Đang vào cuộc điều tra, xác minh
Tờ Lao động thông tin, trong top những thí sinh có điểm thi cao nhất của tỉnh Sơn La, có không ít em là con, cháu của các cán bộ, lãnh đạo phòng, ban của tỉnh. Nhiều em có nguyện vọng thi vào các trường công an, quân đội hay y-dược.
Cụ thể, theo nguồn trên, thí sinh N.L.B.N với điểm số 9,8 Toán, Ngữ văn 8.75; Lịch sử 7.50; Địa lí 8.25; GDCD 8.00; Tiếng Anh 9.80. Theo phản ánh của nhiều người dân Sơn La, B.N là con một vị lãnh đạo huyện ở Sơn La.
Ông Phạm Văn Thủy
T.N.D (lớp chuyên Văn, Trường THPT chuyên Sơn La) có những điểm số ấn tượng: Ngữ văn 9,0; Lịch sử 10; Địa lý: 8,25; Tiếng Anh 10 và cũng lọt vào top thí sinh có điểm cao môn Toán.
Theo phản ánh của thầy Lò Văn Sơn - giáo viên chủ nhiệm lớp Văn Trường THPT chuyên Sơn La, bố mẹ N.D đều làm trong ngành công an.
Trong lớp 12 Toán 2 của Trường THPT chuyên Sơn La có 5 thí sinh được các bạn trong lớp xếp vào diện "điểm cao bất thường". Trong đó có N.Y.K, có điểm rất cao khối D1 (Toán 9,6; Văn 9; tiếng Anh 9,6). Theo phản ánh của em P.H, học sinh N.Y.K là con một vị cán bộ trong ngành giáo dục của tỉnh Sơn La.
Trong top những thí sinh điểm cao của Sơn La năm nay còn có L.T.Th, với điểm khối D rất cao (tiếng Anh 10; Toán 9,6; Văn 8,5). Theo phản ánh của học sinh, T.T là con của một lãnh đạo TP.Sơn La.
Cũng theo phản ánh của học sinh Trường THPT chuyên Sơn La, trong danh sách những thí sinh điểm cao còn xuất hiện những em có học lực "làng nhàng", nhưng có điểm thi cao chót vót.
Đó là L.T.T, với Toán 9.60, Tiếng Anh 9.60 - cao hơn rất nhiều học sinh chuyên Toán và chuyên Anh.
V.H.L là thủ khoa khối B của Sơn La với hơn 28 điểm, nhưng không được bạn bè đánh giá cao về học lực, thậm chí còn đặt nghi vấn có bất thường trong điểm thi.
Thí sinh B.T.N, có Toán đạt 9.60, Lịch sử 9.50 cũng khiến bạn bè bất ngờ khi có điểm thi môn Toán cao. Theo phản ánh của học sinh, B.T.N là con của một gia đình rất có gia thế ở huyện Mai Sơn (Sơn La).
Thí sinh N.T.H, có Toán được 9.40, Vật Lý 9.50, Tiếng Anh 9.20. Theo thông tin từ phụ huynh học sinh, N.T.H có bố làm trong ngành công an.
Ngày 23/7, tờ Đất Việt dẫn lời lãnh đạo Sở Nội vụ tỉnh Sơn La khẳng định, bên phía cơ quan chức năng đang vào cuộc điều tra, xác minh làm rõ vụ việc.
Vị này khẳng định với nguồn trên: "Dù chưa có thông tin chính xác về về những thí sinh có điểm thi bất thường là con, cháu của ai nhưng đứng ở góc độ cá nhân thì tôi không bao giờ ủng hộ chuyện đó.
Theo tôi được biết, bên phía cơ quan chức năng đang vào cuộc điều tra, xác minh làm rõ vụ việc chứ tôi nghĩ bản thân các cháu không thể làm được việc đó. Nếu như ai đó can thiệp vào việc làm sai lệch kết quả dưới bất cứ hình thức nào cũng không chấp nhận được, cho dù đấy là con cháu của ai".
Xử lý không có vùng cấm, không bao che
Cùng ngày, nói về nghi vấn thí sinh là con cháu lãnh đạo tỉnh Sơn La, tại buổi thông tin với báo chí tại Sở GD&ĐT Sơn La, tờ Trí thức trẻ dẫn lời ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) cho hay, khi xác minh sai phạm, Bộ GD&ĐT không đặt vấn đề con lãnh đạo hay không mà ứng xử như nhau.
Ông Trinh nhấn mạnh: "Bộ GD&ĐT không quan tâm việc con của lãnh đạo hay không. Chúng ta cần thận trọng, nên đặt vấn đề chừng mực đến thí sinh.
Những bài thi liên quan sai phạm cứ theo quy chế xử lý, Bộ GD&ĐT không bị phân tâm bởi thí sinh là cán bộ chiến sĩ hay con lãnh đạo tỉnh. 110 bài rút ra chấm thẩm định là nhóm điểm cao có dấu hiệu bất thường, không biết là thí sinh thuộc con ai hay có thuộc top cao cả nước hay không".
