Lập bàn thờ trước cổng thi hành án, có bị phạt?

TRẦN VŨ |

Thi hành án chỉ vận động gia đình tự nguyện di dời bàn thờ, trong khi địa phương có thể xử phạt hành chính.

Tính đến hôm qua (26-12), trước cửa Chi cục Thi hành án (THA) TP Cà Mau vẫn tồn tại một bàn thờ nghi ngút khói hương từ hơn một tháng trước.

Từ một tranh chấp cá nhân

ngày 21-11, Chi cục THA TP Cà Mau tiến hành cưỡng chế giao căn nhà 20 Trần Văn Bỉnh, khóm 7, phường 5 cho người trúng đấu giá. Ngôi nhà này là của ông Trần Việt Bình, người phải THA.

Theo hồ sơ năm 2013, ông T. khởi kiện yêu cầu ông Bình trả lại giá trị đất mà ông Bình đã xây căn nhà số 20. Ông T. cho rằng đất này là của ông và cho ông Bình mượn ở từ năm 1990.

Nay ông Bình đã xây nhà kiên cố nên ông kiện đòi lại giá trị đất quy ra tiền. Trong khi ông Bình phủ nhận, cho rằng đất này ông được Nhà nước cấp vào năm 1987...

Năm 2014, TAND TP Cà Mau xử sơ thẩm, tuyên chấp nhận đơn yêu cầu khởi kiện, buộc ông Bình phải trả lại cho ông T. giá trị đất là 450 triệu đồng.

Ông Bình kháng cáo. VKSND tỉnh Cà Mau kháng nghị bản án sơ thẩm, đề nghị TAND tỉnh xử phúc thẩm không chấp nhận yêu cầu của ông T.

Năm 2015, TAND tỉnh xử phúc thẩm buộc ông Bình phải trả cho ông T. giá trị đất là 1tỉ 50 triệu đồng. Ông Bình cho rằng có nhiều chứng cứ mới làm thay đổi bản chất vụ án nên có đơn khiếu nại theo thủ tục tái thẩm nhưng bị tòa án bác đơn.

Tiếp đó, THA TP Cà Mau ra quyết định thi hành bản án trên. Cơ quan THA đã kê biên định giá nhà đất của ông Bình, sau đó bán đấu giá thành với giá 2,1 tỉ đồng.

Do phía ông Bình không tự nguyện nên THA đã cưỡng chế giao nhà cho người trúng đấu giá.

Phản đối vì chuyển bàn thờ không đúng?

Ngày 23-11, sau hai ngày cưỡng chế THA, người nhà ông Bình đã dựng lên một bàn thờ khói hương nghi ngút với di ảnh của một mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH) và một liệt sĩ ngay trước cổng cơ quan THA TP Cà Mau.

Chính quyền địa phương đã đến vận động, giải thích nhưng gia đình không chấp nhận di dời nơi khác.

Lý do những người lập bàn thờ đưa ra là trong quá trình cưỡng chế, Chi cục THA TP Cà Mau đã di dời bàn thờ mẹ VNAH chưa đúng cách. Điều này làm ảnh hưởng đến vong linh của người đã mất và uy tín của dòng họ.

Những người này yêu cầu Chi cục THA phải trả bàn thờ lại vị trí cũ trong căn nhà số 20, sau khi người nhà xem được ngày tốt thì sẽ chủ động chuyển bàn thờ đi.

Bà Trần Cẩm Lình, cháu nội của mẹ VNAH, cho biết bà không quan tâm đến vụ tranh chấp giữa ông T. và ông Bình.

Nhưng bà và người thân phản ứng vì cơ quan THA đã di dời bàn thờ không đúng cách, làm tổn thương và mất uy tín của cả dòng họ.

Theo bà Lình, THA đã bỏ lư hương vào thùng xốp rồi bê đi khiến người dân địa phương có thể suy diễn, hiểu nhầm.

“Chúng tôi yêu cầu THA di dời bàn thờ nội tôi về chỗ cũ và mời dân cư xung quanh đến họp, nói rõ lý do, công khai xin lỗi. Khi chúng tôi xem được ngày tốt sẽ thỉnh bà tôi về nơi khác thờ phụng” - bà Lình cho biết.

Trong khi đó, người phải THA là ông Bình không bình luận gì vì cho rằng đây là việc làm của người thân trong gia đình, dòng họ của ông.

Sẽ tiếp tục vận động di dời

Chủ tịch UBND phường 5, TP Cà Mau Lê Thanh Tùng thông tin tại buổi cưỡng chế, trước khi di dời bàn thờ, cán bộ THA có thắp hương xin phép và cẩn thận đưa lư hương, linh vị vào thùng xốp.

Sau đó cán bộ này dán băng keo chắc chắn trước khi di chuyển đi. Cơ quan THA giữ bàn thờ này một ngày nhưng gia đình ông Bình không đến nhận nên chuyển giao cho UBND phường 5 quản lý.

Cũng theo ông Tùng, từ đó đến nay UBND phường vẫn tổ chức hương khói cho bàn thờ mẹ VNAH tại trụ sở. Sau thời gian hai tháng, cơ quan THA sẽ nhận lại và có phương án xử lý tiếp theo.

Ngày 26-12, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Chi cục trưởng Chi cục THA TP Cà Mau Lý Minh Thuấn cho biết đã kiểm tra toàn bộ quy trình cưỡng chế THA.

Sau đó, cơ quan này đưa ra kết luận là cơ quan THA không sai nên không đáp ứng yêu cầu của người thân gia đình ông Bình.

Ông Thuấn cho biết: “chúng tôi đang cùng cơ quan chức năng tại địa phương tiếp tục kiên trì vận động, giải thích để người thân trong gia đình ông Bình tự di dời bàn thờ trước cửa THA về nhà”.

Đối với bàn thờ mẹ VNAH tại trụ sở UBND phường 5, ông Thuấn nói: “Lãnh đạo tỉnh có hướng thống nhất với chúng tôi nếu phía gia đình ông Bình vẫn không mang về thì sẽ đưa về khu nhà thờ tại Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Cà Mau để thờ cúng”.

Theo chấp hành viên Hồ Quân Chính (Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ 1, Cục THA TP.HCM), trụ sở cơ quan THA không phải là nơi để thờ cúng. Vì thế không thể lập bàn thờ để gây sức ép đối với cơ quan THA.

Trường hợp này chính quyền địa phương cần có hướng xử lý thật khéo léo, tốt nhất là Phòng LĐ-TB&XH TP Cà Mau đến vận động di dời. Nếu người vi phạm không chấp hành thì địa phương có thể xử phạt hoặc cưỡng chế hành chính.

Việc này không liên quan đến quá trình THA nên thẩm quyền cưỡng chế, xử phạt không thuộc cơ quan THA.

Luật sư Lê Văn Hoan, Đoàn Luật sư TP.HCM, cũng cho rằng hành vi này nhằm mục đích gây áp lực để cơ quan THA đưa bàn thờ về vị trí cũ (tức căn nhà đã bị cưỡng chế), có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Bởi căn nhà đã bị cưỡng chế giao cho người trúng đấu giá là thực hiện theo bản án đã có hiệu lực pháp luật. Cá nhân, tổ chức có liên quan phải có trách nhiệm chấp hành nghiêm.

Việc lập bàn thờ trước cổng cơ quan THA là cản trở đến hoạt động bình thường của các cơ quan, tổ chức.

Vì vậy, chủ tịch UBND phường có thẩm quyền xử phạt hành chính 2-3 triệu đồng theo điểm h khoản 3 Điều 5 Nghị định 167/2013 của Chính phủ (xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự an toàn xã hội, tệ nạn xã hội…).

NGÂN NGA ghi

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại