Háo hức hơn cả là chuyến trở lại Kaesong với đống nhà xưởng vô chủ từ tháng 2/2016. Sau bốn lần kiến nghị kể từ khi tổng thống Moom Chae-in nắm quyền 2017, cách đây một tháng, thỉnh nguyện của doanh nghiệp mới được chấp thuận.
Đấy mới là trở lại thăm thú Kaesong, cách giới tuyến quân sự 10 km và một giờ ô tô từ thủ đô Soeul. Họ thừa biết cần thận trọng từng bước bởi bản tính khó lường của hàng xóm. Mấy báo điện tử Triều Tiên loan tin nước này tự cho vận hành vài dây chuyền. Song ngày 5/5 họ đề nghị miền nam sớm sang.
Kaesong một khi tái khởi động có thể giải toả đáng kể căng thẳng cho miền bắc. Từ khi vận hành tháng 12/2004 cho đến 1/2016, thời điểm miền bắc thử bom nhiệt hạch, chí ít 53.000 công nhân có việc ổn định. Họ được 123 công ty Hàn Quốc trả 75USD, cao gấp đôi lương tháng tối thiểu ở miền bắc.
Đương nhiên công nhân không lấy tiền trực tiếp từ doanh nghiệp. Chính phủ nhận cả gói lương mỗi năm tổng cộng 90 triệu USD. Cách này bị nhiều tổ chức quốc tế phàn nàn rằng một khoản không nhỏ chuyển sang chi tiêu quân sự.
Vài người nói các giao thương đang được thúc đẩy là do Triều Tiên ép Hàn Quốc song có vẻ không hẳn vậy. Washington đã dự trù các giải pháp mở cửa hẹp cho Triều Tiên có chỗ thở ngay khi Liên Hợp Quốc áp lệnh trừng phạt tàn khốc nhất vào năm 2017.
Nằm trong các kế sách nới lỏng mà không vi phạm trừng phạt, ngoài hỗ trợ nhân đạo và tái vận hành Kaesong sắp diễn ra, còn có khá nhiều phương án dễ chịu khác.
Sách lược làm ngơ có thể đem lại ngoại tệ kha khá cho quốc gia có 10 triệu người đói. Đó là đoàn tụ gia đình cùng nguồn kiều hối dồi dào, là làm sống lại khu du lịch Kim Cương Sơn 530 km2 hái ra tiền. Cũng có thể nới lỏng lệnh cấm xuất hải sản hay cấm đưa lao động ra nước ngoài.
Đương nhiên kèm theo cà rốt vẫn là cây gậy. Mỹ quyết không nhượng bộ lệnh cấm xuất than, nguồn ngoại tệ lớn nhất của Triều Tiên. Với việc nhờ Liên Hợp Quốc can thiệp thả tàu chở than Wise Honest mới đây, chủ tịch Kim thực tình mong tổng thống Trump nới tay chuyện than. Hiệu quả thế nào còn tuỳ thuộc chủ yếu vào chính trường Mỹ, vào vị thế của Trump trước thềm bầu cử tổng thống cuối năm 2020.