Chính quyền ông Donald Trump thông báo cho Bắc Kinh về quyết định gặp thượng đỉnh trong những ngày gần đây. Trong khi đó, Trung Quốc trông đợi cuộc gặp giữa ông Tập Cận Bình và ông Donald Trump có thể tạo cơ hội cho cả hai bên giảm bớt căng thẳng thương mại đang leo thang.
Hồi cuối tháng 9, Mỹ đánh thuế bổ sung 200 tỉ USD vào hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Trung Quốc cũng ngay lập tức đáp trả với mức thuế bổ sung là 60 tỉ USD vào hàng nhập từ Mỹ.
Các mức thuế mới của Mỹ, ban đầu được áp đặt ở mức 10%, sẽ tăng lên 25% kể từ ngày 1.1. Động thái này nhằm gây sức ép buộc Trung Quốc thay đổi những điều mà ông Donald Trump gọi là các hoạt động thương mại “không công bằng” như buộc các công ty Mỹ phải giao nộp công nghệ nếu muốn tiếp cận thị trường Trung Quốc.
Cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Trung Quốc đã được Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin và Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Larry Kudlow thúc đẩy. Tờ Wall Street Journal dẫn lời các quan chức giấu tên cho biết, ông Donald Trump đã chỉ định một nhóm phụ trách lên kế hoạch cho cuộc gặp thượng đỉnh với ông Tập Cận Bình.
Trong đó có Christopher Nixon Cox - cháu trai cựu Tổng thống Mỹ Richard Nixon. Về phía Trung Quốc, nhóm lên kế hoạch cho cuộc gặp có ông Lưu Hạc - Phó Thủ tướng đồng thời là cố vấn kinh tế hàng đầu của Chủ tịch Tập Cận Bình.
Trong diễn biến liên quan, Kyodo cho hay, ngày 12.10, sau 2 ngày hội nghị ở Bali, Indonesia, các quan chức tài chính của các nước G20 đã tìm kiếm những cách thức để bảo vệ nền kinh tế toàn cầu khỏi căng thẳng thương mại gia tăng nhưng chưa thể đạt được sự đồng thuận trong các giải pháp cụ thể. Vấn đề được để lại cho các nhà lãnh đạo cấp cao giải quyết trong cuộc họp thượng đỉnh diễn ra vào tháng 11 tới.
Bộ trưởng Tài chính Argentina, chủ nhà thượng đỉnh G20 năm nay phát biểu tại cuộc họp báo rằng, các nước thành viên nhất trí: Thương mại là “động lực quan trọng của tăng trưởng” đồng thời nhận thức rõ về sự cần thiết “phải giải quyết các căng thẳng có thể tác động tiêu cực tới tâm lý thị trường và gia tăng biến động tài chính”.
Tuy nhiên, ông Nicolas Dujovne cũng thừa nhận, G20 có những giới hạn. Nó cho thấy tranh chấp thương mại đang căng thẳng giữa Mỹ - Trung Quốc chỉ có thể giải quyết song phương.