Vào thời điểm cuối năm, ắt hẳn ai cũng mong mình có được đồng ra đồng vào nhờ khoản thưởng Tết sau 1 năm dài cống hiến. Thông thường, với đại đa số mọi người có thâm niên trên một năm, mức thưởng Tết có thể rơi vào khoảng 50-100% của một tháng lương trung bình.
Với một số ngành nghề đặc thù khác, số tiền thưởng còn có thể tăng giảm dựa trên hiệu suất, doanh thu, ví dụ như ngành ngân hàng, ngành kinh doanh, bán hàng... Cho nên, giai đoạn này chắc chắn không ai muốn từ chức hay bị đuổi việc cả.
Tại Trung Quốc, một người đàn ông 45 tuổi họ Trương lại bất ngờ phải nhận đơn cho nghỉ việc vào tháng cuối cùng của năm. Người đàn ông tức giận, lập tức bày tỏ phẫn nộ trên mạng xã hội để giãi bày sự bất công cho cả chục năm đã cống hiến cho doanh nghiệp này từ thời trẻ.
Theo những gì người đàn ông họ Trương kể, công ty từng có ý định sa thải ông từ giữa tháng 5, nhưng sau đó họ đã thay đổi quyết định. Thay vì phải nghỉ việc, ông buộc phải chấp nhận giảm mức lương của mình từ 7 triệu đồng xuống còn 5 triệu đồng mỗi tháng.
Rất nhiều người cho rằng, công ty như vậy thì còn ở lại làm gì, thà nghỉ việc đi còn hơn nhưng ở tuổi 45, người đàn ông không còn nhiều cơ hội để lựa chọn như vậy. Cho nên ông chấp nhận bị giảm lương và tiếp tục ở lại làm việc tại doanh nghiệp này.
Tuy nhiên, chỉ sau vài tháng, tới gần cuối năm, khi tưởng gia đình có thể trải qua một cái Tết êm ấm thì người đàn ông bị đuổi việc. Ông ta tức giận chất vấn với lãnh đạo của mình: “Tại sao tôi bị cho nghỉ việc sớm trong khi doanh nghiệp vẫn đầy người còn già hơn? Ông Điền hay ông Ngô đều đã hơn 50 tuổi nhưng vẫn được ở lại đấy thôi?”.
Vị lãnh đạo đã trả lời rằng: “Nếu đã biết so bì với người khác, vậy ông có xem lại bản thân mình trước không?”
Người đàn ông bực bội: “Tôi đã làm việc cho doanh nghiệp cả chục năm nay, không có công lao cũng phải có khổ lao!”.
Vị lãnh đạo tiếp tục: “Khổ lao của ông đã được trả hết trong khoảng thời gian vừa qua rồi. Thái độ làm việc hời hợt, không tiến bộ, không nghiêm túc, cũng không tạo ra giá trị vượt trội nào cho đơn vị, đó là những gì tôi nhìn nhận được từ ông trong suốt nửa năm qua. Và sau 6 tháng tôi mới đưa đơn đề nghị nghỉ việc đã là nể tình rồi”.
Ông Trương tiếp tục chất vấn: “Vậy còn công việc của tôi thì sao? Ai sẽ làm được cơ chứ?”.
Vị lãnh đạo trả lời: "Đây là cuộc sống tập thể. Không có ông, luôn có người khác sẵn sàng làm việc của ông để lại".
Đến đây, ông ủ rũ nói: “Nhưng ở tuổi này, tôi phải làm sao nếu bị đuổi việc?”.
Lãnh đạo vừa rời đi vừa nói: “Xin lỗi, chúng tôi là doanh nghiệp, chứ không phải đơn vị từ thiện”.
Rõ ràng, môi trường làm việc là nơi chúng ta chứng tỏ năng lực của mình, chứ không phải nơi để bạn an hưởng tuổi già hay nghỉ ngơi lấy sức. Làm ra bao nhiêu, nhận về bấy nhiêu, đây là đạo lý hiển nhiên ở đời. Khi chúng ta nhận lương, đương nhiên chúng ta phải hoàn thành trách nhiệm của mình đối với công ty.
Đây là mối quan hệ tồn tại dựa trên điều kiện tiên quyết là hai bên cùng có lợi. Nếu công ty không đáp ứng ích lợi của bạn, bạn nên rời khỏi và lựa chọn một môi trường khác. Cũng tương tự như vậy, khi bạn không thể đáp ứng ích lợi của doanh nghiệp, họ có quyền tìm kiếm một nhân sự khác thay thế cho vị trí đó.
Nếu bạn có thừa khả năng, đương nhiên công ty sẽ dùng mọi cách để giữ chân bạn ở lại. Sự khác biệt trong tư duy và năng lực sẽ quyết định bạn xứng đáng với cấp bậc đãi ngộ như thế nào.
Nhiều người làm việc cả năm nhưng không được đáp ứng tăng lương, cũng có người chỉ cần vài tháng chứng tỏ bản thân đã khiến công ty chủ động thăng chức, thưởng thêm. Vậy khác biệt nằm ở đâu?
Kỳ thật, sự khác biệt giữa 2 bên không quá lớn, cũng không phải tất cả những người có lương cao đều có năng lực lớn hơn những người lương thấp.
Nhưng chắc chắn rằng, đại đa số những người được hưởng mức thu nhập cao đều đã bỏ nhiều công sức, nỗ lực để phấn đấu vì điều đó hơn hẳn những người chỉ chăm chăm đến giờ đi làm, hết giờ đi về, ngoài giờ không làm thêm. Vấn đề đầu tiên mà lãnh đạo có thể dễ dàng nhìn nhận đó là kết quả công việc, thứ hai chính là thái độ làm việc.
Do đó, nếu cảm thấy không hài lòng với mức tiền lương, vị trí và thu nhập của mình không thay đổi gì suốt nhiều năm, hãy tự trả lời câu hỏi: Công ty yêu cầu gì ở mình? Và bản thân mình đã đáp ứng được bao nhiêu yêu cầu trong số đó?
Bạn cần biết rằng, công ty thuê nhân viên đến để giải quyết vấn đề, chứ không phải mời người tới tạo ra vấn đề. Nếu bạn không thể tìm ra vấn đề hoặc không thể giải quyết nó, vậy bạn chính là một vấn đề. Bạn có thể giải quyết vấn đề lớn chừng nào thì bạn mới có thể ngồi ở vị trí cao từng ấy. Nếu muốn nhận được nhiều hơn, phải bỏ ra một cái giá xứng đáng.
Nếu có cơ hội tiếp xúc với nhiều chuyên gia cấp quản lý, các giám đốc điều hành,... bạn sẽ nhận ra những người có thể ngồi ở vị trí cao đều có thêm một vũ khí sắc bén vô cùng quan trọng để rèn luyện năng lực của chính mình. Đó chính là kỹ năng báo cáo và tự nhận xét.
Có lẽ mỗi người đều có những phương thức khác nhau để làm, nhưng mục đích chung sau cùng đều là như nhau. Thông qua quá trình đó, họ sẽ nhìn nhận lại những thành tựu đã đạt được, những khó khăn đã gặp phải, để từ đó đúc rút ra các trải nghiệm mới.
Tự báo cáo, bạn sẽ nắm được tình trạng công việc của bản thân rõ hơn ai hết. Đâu là khó khăn, đâu là rắc rối, cần có phương pháp nào để giải quyết, phải thay đổi những gì… Những vấn đề này đều có thể được phát hiện và xử lý trong quá trình báo cáo đó.
Tự nhận xét, bạn sẽ nhìn nhận ưu điểm cũng như khuyết điểm của chính bản thân để tiếp tục phát huy các điểm tốt, kết hợp với hạn chế những mặt xấu. Đó là tiền đề để đạt tới một bước thăng hoa lớn trong hành vi tự thân của mình.
Chỉ có năng lực được nâng cao, bạn mới có thể cống hiến thêm nhiều giá trị, đồng thời nhận lại nhiều lợi ích hơn cho bản thân.