trực tiếp có buổi làm việc với đại diện TNMU có sự tham gia của ông Nguyễn Trí Thực – người thuộc TNMU bị gia đình cụ Ân tố cấu kết với tín dụng đen để lừa cụ Ân sang tên nhà. Tại buổi làm việc này, ông Nguyễn Trí Thực có thừa nhận các nội dung do gia đình ông Ân tố cáo là có cơ sở.
Nhờ sự can thiệp từ tứ phía, gia đình anh Thắng lấy lại được sổ đỏ sau khi chịu thiệt 300 triệu cho phía những người được cụ Ân sang tên đất vào trước đó.
Vụ "cướp" nhà thứ hai
Là trường hợp của bà Nguyễn Thị Thuỷ, số nhà 9, ngõ 234 Trường Chinh, Đống Đa. Theo các chứng từ do bà Thuỷ cung cấp thì bà tham gia vào TNMU từ tháng 4/2015 thông qua cơ sở Hoàng Giang Phúc Xã Đàn (số 31, ngõ198 Xã Đàn, Hà Nội).
Bà Thuỷ bị "thuyết phục" bởi lời tư vấn bỏ ra 11,8 triệu đồng mua mã dưỡng sinh sẽ được nhận lại 37 triệu đồng trong 1 năm mà không phải làm gì nên lấy hơn 1 tỷ đồng tiền tiết kiệm ra để mua các mã dưỡng sinh.
"Ngay tháng sau, tôi nhận được vài trăm triệu tiền tri ân. Lúc này, tôi lại càng tin vào cơ hội làm giàu", bà Thuỷ nói.
“Lúc này, họ nói tôi cần đầu tư thêm khoảng 1,7 tỷ nữa, một người giới thiệu cùng làm trong TNMU tên Hiền có biết tôi đứng tên sở hữu một căn nhà tại đường Trường Chinh (Đống Đa, Hà Nội) nên họ nói tôi cầm sổ đỏ ra để họ giúp vay tiền từ ngân hàng.
Tuy nhiên, nếu tôi muốn vay thì phải có con cái tôi đồng ý. Lúc đó, Hiền nói cứ cầm sổ đỏ ra thì họ khắc giúp vay được.
Tôi cầm sổ đỏ ra thì họ yêu cầu tôi sang tên cho một người tên Đỗ Thị Hà để bà Hà này đứng ra vay tiền.
Thấy tôi lăn tăn, mấy người này liền làm một hợp đồng giữa tôi và một công ty do bà Hà làm Phó Giám đốc với nội dung: Tôi sang tên đất cho bà Hà để nhờ bà Hà đứng ra vay tiền từ ngân hàng. Trong 1 năm nếu tôi có tiền trả lại bà Hà thì họ sẽ trả lại nhà”, vẫn lời bà Thúy.
Sau những thủ tục vay ngân hàng kiểu lòng vòng trên, bà Thuý được “giải ngân” 1,7 tỷ đồng nữa để tiếp tục dùng toàn bộ số tiền này vào các mã hàng nâng tổng số tiền than gia vào TNMU lên 3,2 tỉ đồng.
"Sau gần hai năm tham gia, tôi mới nhận được khoảng gần 600 triệu tiền tri ân, hoa hồng...”, lời bà Thuý.
Nhận ra sai lầm khi tham gia đầu tư vào TNMU, bà Thuý đã tìm tới sự tư vấn của PV để làm thủ tục đề nghị mua lại hàng và nhận lại được 1,7 tỷ đồng.
“Tuy nhiên, tới ngày 19/5, có hai người xưng là cán bộ xử lí nợ của ngân hàng Vietcombank tới nhà tôi để thông báo về việc siết nợ ngôi nhà này trong vòng 10 ngày tới nếu người đứng ra vay cắm ngôi nhà này vào ngân hàng không thanh toán tiền lãi trong 6 tháng.
Lúc này, tôi mới biết là ngôi nhà cuả tôi đã bị bà Đỗ Thu Hà cắm vào ngân hàng Vietcombankchi nhánh Gia Lâm để vay số tiền 3,8 tỷ đồng.
Trên thực tế, hàng tháng tôi vẫn phải nộp tiền lãi khoản tiền tôi vay cho chị Hiền để chị này trả ngân hàng”, bà Thuý nói.
Khi biết được việc này, gia đình bà Thuý đã tức tốc đi xác minh về bà Đỗ Thu Hà và Công ty do bà Hà làm Phó Giám đốc. Tuy nhiên, mọi việc xác minh này đều không mang lại kết quả.
Trong vai người nhà của bà Thuý, PV gọi điện cho bà Huê, chủ cơ sở Hoàng Giang Phúc Xã Đàn để hỏi về trường hợp cắm nhà, đất để tham gia mua mã hàng tại TNMU.
Bà Huê xác nhận: Bà Thuý có tham gia mua 3,2 tỷ tiền hàng tại TNMU thông qua cơ sở Hoàng Giang Phúc.
Bà Huê cũng thuật lại việc bà Thuý sang tên sổ đỏ cho bà H. Diễn ra tại cơ sở diễn biến như sau: Bà Hiền là một nhân sự tham gia kí hợp đồng bán hàng đa cấp với TNMU trị giá 8 tỷ đồng.
Bà Hiền sang cơ sở Hoàng Giang Phúc Xã Đàn nói với mọi người việc vay tiền từ các ngân hàng sẽ bị mất phí từ 1 – 2 %. Tuy nhiên, nếu thông qua bà Hiền thì sẽ không mất đồng phí nào mà chỉ phải trả lãi ngân hàng.
Sau đó, bà Huê tạo điều kiện cho bà Hiền và bà Thuý lên làm việc riêng với nhau tại cơ sở Hoàng Giang Phúc để nói chuyện cắm sổ vay tiền.
"Giờ gia đình tôi chỉ còn nước làm đơn lên công an để làm rõ vụ việc này”, bà Thuý cho hay.