Bắt đầu bài phát biểu, ông Farage đã thách thức Nghị viện châu Âu khi nhắc lại việc bản thân ông từng muốn dẫn đầu một chiến dịch đấu tranh cho việc Anh rời khỏi EU vào 17 năm trước (1999), và cuối cùng Anh đã rời khỏi khối này.
Sau đó, ông cho rằng kết quả cuộc trưng cầu ý dân tại Anh đã quá rõ ràng, các thành viên của Nghị viện châu Âu nên "thực dụng, chín chắn, khôn ngoan" và để Anh "tự do theo đuổi tham vọng toàn cầu và tương lai của chính nước Anh".
Ngoài ra, ông Farage còn cho rằng nước Anh sẽ không phải là thành viên cuối cùng rời EU.
Khi bị nhiều thành viên Nghị viện châu Âu la ó phản đối, ông Farage thậm chí đã buông lời xúc phạm: "Tôi biết hầu hết các người chưa bao giờ có một công việc đúng nghĩa, chưa từng làm kinh doanh hay thậm chí chưa bao giờ tạo ra được một công việc. Nhưng xin hãy biết lắng nghe".
Ông Martin Schulz, Chủ tịch Nghị viện châu Âu, đã phải lên tiếng cảnh cáo ông Farage.
Đáp lại những phát biểu của ông Farage, ông Jean-Claude Juncker, Chủ tịch Ủy ban châu Âu, cũng đã khiến các thành viên UKIP phải xấu mặt.
Bắt đầu bài phát biểu, ông Juncker khẳng định EU phải tôn trọng sự dân chủ của người Anh và cách họ bày tỏ quan điểm. Sau khi nghe câu phát biểu này, các nghị sĩ UKIP đã vỗ tay hưởng ứng.
Tuy nhiên ngay sau đó, ông Juncker lại bồi thêm: "Tôi lấy làm ngạc nhiên khi thấy các người xuất hiện. Các người đã bỏ phiếu rời EU, vậy sao còn ngồi ở đây?".
Trước khi phiên họp bắt đầu, ông Farage (trái) và ông Juncker còn nói chuyện rất vui vẻ và có những cử chỉ thân mật - Ảnh: Daily Mail
Ngoài ra, ông Juncker cũng cho biết đã ra lệnh cho cấp dưới không tham gia vào bất cứ cuộc đàm phán sơ bộ nào với Anh cho đến khi nước này viện dẫn điều 50 của Hiệp ước Lisbon về Liên minh châu Âu (quy định quy trình rời khỏi EU của nước thành viên).
Không chỉ có ông Juncker, ông Manfred Weber thuộc nhóm đảng Nhân dân châu Âu (EPP) tại Nghị viện châu Âu, cũng đã gọi những nghị sĩ UKIP là "những kẻ nói dối tồi tệ nhất".
Thủ tướng Anh David Cameron trong ngày 28.6 cũng đã bay sang Brussels. Khi vừa đến Bỉ, ông Cameron đã gặp ông Juncker và có một số phát biểu trước báo giới.
Theo ông Cameron, Anh sẽ không quay lưng với EU.
Ông khẳng định: "Các thành viên EU là hàng xóm, bạn bè, đồng minh và đối tác của Anh. Tôi hy vọng chúng ta sẽ có mối quan hệ mật thiết nhất có thể, đặc biệt là trên các lĩnh vực thương mại và an ninh".
Về việc viện dẫn điều 50, ông Cameron cho biết mình sẽ không làm điều này. Còn liệu Anh có viện dẫn điều này để bắt đầu tiến trình rời EU hay không thì là trách nhiệm của người kế nhiệm ông.
Do đã tuyên bố từ chức nên ông Cameron không thể tham gia vào bất kỳ cuộc đàm phán nào về tương lai của Anh với EU cũng như cuộc gặp giữa lãnh đạo các nước EU bàn về cách giải quyết Brexit, tuy nhiên ông sẽ gặp riêng từng lãnh đạo.
Trước khi đến Brussels tham gia cuộc gặp giữa các lãnh đạo, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã lên tiếng cảnh báo Anh sẽ không thể mặc cả gì trong các cuộc đàm phán rời EU.
Bà khẳng định "những ai muốn rời khỏi gia đình này sẽ không còn được đặc quyền gì cả".
Ngoài ra, bà Merkel cũng cho biết, "EU đủ mạnh để chống đỡ sự kiện Brexit" và Đức sẽ làm hết sức để duy trì EU.