Ông Trinh thông tin thêm, thời gian rà soát ở Sơn La dài hơn Hà Giang chứng tỏ, việc không hề đơn giản, không nên so sánh mức độ giữa hai địa phương. Dấu hiệu bất thường vượt quá khả năng của Bộ GD&ĐT nên Bộ Công an vào cuộc.
Ông Trinh khẳng định, hiện tại việc điều tra đang được tiến hành.
Ông Mai Văn Trinh tại buổi thông tin báo chí ngày 23/7.
Tại buổi thông tin báo chí ngày 23/7, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Phạm Văn Thủy cho hay, ông sẽ giải quyết triệt để kết luận của đoàn công tác, cầu thị, không bao che, lỗi đến đâu xử lý đến đó. Xử lý nghiêm trách nhiệm của từng cấp, từng người có giải pháp xử lý đồng bộ.
"Không ai vui gì khi có sự việc thế này xảy ra. Chúng ta phải trăn trở, buồn cho những đồng đội trong đó. Còn trách nhiệm, trước hết, chúng tôi cầu thị, minh bạch và tinh thần không bao che, trách nhiệm đến đâu, chúng ta xử lý đến đó, sai đến đâu sửa đến đó.
Trách nhiệm của ai, sai ở đâu, sửa từ UBND tỉnh trở xuống. Cá nhân tôi, chỗ nào sai tôi nhận lỗi ở đó và phải khắc phục. Quan điểm là xử lý việc này không vùng cấm, không bao che", ông Thủy nêu rõ.
5 cá nhân sai phạm
Theo ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD - ĐT), Tổ trưởng Tổ công tác: Quá trình rà soát, kiểm tra, Tổ công tác bằng biện pháp chuyên môn, nghiệp vụ đã phát hiện những sai phạm Quy chế thi tại Hội đồng thi Sở GD - ĐT Sơn La.
Qua xác minh ban đầu, những người liên quan đến các sai phạm quy chế thi THPT Quốc gia là các ông bà:
1. Ông Trần Xuân Yến, Phó Giám đốc Sở GD - ĐT Sơn La, Ủy viên Ban chỉ đạo thi, Phó Chủ tịch HĐ thi, Phó Trưởng ban TT Ban chấm thi, Tổ trưởng Tổ chấm thi trắc nghiệm.
2. Bà Nguyễn Thị Hồng Nga, chuyên viên phòng khảo thí và quản lý chất lượng, Sở GD - ĐT Sơn La.
3. Bà Cầm Thị Bun Sọm, Phó Trưởng phòng chính trị Tư tưởng, Ủy viên Tổ chấm thi trắc nghiệm.
4. Ông Đặng Hữu Thủy, Phó Hiệu trưởng trường THPT Tô Hiệu, Ủy viên Tổ chấm thi trắc nghiệm.
5. Ông Lò Văn Huynh, Phó trưởng phòng Khảo thí quản lý chất lượng giáo dục, Sở GD - ĐT Sơn La, ủy viên Hội đồng thi, Trưởng ban thư ký.
6 sai phạm lớn ở Hội đồng thi Sơn La
Cục trưởng Mai Văn Trinh thông tin, tổ công tác đã phát hiện 6 sai phạm quy chế thi tại Hội đồng thi Sở Giáo dục Sơn La.
Thứ nhất, Hội đồng thi sao dữ liệu ảnh bài thi trắc nghiệm đã quét ra đĩa CD không đúng thẩm quyền và tự ý đem ra khỏi khu vực bảo quản bài thi, chưa biết đem đi đâu và ai cho phép.
Thứ hai, Hội đồng thi Sơn La tổ chức quản lý khu vực chấm thi trắc nghiệm lỏng lẻo, không đúng quy định; phòng lưu giữ bài thi, tài liệu thi không có niêm phong; khóa phòng lưu giữ bài thi, tài liệu thi không đúng quy định; các thùng đựng Phiếu trả lời trắc nghiệm niêm phong không đúng quy định.
Thứ ba, quy trình nghiệp vụ chấm thi trắc nghiệm không đúng quy định.
Thứ tư, máy tính dùng chấm thi không được niêm phong. Thời điểm kiểm tra, máy tính này được sử dụng bình thường tại phòng làm việc của chuyên viên Phòng khảo thí và Quản lý chất lượng, Sở Giao dục Sơn La.
Thứ năm, một số phiếu trả lời trắc nghiệm của thí sinh có dấu hiệu bị sửa chữa.
Thứ sáu, việc bàn giao bài thi giữa các điểm thi với Hội đồng thi, bảo quản bài thi trắc nghiệm tại Hội đồng thi, bàn giao bài thi giữa Ban thư ký với Ban làm phách không đảm bảo quy định.
(Tổng hợp)