Láng giềng Việt Nam sắp sản xuất vaccine mRNA với ưu điểm vượt trội: Cơ hội thoát cảnh "bế quan tỏa cảng"?

Hồng Anh |

Loại vaccine mới được tin rằng có thể đáp ứng tốt nhu cầu bởi các nguyên liệu và thiết bị cốt lõi phục vụ sản xuất đều có ở Trung Quốc.

Mẫu vaccine mRNA do công ty Abogen và Walvax Biotechnology đồng phát triển. Ảnh:  Long Wei/People Visual

Mẫu vaccine mRNA do công ty Abogen và Walvax Biotechnology đồng phát triển. Ảnh: Long Wei/People Visual

Khi vị diễn giả đầu tiên lách qua đám đông để lên tới bục phát biểu, ông đã xin lỗi vì sự chậm trễ của mình. Nhìn vào số ghế ngồi được ban tổ chức chuẩn bị trong căn phòng, có thể thấy rằng trước đó họ không kỳ vọng sẽ có đông người quan tâm và sẵn sàng dành cả ngày để nghe thuyết trình về công nghệ điều trị y khoa bằng RNA đến vậy.

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 khiến cả thế giới khốn đốn, hai loại vaccine COVID-19 sử dụng công nghệ truyền tin RNA (mRNA) do các công ty Moderna và Pfizer-BioNTech phát triển đã đạt được thành công vang dội. Nhờ đó mà lĩnh vực nghiên cứu này gần đây đã thu hút sự chú ý đặc biệt của giới khoa học và dư luận.

Trong buổi sáng oi bức ấy, hơn 100 khán giả đã chen chúc trong hội trường nhỏ hẹp để lắng nghe diễn giả Ying Bo - CEO của startup công nghệ sinh học hiện đang thuộc hàng "hot" nhất ở Trung Quốc hiện nay: Abogen Biosciences. Công ty này mới chỉ được thành lập cách đây 2 năm những đã mang trên vai niềm hy vọng sẽ cùng ít nhất 4 công ty cùng ngành chinh phục được công nghệ sản xuất vaccine mRNA ngừa COVID-19.

Hiện tại, Trung Quốc vẫn đang sử dụng loại vaccine bất hoạt. Do đó mọi sự chú ý đang đổ dồn vào Abogen và các công ty đối thủ của họ. Nếu đạt được thành công, các công ty này sẽ không chỉ đưa ngành y sinh học của Trung Quốc lên tầm cao mới, mà còn có thể thay đổi đại cục tình hình dịch bệnh COVID-19 tại Trung Quốc và nhiều quốc gia trên thế giới sử dụng vaccine Trung Quốc.

Hiện tại, cuộc chạy đua phát triển virus mRNA ở Trung Quốc đang bước sang vòng thứ 2.

Láng giềng Việt Nam sắp sản xuất vaccine mRNA với ưu điểm vượt trội: Cơ hội thoát cảnh bế quan tỏa cảng? - Ảnh 1.

Nghiên cứu vaccine mRNA ở Trung Quốc. Ảnh: Tang Yanjun/CNS/People Visual

Chặng đường đạt miễn dịch cộng đồng ngày càng khó khăn

Cho đến nay, xét trên nhiều phương diện, Trung Quốc đã thành công trong việc phát triển COVID-19. Sau hơn 1,5 năm kể từ đợt bùng phát dịch ban đầu, Trung Quốc đã phát triển được 7 loại vaccine được cấp phép sử dụng khẩn cấp hoặc cấp phép đầy đủ.

Cuối tháng 8, Trung Quốc tuyên bố nước này đã tiêm hơn 2 tỉ liều vaccine cho người dân và trong khi các loại vaccine do phương Tây sản xuất khan hiếm, thì Trung Quốc đã cung cấp vaccine cho hơn 100 quốc gia trên thế giới.

2 vaccine Trung Quốc thông dụng nhất do các hãng dược Sinopharm và Sinovac sản xuất đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cấp phép khẩn cấp. Đây là các loại vaccine bất hoạt sử dụng công nghệ truyền thống.

