Vài tuần gần đây tỉnh Quảng Đông – giáp Hong Kong đón nhiều lãnh đạo cấp cao Trung Quốc đến thăm, báo SCMP đưa tin. Sự việc diễn ra trong bối cảnh Hong Kong đang trải qua một đợt biểu tình lớn kéo dài sang tuần thứ 14.
Chuyến thăm gần nhất là của Phó Chủ tịch Trung Quốc Vương Kỳ Sơn, một nhân vật thân cận của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ông Vương là người đã cùng xem buổi đấu giữa đội Philippines và đội Ý trong khuôn khổ giải bóng rổ thế giới cùng với Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tuần trước.
Phó Chủ tịch Trung Quốc Vương Kỳ Sơn nhắc ngày Quốc khánh
Trong chuyến thăm Quảng Đông, ông Vương đã thăm một số địa điểm giáo dục và văn hóa, đồng thời đề cập tầm quan trọng của lịch sử và di sản của Trung Quốc – nhấn mạnh sự liên hệ của đảng Cộng sản Trung Quốc với lịch sử.
Ông Vương được biết đến là người thường có các bài diễn thuyết dài về lịch sử Đảng với các chính trị gia nước ngoài cũng như các lãnh đạo doanh nghiệp. Nhiều quan chức cấp cao Trung Quốc bao gồm cả ông Tập cũng thường đề cập một câu nói của lãnh tụ Liên xô Vladimir Lenin rằng “bỏ quên lịch sử có nghĩa phản bội”.
Theo truyền thông trung ương Trung Quốc, tại Quảng Đông, ông Vương có nói các thành tựu rực rỡ trong 70 năm qua của Trung Quốc bắt nguồn sâu sắc từ lịch sử 5.000 năm của nước này.
Không rõ ông Vương có bàn về tình hình Hong Kong trong khi thăm Quảng Đông hay không, nhưng theo SCMP, những lời nói của ông Vương có ý muốn nhắc đến sự kiện kỷ niệm 70 năm ngày Quốc khánh Trung Quốc 1-10 sắp đến.
Bộ trưởng Công an Triệu Khắc Trí yêu cầu cảnh sát nâng cao cảnh giác
Bên cạnh ông Vương còn có nhiều lãnh đạo cấp cao Trung Quốc đến Quảng Đông thời gian qua. Trong số đó, có Bộ trưởng Bộ Công an Triệu Khắc Trí và Thống đốc Ngân hàng Trung ương Dịch Cương.
Bộ trưởng Bộ Công an Triệu Khắc Chí thăm văn phòng cảnh sát ở tỉnh Quảng Đông sát Hong Kong tháng trước. Ảnh: SCMP
Đến Quảng Đông tháng trước, ông Triệu đã yêu cầu lực lượng cảnh sát tỉnh này nâng cao cảnh giác trước “sự xâm nhập và phá hoại từ nước ngoài” – một ám chỉ gián tiếp đến biểu tình Hong Kong mà Trung Quốc cho là cuộc “cách mạng màu”, theo SCMP. Cụm từ cuộc “cách mạng màu” được dùng để chỉ các cuộc biểu tình ở các nước Đông Âu, Bắc Phi và Trung Đông đầu thập niên 2000.
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Dịch Cương liên kết tài chính Hong Kong
Phần mình, tại Quảng Đông, ông Dịch có cuộc gặp với Bí thư Thành ủy Thâm Quyến Wang Weizhong ngày 29-8. Ông Dịch đề nghị TP Thâm Quyến nỗ lực hết sức để “thực hiện các quyết định lớn của Ủy ban Trung ương Đảng” và “tiếp tục cải cách tài chính sâu rộng và mở cửa”.
Thống đốc Ngân hàng trung ương Trung Quốc Dịch Cương thăm tỉnh Quảng Đông tháng trước. Ảnh: BLOOMBERG
Ông Dịch nói Thâm Quyến nên đi tiên phong trong việc thúc đẩy sự quốc tế hóa đồng nhân dân tệ, nghiên cứu đồng tiền kỹ thuật số và phát triển hơn nữa nền tài chính xanh. Năm ngoái, nhiều quan chức đại lục từng nói Hong Kong nên giữ vai trò đầu tàu trong việc quốc tế hóa đồng nhân dân tệ và sử dụng thị trường tài chính vững chắc của mình để thúc đẩy tài chính xanh.
Củng cố thái độ cứng rắn với Hong Kong
Theo nhà khoa học chính trị độc lập Chen Daoyin, các chuyến thăm Quảng Đông gần đây của nhiều lãnh đạo cấp cao Trung Quốc có thể là động thái thể hiện sự cứng rắn với Hong Kong. Ông Vương nổi tiếng là một người cứng rắn với các cuộc biểu tình và ông Triệu phụ trách triển khai hoạt động của cảnh sát.
Hàng ngàn sinh viên Hong Kong biểu tình bãi khóa ngày 2-9. Ảnh: SCMP
Ông Chen nhận định các chuyến thăm phần nhiều liên quan đến việc thu thập thông tin tình báo, để có thể giúp chuẩn bị tốt hơn trong việc kiềm chế biểu tình khi đại lục kỷ niệm ngày Quốc khánh. Đầu tháng 8, hơn 12.000 cảnh sát tham gia một cuộc huấn luyện chống bạo động ở Thâm Quyến mà theo chính phủ Trung Quốc thì nhằm đảm bảo an ninh cho lễ kỷ niệm Quốc khánh sắp tới.
Theo ông Chen, trước mắt các chuyến thăm của nhiều lãnh đạo Trung Quốc đến Quảng Đông gần đây không có nghĩa Trung Quốc sẽ thay đổi chủ trương về biểu tình Hong Kong. Đồng nghĩa chính quyền Hong Kong thời gian tới vẫn sẽ tự thân giải tán biểu tình.