Theo The Conversation, các nhà thiên văn học từ Trường Đại học Tây Sydney - Úc đã sử dụng hệ thống siêu kính viễn vọng vô tuyến ASKAP của Tổ chức Nghiên cứu khoa học và công nghiệp khối thịnh vượng chung (CISRO) để xác định siêu lỗ đen thú vị này.
ASKAP với mạng lưới 36 đĩa vô tuyến liên kết tạo thành siêu kính viễn vọng duy nhất, được đặt tại vùng hoang sơ của sa mạc Tây Úc và là một trong những công cụ quan sát thiên văn hàng đầu của nhân loại.
Ảnh đồ họa mô tả dòng vật chất bắn ra từ siêu lỗ đen - Ảnh: THE CONVERSATION
Dữ liệu vô tuyến mà ASKAP thu được tiết lộ một tia vật chất ngoài sức tưởng tượng, dài hơn 1 triệu năm ánh sáng, vắt ngang vùng không gian cách chúng ta 93 triệu năm ánh sáng.
Nó bắn ra từ trung tâm của thiên hà NGC2663, một thiên hà elip điển hình, siêu dày đặc với số lượng sao gấp 10 lần thiên hà chứa Trái đất Milky Way.
Tia vật chất này là một dòng phản lực năng lượng cực cao bị lỗ đen trung tâm thiên hà bắn ra. Dù các nhà thiên văn đã nhìn thấy nhiều dòng phản lực nhưng chưa cái nào có tầm vóc như thế.
Không chỉ là một chùm vật chất lớn, nó còn mang kích thước rất chênh lệch so với thiên hà mẹ của lỗ đen bắn ra nó - đến 50 lần. Dòng suối vật chất này còn mang nhiều hạt "kim cương xung kích" khổng lồ - là điểm sáng dạng kim cương chảy trong dòng vật chất khi nó được bắn ra, phát sáng rực rỡ hơn phần còn lại.
Điều này đòi hỏi siêu lỗ đen bắn ra nó phải cực lớn, cực mạnh, có thể là một trong những lỗ đen lớn nhất trong toàn vũ trụ.
Ngoài ra, hiệu ứng này được thúc đẩy bởi vật chất dày đặc giữa các thiên hà xung quanh NGC2663, tương tác với dòng phản lực để tạo ra tác động ngoạn mục.
Tất cả tạo thành một "vòng luân hồi": Vật chất giữa các thiên hà đi vào thiên hà, bị lỗ đen trung tâm thiên hà nuốt chửng, lỗ đen lại phóng dòng phản lực này ra không gian giữa các thiên hà... Những quá trình này giúp các thiên hà trong vũ trụ phát triển.
Nghiên cứu trên vừa được chấp thuận bởi Monthly Notices of the Royal Astronomical Society.