Lần đầu tiên Tổng thống Pháp thăm cấp nhà nước đến Đức trong 24 năm

Bình Giang |

Hôm nay (26/5), Tổng thống Pháp Emanuel Macron tới Đức để thực hiện chuyến thăm cấp nhà nước kéo dài 3 ngày, trong nỗ lực thể hiện sự đoàn kết giữa 2 cường quốc đóng vai trò dẫn dắt Liên minh châu Âu (EU) trước khi diễn ra cuộc bầu cử vào tháng tới.

Lần đầu tiên Tổng thống Pháp thăm cấp nhà nước đến Đức trong 24 năm- Ảnh 1.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz. (Ảnh: Reuters)

Trong chuyến thăm đầu tiên của một tổng thống Pháp đến Đức sau 24 năm, ông Macron sẽ thăm thủ đô Berlin, thành phố Dresden ở phía đông và Muenster ở phía tây.

Chuyến thăm sẽ được coi như một cuộc kiểm tra “sức khoẻ” quan hệ Đức-Pháp, vốn đóng vai trò dẫn dắt các chính sách của EU, vào thời điểm liên minh đang đối mặt với những thách thức lớn: Cuộc xung đột ở Ukraine và khả năng ông Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 năm nay.

Tổng thống Pháp Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz có phong cách lãnh đạo rất khác nhau và đã công khai thể hiện quan điểm trái chiều trong những vấn đề như năng lượng hạt nhân. Tuy nhiên, gần đây họ tìm được quan điểm chung trong nhiều vấn đề, từ cải cách tài chính đến thay đổi về trợ cấp thị trường, giúp EU có thể ban hành chính sách chung và thể hiện sự đoàn kết.

Yann Wernert, nhà nghiên cứu tại Viện Jacques Delors ở Berlin, nhận xét: “Có những căng thẳng trong quan hệ Đức-Pháp, nhưng do họ phải xử lý nhiều vấn đề khó khăn”.

Mujtaba Rahman, giám đốc điều hành khu vực châu Âu tại tổ chức tư vấn Eurasia Group, cho rằng chuyến thăm là "nỗ lực ở cấp cao nhất để chứng minh mối quan hệ đang tiến triển. Tuy nhiên, vẫn còn khác biệt trong những vấn đề lớn đang bao trùm EU”.

Một trong những vấn đề như vậy là khả năng phòng thủ của châu Âu, đặc biệt nếu ông Trump chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ ngày 5/11. Nước Mỹ dưới sự lãnh đạo của ông Trump được coi là đồng minh kém tin cậy hơn nhiều so với Tổng thống Joe Biden.

Đầu năm nay, cựu tổng thống của đảng Cộng hòa tuyên bố sẽ không bảo vệ các thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nào không đóng góp đủ cho quốc phòng khi họ bị tấn công.

Pháp, quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân, muốn châu Âu tự chủ hơn trong vấn đề quốc phòng và không hài lòng khi Đức mua phần lớn thiết bị của Mỹ để xây dựng sáng kiến phòng không Sky Shield.

Còn Đức cho rằng không có giải pháp thay thế đáng tin cậy nào cho chiếc ô quân sự của Mỹ và châu Âu không có thời gian chờ đợi ngành công nghiệp quốc phòng nội địa sẵn sàng đối phó với những mối đe doạ.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại