Theo Daily Mail, tuy nằm ngoài thiên hà chứa Trái Đất Milky Way (Ngân Hà), nhưng do hành tinh của chúng ta nằm ở phần rìa thiên hà, nên lỗ đen bí ẩn chỉ cách 160.000 năm ánh sáng - một khoảng cách khổng lồ với loài người nhỏ bé nhưng đối với lỗ đen thì lại là một khoảng cách quá gần.
"Chân dung" lỗ đen vừa phát hiện và người bạn đồng hành - Ảnh: ESO
Phát hiện là do công của nhóm khoa học gia từ nhiều viện, trường nổi tiến về nghiên cứu thiên văn như Trung tâm Vật lý thiên văn Harvard & Smithsonian - Mỹ và Đài thiên văn Nam Âu (ESO), sử dụng Kính viễn vọng Very Large đặt ở Chile,
Lỗ đen này có khối lượng ít nhất là gấp 9 lần Mặt Trời của chúng ta, quay quanh một ngôi sao như một hành tinh trá hình. Nó đang "ngủ đông", tức ngừng hoạt động, ngừng ăn uống, do đó nó hoàn toàn vô hình.
Lỗ đen vốn là một dạng vật thể siêu dày đặc nên với khối lượng đó, nó chỉ có đường kính khoảng 27 km.
Với kích thước đó, nó được gọi là "lỗ đen khối lượng sao", tức chỉ lớn hơn các ngôi sao vài lần đến vài chục lần về khối lượng. Nó hình thành từ một ngôi sao khổng lồ đã sụp đổ hoàn toàn.
Thế giới lỗ đen còn có các lỗ đen cỡ trung bình, một dạng vật thể đến nay vẫn chưa biết đến từ đâu; còn nổi tiếng nhất là lỗ đen siêu khối, hay còn gọi là lỗ đen quái vật, như cái đang làm trung tâm của thiên hà chúng ta.
Lỗ đen bí ẩn và một ngôi sao liên tục quay quanh nhau - Ảnh: ESO
Theo Science Alert, vùng không gian mà lỗ đen vừa được phát hiện tồn tại có thể thuộc về Đám mây Magellan Lớn, một thiên hà vệ tinh của Milky Way, từng bị nghi ngờ sẽ lao vào Trái Đất và va chạm trong vài tỉ năm nữa.
Lỗ đen không phát sáng nên các nhà khoa học chỉ có thể xác định nó thông qua ánh sáng từ vật chất nó nuốt vào. Lỗ đen này còn khó phát hiện hơn bởi nó không nuốt ánh sáng, nên hoàn toàn vô hình.
Thế nhưng người bạn đồng hành của nó - một ngôi sao - đã tiết lộ hành tung của kẻ bí ẩn. Hai vật thể quay quanh nhau và chính hành vi quay quanh cái gì đó vô hình đã chỉ ra lỗ đen.
Nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí khoa học Nature Astronomy.