Philippines coi trọng đối thoại với Trung Quốc
Trả lời phỏng vấn tờ Mainichi (Nhật Bản), ông Yasay nhấn mạnh lập trường không nhượng bộ Trung Quốc trong tranh chấp chủ quyền ở biển Đông, nhưng đồng thời "sẽ thắt chặt quan hệ hữu nghị với mọi quốc gia, bao gồm Trung Quốc".
Mainichi cho hay, quan điểm của tân Ngoại trưởng Perfecto Yasay khác hẳn thái độ đối đầu cứng rắn với Trung Quốc của chính quyền Tổng thống Benigno Aquino III.
Ông Yasay là bạn học cũ của Tổng thống đắc cử Philippines Rodrigo Duterte. Có bình luận đánh giá ông Duterte thuộc "phái ghét Mỹ" trên chính trường nước này.
Liên quan đến vụ kiện biển Đông ở Tòa trọng tài thường trực (PCA), ông Yasay tiết lộ "có thông tin rằng phán quyết sẽ được đưa ra vào ngày 7/7 tới".
Trong khi "thúc giục các bên tôn trọng luật pháp quốc tế", tiến hành kiềm chế Trung Quốc, Ngoại trưởng mới của Philippines cũng bày tỏ kỳ vọng vào sự viện trợ cơ sở hạ tầng từ Bắc Kinh.
Ông Yasay cho biết trong vấn đề biển Đông, "việc tạm gác tranh chấp lãnh thổ, thảo luận hợp tác cùng khai thác (biển Đông) là có khả năng".
Theo Mainichi, chính quyền của Tổng thống Aquino đã củng cố mạnh mẽ quan hệ quốc phòng với Mỹ và Nhật Bản nhằm đối đầu với Trung Quốc. Nhưng dưới thời tân chính phủ, điều này có thể thay đổi.
Ông Perfecto Yasay nói rằng "Philippines không có ý định khai chiến với Trung Quốc" và nhấn mạnh Manila coi trọng đối thoại.
Đối với sự tăng cường hiện diện quân sự của Mỹ ở khu vực biển Đông, Yasay gọi đây là hành động "vì chính lợi ích quốc gia của Mỹ". Mainichi bình luận, đánh giá này cho thấy sự phụ thuộc ít hơn của chính quyền Duterte vào Mỹ trong tương lai.
Tân Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay. (Ảnh: Inquirer)
Trung Quốc hưởng lợi
Khác với chính phủ Aquino, đường hướng ngoại giao mà Perfecto Yasay chủ trương là tích cực đối thoại với Trung Quốc "bất kể tình hình thế nào".
Mainichi cho rằng, việc Philippines hy vọng có được thêm viện trợ từ Trung Quốc và giảm phụ thuộc vào Mỹ là dấu hiệu chính phủ mới sẽ triển khai chính sách "ngoại giao cân bằng".
Ông Yasay nói: "Không nên do dự về việc tiến hành đối thoại, thảo luận với Trung Quốc."
Tín hiệu thay đổi chính sách ngoại giao của Philippines được cho là khiến Bắc Kinh "mở cờ trong bụng", bởi Trung Quốc đã phản ứng mạnh mẽ trước "sự can thiệp của Mỹ và Nhật Bản vào biển Đông" thời gian qua.
Mặt khác, tân Ngoại trưởng Philippines cũng tỏ thái độ không mặn mà với mối quan hệ mà chính phủ Aquino đã xây dựng với quân đội Mỹ.
Để đối phó với các động thái mới của Trung Quốc ở biển Đông, chính quyền của ông Aquino đã ký kết thỏa thuận quân sự mới với Washington, cho phép quân đội Mỹ trở lại đồn trú ở các căn cứ trong lãnh thổ Philippines.
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Yasay thẳng thừng tuyên bố vấn đề biển Đông "không liên quan đến thỏa thuận quân sự mới".
Ông này khẳng định, [biển Đông] không phải là trò chơi dựa vào lực lượng quân sự Mỹ hậu thuẫn, mà "cần nỗ lực đàm phán hòa bình để giải quyết vấn đề".
Theo Mainichi, nếu quan hệ quốc phòng giữa Manila với Mỹ-Nhật suy yếu dưới thời Tổng thống Duterte, thì Trung Quốc có thể sẽ gia tăng bành trướng lợi ích trên biển Đông.
Kể từ khi quân Mỹ rút hoàn toàn khỏi Philippines năm 1992, quân đội Trung Quốc đã có những bước tiến táo bạo ở vùng cận hải của nước này.