Lần đầu tiên: 'Bão không gian' với mưa electron được quan sát

Mai Linh |

Các nhà khoa học đã phát hiện một cơn bão plasma khổng lồ ngay trên Bắc Cực, giải phóng các electron vào thượng tầng khí quyển của Trái đất thay vì nước mưa thông thường.

Mới đây, các nhà khoa học cho biết họ đã quan sát thấy một hiện tượng lần đầu tiên được biết đến: một khối plasma xoáy, rộng đến gần 1000km và quay hàng giờ trong thượng tầng khí quyển Trái đất, tạo ra “cơn mưa” electron thay vì nước như những cơn bão bình thường.

Các nhà nghiên cứu gọi vụ nhiễu động này là một cơn bão không gian vì sự tương đồng trong hình dạng và cách hoạt động với các hệ thống bão thường xuyên “oanh tạc” các bờ biển trên khắp thế giới. Phát hiện về cơn bão này đã được công bố trực tuyến ngày 26 tháng 2 trên tạp chí Nature Communications.

Lần đầu tiên: Bão không gian với mưa electron được quan sát - Ảnh 1.

Biểu đồ 2D mô tả cơn bão plasma, cho thấy sự tương đồng với các cơn bão thông thường ở Trái đất (Ảnh: Zhang Qinghe)

Các nhà khoa học từ Trung Quốc, Hoa Kỳ, Na Uy và Vương quốc Anh đã tìm thấy cơn bão đặc biệt trên trong khi tiến hành quan sát dữ liệu vệ tinh từ tháng 8 năm 2014. Khi các vệ tinh quay quanh hành tinh và đi qua Bắc Cực, họ đã nhận thấy một vùng xáo trộn lớn trong bầu khí quyển.

Một trong những tác giả của nghiên cứu, ông Larry Lyons, giáo sư khoa học khí quyển và đại dương tại Đại học California, Los Angeles cho biết: “Về mặt lý thuyết, cơn bão không gian như thế này không hề được biết đến”. Ông chia sẻ, cơn bão hình xoắn ốc này nằm ở độ cao khoảng 200 km phía trên Bắc Cực.

Lần đầu tiên: Bão không gian với mưa electron được quan sát - Ảnh 2.

Sơ đồ 3D mô tả cơn bão plasma trong không gian (Ảnh: Zhang Qinghe)

Lyons nói thêm: “Ta có thể thấy các luồng plasma di chuyển xung quanh, đóng vai trò như những cơn gió của cơn bão không gian. Những luồng xoáy này mạnh nhất ở rìa và giảm dần về phía mắt bão ở trung tâm và rồi mạnh lên trở lại ở phía bên kia, giống như luồng không khí trong một cơn bão thông thường".

Không giống như những cơn bão thông thường trút mưa xuống bề mặt Trái đất, bão không gian được nhận thấy đi cùng với những “cơn mưa electron” rơi vào tầng trên của bầu khí quyển. 

Nguyên nhân của bão không gian được xác định là từ các luồng plasma phóng ra từ Mặt trời. Khi những đám mây hạt tích điện này lao qua không gian, chúng có thể cung cấp nhiên liệu cho các cơn bão từ trường và dẫn đến hiện tượng cực quang tuyệt đẹp ở hai đầu cực Trái đất.

Lần đầu tiên: Bão không gian với mưa electron được quan sát - Ảnh 4.

Các luồng plasma phóng ra từ Mặt trời có thể dẫn đến hiện tượng cực quang ở hai đầu cực Trái đất.

Đồng tác giả nghiên cứu, ông Michael Lockwood, giáo sư về môi trường vũ trụ cho biết: “Những cơn bão không gian này phải được tạo ra bằng những đợt truyền năng lượng gió Mặt trời và các hạt tích điện lớn, với tốc độ nhanh bất thường vào tầng thượng khí quyển của Trái đất”.

Lần đầu tiên: Bão không gian với mưa electron được quan sát - Ảnh 5.

Các nhà khoa học thường xuyên theo dõi thời tiết không gian vì bức xạ từ các hạt từ Mặt trời có thể tàn phá các vệ tinh trên quỹ đạo hay cơ sở hạ tầng trên mặt đất.

Cơn bão không gian được quan sát thấy tại Bắc Cực, do đó các nhà khoa học không nghĩ rằng chúng sẽ gây ra nguy hiểm cho cư dân sống ở vĩ độ thấp hơn. Tuy vậy, cơn bão vẫn có thể tác động tiêu cực đến các hệ thống thông tin liên lạc và định vị.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại