Trung Quốc làm điều chưa từng có trong lịch sử PLA với ghế Bộ trưởng Quốc phòng: Hé lộ mục tiêu lớn

An An |

Giáo sư Patalano nhận định, việc bổ nhiệm hai sĩ quan hải quân vào các vị trí chủ chốt, đặc biệt là chức Bộ trưởng Quốc phòng, thể hiện rõ hai điều từ nhà lãnh đạo Trung Quốc.

Sự bổ nhiệm đặc biệt trong quân đội Trung Quốc

Hãng thông tấn Trung Quốc Tân Hoa Xã hôm 29/12/2023 đưa tin, vào cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc Trung Quốc khóa 14 đã thông qua quyết định bổ nhiệm ông Đổng Quân làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc.

Theo CNN, đây là lần đầu tiên một sĩ quan hải quân - Tư lệnh hải quân - được bổ nhiệm vào vị trí cao nhất Bộ Quốc phòng; điều đó cho thấy rõ ràng về các ưu tiên quân sự của nhà lãnh đạo Trung Quốc và vấn đề Đài Loan đứng đầu trong số những ưu tiên này.

Kinh nghiệm của ông Đổng Quân với tư cách là Tư lệnh hải quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) và các nhiệm vụ tại các mặt trận phía đông và phía nam của quân đội Trung Quốc mang lại cho ông "nền tảng chưa từng có" cho vị trí Bộ trưởng Quốc phòng, Viện Nghiên cứu Hàng hải Trung Quốc CMSI thuộc Trường Cao đẳng Chiến tranh Hải quân Mỹ cho biết trong một báo cáo hôm 30/12.

Trung Quốc làm điều chưa từng có trong lịch sử PLA với ghế Bộ trưởng Quốc phòng: Hé lộ mục tiêu lớn- Ảnh 1.

Tân Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc. Ảnh: CNN

Giới lãnh đạo Trung Quốc, đặc biệt là Chủ tịch Tập Cận Bình luôn coi việc thống nhất Đài Loan là nền tảng cho mục tiêu phục hưng Giấc mộng Trung Hoa. Ngay trong thông điệp chúc mừng năm mới 2024, ông Tập một lần nữa nhấn mạnh việc thống nhất Đài Loan là điều tất yếu.

Giới chức Trung Quốc cho biết, họ hướng tới sự thống nhất hòa bình nhưng không loại trừ việc sử dụng vũ lực để kiểm soát hòn đảo.

Quân đội Trung Quốc cũng đã tăng cường áp lực ngoại giao, kinh tế và quân sự lên Đài Loan dưới thời ông Tập.

Các máy bay phản lực của Trung Quốc đại lục hiện nay thường xuyên xuất hiện gần eo biển Đài Loan. Việc tàu chiến Bắc Kinh vượt qua đường trung tuyến eo biển cũng trở nên thường xuyên hơn.

Ngoài ra, theo CNN, các vùng biển khác cũng có khả năng leo thang căng thẳng trong thời gian tới.

Ở Biển Đông, Trung Quốc đã có những cuộc chạm trán quyết liệt hơn với các tàu Philippines như ở bãi cạn Scarborough (Trung Quốc gọi là Hoàng Nham).

Và tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mà Trung Quốc và Nhật Bản tranh chấp, hơn 100 tàu cảnh sát biển Trung Quốc và các tàu khác đang tiến vào vùng tiếp giáp xung quanh quần đảo hàng tháng - theo số liệu thống kê do Bộ Ngoại giao Nhật Bản cung cấp vào tháng 12.

Trong khi đó vào cuối năm ngoái, Bắc Kinh đã mở lại đường dây liên lạc quân sự quan trọng với Washington vốn đã không hoạt động sau chuyến thăm Đài Loan vào năm 2022 của Chủ tịch Hạ viện Mỹ lúc đó là bà Nancy Pelosi.

CNN cho rằng, vì cả Philippines và Nhật Bản đều là đồng minh trong hiệp ước phòng thủ chung với Mỹ và vì Washington có cam kết nâng cao khả năng phòng vệ của đảo Đài Loan (Trung Quốc) nên vai trò của tân Bộ trưởng Quốc phòng Đổng Quân trong việc trao đổi với những người đồng cấp Mỹ để tránh bất kỳ sự leo thang quân sự nào đều rất quan trọng.

Trung Quốc làm điều chưa từng có trong lịch sử PLA với ghế Bộ trưởng Quốc phòng: Hé lộ mục tiêu lớn- Ảnh 2.

Tân Tư lệnh Hải quân Trung Quốc Hồ Trung Minh. Ảnh: CCTV

Nhưng nếu xung đột nổ ra, ông này có thể là cố vấn quan trọng cho Chủ tịch Quân ủy Trung ương Tập Cận Bình, theo các nhà phân tích.

"Đô đốc Đổng Quân là một trong những chỉ huy liên hợp giàu kinh nghiệm nhất của PLA, có chuyên môn sâu về cấp độ điều hành chiến tranh", báo cáo của CMSI viết.

CMSI cho biết, ông Đổng Quân có kinh nghiệm nhiều năm trong Bộ Tư lệnh Chiến khu miền Nam, đồng thời là phó chỉ huy Hạm đội Hoa Đông, hoạt động ở biển Hoa Đông và eo biển Đài Loan.

CMSI nhấn mạnh, việc bổ nhiệm ông Đổng Quân thể hiện những ưu tiên mà ông Tập sẽ xem xét trong các kế hoạch quân sự hải quân quan trọng như vấn đề eo biển Đài Loan.

Ưu tiên lực lượng hải quân

CNN cho hay, không chỉ việc bổ nhiệm tân Bộ trưởng Quốc phòng mới chỉ ra những ưu tiên của nhà lãnh đạo Trung Quốc.

Vài ngày trước đó, Đô đốc Hồ Trung Minh đã được bổ nhiệm làm Tổng tư lệnh Hải quân PLA.

Ông Hồ Trung Minh là một sĩ quan tàu ngầm chuyên nghiệp có kinh nghiệm tác chiến và chỉ huy ở Biển Đông, được các nhà phân tích đánh giá là sự lựa chọn hợp lý cho vai trò này.

Tàu ngầm là một lĩnh vực then chốt của hải quân Trung Quốc nhưng nhìn chung, tàu ngầm Trung Quốc được đánh giá là dễ bị theo dõi hơn so với tàu ngầm Mỹ.

"Mỹ vẫn thống trị chiến tranh dưới biển", Paul Dibb, giáo sư danh dự về nghiên cứu chiến lược tại Đại học Quốc gia Australia, viết trên trang thông tin của Viện Chính sách Chiến lược Australia vào tháng 12.

Ông viết: "Ví dụ, các tàu ngầm hạt nhân chiến lược (SSBN) của Trung Quốc không thể đảm bảo cho Bắc Kinh một lực lượng tấn công hạt nhân thứ hai vì chúng rất dễ bị tấn công bởi các tàu ngầm tấn công (SSN) của Mỹ".

Theo CMSI, Trung Quốc cũng được coi là đi sau Mỹ trong chiến tranh chống tàu ngầm nhưng đã đầu tư vào cải tiến trong những năm gần đây.

Alessio Patalano, Giáo sư về chiến tranh và chiến lược tại Cao đẳng Hoàng gia London, cho biết Hồ Trung Minh dường như là người hoàn hảo để cải tiến lực lượng tàu ngầm của PLA.

"Là một thủy thủ tàu ngầm có kinh nghiệm đáng kể trong việc quản lý rủi ro và cải thiện công tác huấn luyện, Đô đốc Hồ Trung Minh sẽ đảm bảo rằng các khả năng chiến lược quan trọng nhất của Trung Quốc đáp ứng các tiêu chuẩn cao nhất".

Được biết, Hồ Trung Minh từng đóng vai trò ngăn chặn được những sự kiện có thể xảy ra thảm khốc, khiến ông phải phát triển các quy trình huấn luyện được thiết kế để ngăn chặn những sự việc tái diễn.

"Kinh nghiệm tham gia nhiều hạm đội mang lại cho Đô đốc Hồ Trung Minh những hiểu biết sâu sắc về điểm mạnh và điểm yếu của từng hạm đội, cho phép ông đưa ra các cải tiến về tổ chức và huấn luyện nhằm đảm bảo sự sẵn sàng của hải quân Trung Quốc, cũng như đưa ra hướng dẫn phù hợp riêng cho các cải tiến về chiến thuật và hoạt động của lực lượng này", CMSI viết.

Giáo sư Patalano nhận định, trước những diễn biến diễn ra trong nội bộ quân đội Trung Quốc thì "việc bổ nhiệm hai sĩ quan hải quân vào các vị trí chủ chốt, đặc biệt là Bộ trưởng quốc phòng, gợi ý rõ ràng hai điều: Hải quân được coi là lực lượng trung thành nhất với ông Tập Cận Bình và đây cũng là một phương án kết hợp công nghệ và chuyên môn cho phép Trung Quốc triển khai sức mạnh ở các khu vực xung quanh".










Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại