Tìm về làng ông Hảo (Liêu Xá, Yên Mỹ, Hưng Yên) vào ngày đầu tháng 8 Âm Lịch, người thợ làm trống Trung Thu tại đây luôn chân luôn tay từ sáng sớm đến tối muộn để kịp hoàn thiện những chuyến hàng cuối cùng. Sau một thời gian dài bị "lãng quên", vài năm trở lại đây, trống làng Ông Hảo lại "sống dậy", có mặt từ Bắc vào Nam.
Phần mặt da được lựa chọn kĩ càng và làm trắng cầu kì hơn nhằm đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ cao của khách hàng trong Nam ngoài Bắc.
"So với loại trống cũ, loại trống mới làm phức tạp và mất công hơn rất nhiều. Tuy nhiên, để giữ và phát triển nghề truyền thống của gia đình, làng xóm nên chúng tôi phải học hỏi, chấp nhận thay đổi. Làng nghề nổi tiếng đến mấy cũng không chỉ sống dựa vào cái tên, cái tiếng trong quá khứ được", bà Là cho hay.
Ngoài trống gỗ, đầu lân cũng là "đặc sản" nổi tiếng của làng Ông Hảo. Cơ sở nhà anh Vũ Hữu Thắng đã có 4 đời sản xuất đầu lân. Mỗi năm, anh xuất bán khoảng 10.000 chiếc đi các tỉnh phía Bắc và một số tỉnh phía Nam như An Giang, Cần Thơ.
Anh Thắng cho biết, cách đây 3-5 năm, anh đi khắp các tỉnh mà chẳng tìm được đầu ra cho sản phẩm truyền thống của gia đình. Không chịu để mất nghề cha ông, anh lên mạng học hỏi, tìm cách cải biến sản phẩm cho bắt mắt, công phu hơn.
Những sản phẩm đầu lân trước đây chủ yếu là sơn vẽ đơn giản. "Chỉ cần đôi bàn tay khéo léo và chiếc chổi sơn là mỗi giờ có thể sơn xong 40 chiếc", anh Thắng nói.
"Nhưng giờ, không ai mua loại đầu lân sơn vẽ đơn giản như vậy nữa, họ yêu cầu cao hơn. Tôi bắt đầu tìm nhiều phụ liệu may mặc như vải kim sa, lông mềm để trang trí. Ngoài ra còn nghiên cứu lắp hệ thống đèn led cho đầu lân. Bây giờ mỗi tiếng có khi chỉ làm ra 4-5 chiếc nhưng giá thành cao gấp 4 lần".
"Sau 3 năm, giờ mẫu hàng nhà tôi đã có đầu ra ổn định, thu lợi nhuận hơn trăm triệu/năm. Như năm nay còn không đủ hàng để bán. Có lúc cao điểm thuê 10 người làm", Anh Thắng vừa luôn tay làm vừa chia sẻ.
Khác với vài năm trước đây, hiện tại, ở các phố bán đồ Trung Thu nổi tiếng như Hàng Mã, thay vì trưng bày các sản phẩm mặt nạ nhựa, trống nhựa Trung Quốc thì đã chuyển sang những dãy hàng trống gỗ, đầu lân Việt Nam. Mặt hàng truyền thống này "sống dậy" nhờ sự thay đổi nhận thức của người dùng và cũng phần không nhỏ từ sự chủ động thay đổi mẫu mã, học hỏi để cải tiến sản phẩm của những người làm nghề truyền thống.