Lãnh đạo NATO nêu “điều khó” trong việc kết nạp Phần Lan, Thụy Điển

Bằng Hưng |

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg thừa nhận Phần Lan và Thụy Điển không có khả năng trở thành ứng viên gia nhập khối trừ khi họ đáp ứng yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ.

Tổng thư ký Jens Stoltenberg. Ảnh: Reuters

Tổng thư ký Jens Stoltenberg. Ảnh: Reuters

" NATO khó lòng chấp nhận tư cách ứng viên của Phần Lan và Thụy Điển tại Hội nghị thượng đỉnh của khối vào cuối tháng 6 khi 2 quốc gia Bắc Âu chưa đáp ứng được các yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ " - đài RT (Nga) dẫn lời ông Jens Stoltenberg hôm 27-5 cho biết. Hội nghị thượng đỉnh của NATO sẽ diễn ra từ ngày 28 đến 30-6 tại Tây Ban Nha.

Thụy Điển và Phần Lan hôm 15-5 chính thức nộp đơn xin ra nhập NATO. Dù Washington và các đồng minh NATO châu Âu hoan nghênh động thái của 2 nước Bắc Âu. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ cho biết không đồng ý với Helsinki và Stockholm vì hai nước này "không có lập trường rõ ràng dứt khoát" chống lại Đảng Công nhân Kurdistan (PKK) và Mặt trận Giải phóng Nhân dân Cách mạng (DHKP/C) - các nhóm mà Ankara coi là tổ chức khủng bố.

Việc gia nhập NATO cần có sự chấp thuận của tất cả 30 quốc gia trong khối, bao gồm cả Thổ Nhĩ Kỳ.

Người đứng đầu NATO thừa nhận lập trường của Ankara trong việc phản đối Thụy Điển và Phần Lan gia nhập khối, đồng thời kêu gọi các bên cần quan tâm thảo luận và giải quyết các yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ.

"Không có quốc gia nào phải hứng chịu nhiều cuộc tấn công khủng bố như Thổ Nhĩ Kỳ. Họ là đồng minh quan trọng và khi một đồng minh có quan ngại thì nên thảo luận và giải quyết vấn đề đó" - ông Jens Stoltenberg mong muốn.

Tổng thư ký Jens Stoltenberg lưu ý, Cộng hòa Bắc Macedonia đã phải mất hơn 10 năm với tư cách ứng viên trước khi gia nhập NATO do sự phủ quyết từ Hy Lạp.

"Thụy Điển và Phần Lan có thể tham gia với tư cách khách mời trong Hội nghị thượng đỉnh NATO sẽ được tổ chức tại thủ đô Madrid. Nếu không đáp ứng yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ trước ngày 28-6, họ sẽ khó trở thành quốc gia ứng cử viên NATO" - ông Jens Stoltenberg nhấn mạnh.

Trước đó, phía Thổ Nhĩ Kỳ cũng "ra điều kiện" NATO phải dỡ bỏ lệnh trừng phạt và được Mỹ đưa trở lại chương trình mua máy bay tiên tiến F-35. Chừng nào những vấn đề trên được giải quyết họ mới xem xét cũng như chấp nhận tư cách thành viên NATO của Phần Lan và Thụy Điển.

Sở dĩ Thổ Nhĩ Kỳ bị NATO trừng phạt do mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga và thực tế họ cũng từng làm "phật lòng" các đồng minh khi tham gia vào cuộc phiêu lưu quân sự ở Syria.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại