Dư luận vô cùng phẫn nộ khi danh sách những phụ huynh có con được nâng điểm dần dần lộ diện, trong đó, nhiều thí sinh được nâng điểm là con, cháu lãnh đạo, công tác trong ngành giáo dục, công an,...
Rất nhiều ý kiến yêu cầu phải khởi tố, truy cứu trách nhiệm hình sự những phụ huynh này, bởi trong vụ gian lận thi cử gây rúng động này có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Bạn Phùng Văn Nam bình luận: "Tôi là một luật gia, tôi đã nghiên cứu hành vi của các ông bà chạy nâng điểm cho con mình đủ yếu tố cấu thành 2 tội danh. Nếu dùng tiền hoặc vật chất khác để tác động nâng điểm thuộc tội đưa hối lộ. Nếu lợi dụng chức vụ quyền hạn ảnh hướng để nâng điểm thuộc tội lợi dụng chức vụ quyền hạn để trục lợi.
Việc các cơ quan pháp luật chưa khởi tố là vì kết quả điều tra chưa rõ ai đưa tiền, ai không đưa tiền mà thôi. Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, không thể chìm xuồng được".
Trước những ý kiến từ bạn đọc, PV Lao Động đã có những trao đổi với luật sư Trần Thu Nam, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội. Theo ông Nam, sự việc này có dấu hiệu của sự gian dối và hoàn toàn có thể truy cứu trách nhiệm hình sự, đặc biệt đối với các lãnh đạo có con được nâng điểm.
"Không tự dưng có ai đó nâng điểm cho các con của các vị đó, phải có một sự tác động để đưa thông tin về tên tuổi, số báo danh. Có thể nhờ vả qua ai đó hoặc trực tiếp, tuỳ từng hành vi sẽ có mức độ xử lí khác nhau.
Nếu như dùng tiền đương nhiên là tội đưa hối lộ, có người nhận là phải có người đưa. Có thể dùng quyền lực, như vậy là lợi dụng chức vụ để trục lợi. Có thể chỉ là một lời nói nhẹ nhàng nhưng nếu không phải lãnh đạo thì đương nhiên không ai nghe.
Tóm lại, có 2 tội hoàn toàn có thể xử lý là đưa hối lộ nếu dùng tiền hoặc vật chất khác, hai là dùng quyền lực chỉ đạo là tội lợi dụng quyền lợi để trục lợi", luật sư Trần Thu Nam nói.
Luật sư Trần Thu Nam cũng cho biết nếu những người có thể bị khởi tố là đảng viên thì những người này còn vi phạm những điều cấm, những điều đảng viên không được làm. Như vậy, càng cần xử lí nghiêm hơn nữa để thực hiện triệt để việc "không có vùng cấm".
Đồng quan điểm với bức xúc của nhiều bạn đọc, luật sư Nam cho rằng sự việc rúng động này đã làm ảnh hưởng đến tình hình xã hội, tạo ra sự bất bình đẳng trong xã hội. Gian lận thi cử là gạt bỏ đi những nhân tài và khiến người dân mất niềm tin.
Nhiều bình luận đưa ra ý kiến cần đặc biệt xử lý các phụ huynh làm trong ngành giáo dục, ít nhất phải đình chỉ công tác, cho ra khỏi ngành và có dấu hiệu phạm tội nhất định phải xử lý hình sự.
Bình luận về bài viết "Làm giáo dục mà còn gian lận, nâng điểm thì dạy được ai?" trên Lao động bạn Dương Văn Tuấn viết: "Trong đó, nhiều người là cán bộ đương nhiệm, quản lý ngành giáo dục, giáo viên.
Họ chạy điểm, nâng điểm cho con cháu là hành vi phi giáo dục. Những cán bộ giáo dục như thế không xứng đáng để tồn tại. Bộ GDĐT nghĩ gì khi quân mình mất tư cách như thế. Rút kinh nghiệm ư?"...