Đến nay chính phủ Trung Quốc vẫn duy trì chiến lược "Zero Covid" (không Covid), kết hợp với chiến dịch tiêm chủng toàn quốc với hy vọng có thể đạt miễn dịch cộng đồng để tái mở cửa biên giới.

Nhưng với sự xuất hiện của các biến thể SARS-CoV-2 đáng lo ngại có khả năng lây nhiễm cao và giảm hiệu quả của vaccine, cuộc chiến với đại dịch COVID-19 trên toàn cầu ngày càng phức tạp hơn, và chặng đường đạt miễn dịch cộng đồng của Trung Quốc ngày càng khó khăn hơn.

Đầu tháng 8, Trung Quốc đã phát hiện một số ổ dịch mới liên quan đến nhóm nhân viên sân bay đã được tiêm phòng đầy đủ từ trước đó, làm dấy lên những cuộc tranh luận về chiến lược "không Covid" của nước này.

Giống như ở nhiều quốc gia có tỉ lệ tiêm chủng cao, nhiều người cũng cho rằng Trung Quốc nên mở cửa lại dần dần và chấp nhận một số nhỏ ca nhiễm COVID-19, vì chi phí để theo đuổi chiến lược "không Covid" sẽ ngày càng lớn hơn.

Nhưng việc thay đổi chiến lược chống dịch cần thỏa mãn điều kiện nhất định, trong đó việc nước này có thể tự sản xuất vaccine mRNA có hiệu quả cao hơn có thể sẽ là "chìa khóa" giúp Trung Quốc làm chủ cục diện - vừa tái mở cửa, vừa có thể duy trì cách chống dịch nghiêm ngặt như hiện tại.

Do đó, cuộc đua vaccine của Trung Quốc vẫn tiếp tục - để tìm ra liều vaccine mạnh hơn, có thể chống lại loại virus tinh vi hơn.

"Chúng ta cần chú ý tới vaccine mRNA", Gao Fu, người đứng đầu Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc, cho biết trong một hội nghị về vắc xin hồi đầu năm nay. "[Chúng ta] không nên bỏ qua vaccine mRNA chỉ vì chúng ta đã phát triển được một số loại vaccine có sẵn hiện nay."

Láng giềng Việt Nam sắp sản xuất vaccine mRNA với ưu điểm vượt trội: Cơ hội thoát cảnh bế quan tỏa cảng? - Ảnh 3.

Mẫu vaccine mRNA. Ảnh: Long Wei/People Visual

Ngành công nghiệp vừa "cất cánh"

Mặc dù công nghệ vaccine mRNA có vẻ đơn giản vì cần ít công đoạn và nguyên liệu hơn công nghệ truyền thống, nhưng điều đó không có nghĩa là việc sản xuất nó sẽ dễ dàng. Hai công ty Moderna và BioNTech đã có hơn 1 thập kỷ nghiên cứu và phát triển về mRNA, vì vậy nên khi đại dịch ập đến, mọi thứ đã sẵn sàng trong tầm tay họ.

Với thành công của vaccine, hai công ty Moderna và BioNTech đã trở thành huyền thoại khởi nghiệp. Moderna ra đời cách đây 11 năm và trước đại dịch COVID-19 họ chưa có vaccine nào được phê duyệt. Nhưng vaccine COVID-19 đã giúp công ty này kiếm được hàng tỷ USD, đẩy giá cổ phiếu tăng vọt.

Các nhà đầu tư và công ty dược phẩm Trung Quốc cũng đã nhanh chóng "bắt nhịp". Họ hầu hết là các công ty khởi nghiệp được thành lập vào khoảng năm 2019. Abogen gần đây cho biết họ đã huy động được thêm hơn 700 triệu trong vòng gọi vốn mới nhất. Hai tháng trước, StemiRNA, một công ty nghiên cứu công nghệ mRNA khác của Trung Quốc, đã được tài trợ 200 triệu USD.

Người đứng đầu Abogen cho biết lĩnh vực này đang phát triển theo cấp số nhân và ngành công nghiệp này chỉ vừa mới "cất cánh".

Abogen hiện đang dẫn đầu trong lĩnh vực vaccine mRNA ở Trung Quốc. Công ty Abogen đang hợp tác với nhà sản xuất vaccine trong nước, Walvax Biotechnology, đơn vị có nhiều năm kinh nghiệm làm việc với các cơ quan quản lý của Trung Quốc. Theo Thời báo Hoàn Cầu, nhà máy sản xuất vaccine mRNA của Agogen tại thành phố Ngọc Khê, tỉnh Vân Nam được dự kiến đưa vào hoạt động trong tháng 10 tới.

Với số vốn đầu tư 520 triệu nhân dân tệ (hơn 80 triệu USD), nhà máy dự kiến đạt công suất sản xuất đến 200 triệu liều vaccine/năm.

"Chỉ riêng vaccine COVID-19 đã đem lại hơn 69 triệu USD cho ngành công nghệ mRNA toàn cầu", ông Ying tiết lộ. Ngành này đang nhận được dòng vốn lớn từ các quỹ đầu tư mạo hiểm đến trái phiếu.

Muốn biết ngành công nghệ mRNA đang phát triển ra sao, chỉ cần nhìn vào văn phòng của ông Zhang Jiguo, giám đốc tài chính của StemiRNA, một công ty trị giá hàng tỷ nhân dân tệ: Bàn làm việc được đặt ở 1 góc trên tầng 2 trong một tòa nhà cũ ở ngoại ô Thượng Hải, một nửa văn phòng trống không với những bức tường bê tông chưa sơn, sàn nhà chưa lát.

"Không phải tất cả mọi người đều ở đây", ông Zhang nói với Sixth Tone. "CEO của chúng tôi làm việc ở văn phòng bên cạnh, còn nhóm nghiên cứu thì ở lầu trên".

StemiRNA thành lập vào năm 2016 với đội ngũ khoảng 30 nhân viên, nhưng đến năm ngoái công ty đã mở rộng quy mô lên hơn 250 nhân viên.

Vaccine của StemiRNA là loại vaccine mRNA thứ 2 của Trung Quốc được đưa vào thử nghiệm trên người. Thử nghiệm giai đoạn 1 vừa hoàn thành với 80 người tham gia tại một bệnh viên tư nhân ở Hàng Châu. Ông Zhang cũng cho biết vaccine này có hiệu quả khi được dùng cho người đã tiêm 2 liều vaccine truyền thống, nhưng kết quả của hai thử nghiệm này chưa được công bố.

Ngoài StemiRNA và Abogen, 3 công ty khởi nghiệp về công nghệ mRNA khác của Trung Quốc vẫn đang thử nghiệm sản phẩm của họ trong ống nghiệm hoặc trên động vật.Thế nhưng, chưa có gì đảm bảo họ sẽ thành công.

CureVac, một công ty công nghệ mRNA của Đức với hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực này, hồi tháng 6 báo cáo rằng rằng các thử nghiệm lâm sàng đã cho thấy vaccine mRNA của họ chỉ có hiệu quả 47% trong việc ngăn ngừa COVID-19, thấp hơn ngưỡng phê duyệt hiệu quả 50% được đặt ra bởi WHO và các cơ quan quản lý thuốc của một số quốc gia.

Hé lộ ưu điểm vượt trội của vaccine mRNA Trung Quốc

Hiện nay, vaccine của hãng Pfizer và Moderna là các loại vaccine dùng công nghệ mRNA đang được phân phối phổ biến trên thế giới.

Theo Hoàn Cầu, ưu điểm của ARcoVax là chi phí bảo quản vaccine này thấp hơn so với các loại vaccine của nước khác, cho phép nó được bảo quản ở nhiệt độ phòng trong vòng 1 tuần, hay ở 4 độ C trong thời gian dài, khiến vaccine có thể dễ dàng sử dụng hơn.

Loại vaccine mới được tin rằng có thể đáp ứng tốt nhu cầu bởi các nguyên liệu và thiết bị cốt lõi phục vụ sản xuất đều có ở Trung Quốc. Các báo cáo của truyền thông nước này nói rằng tỷ lệ bảo vệ của ARcoVax lên tới 95%, so với các loại vaccine đang được đưa vào thử nghiệm lâm sàng ở giai đoạn 3./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại