Làm thuê cho nước ngoài, bao giờ Việt Nam mới giàu?

Trong mắt thế giới, Việt Nam đang dần thay thế Trung Quốc trong vai trò công xưởng gia công thuần tuý B2B (doanh nghiệp tới doanh nghiệp) với lợi nhuận vô cùng thấp.

Xưởng gia công thế giới dịch chuyển

Một năm trước, tại Hội nghị Đầu tư Invest ASEAN 2015 đã có nhiều chuyên gia nhận định “Việt Nam sẽ thay thế Trung Quốc trở thành công xưởng của thế giới”.

Thực tế cho thấy trong những năm trở lại đây, giá nhân công, chi phí thuê mặt bằng… ở Trung Quốc đã tăng cao khiến cho lợi nhuận của các nhà đầu tư sụt giảm thê thảm.

Cụ thể, lợi nhuận của các doanh nghiệp đầu tư tại khu vực miền Nam Trung Quốc đang ở mức 25% đã bị đánh tụt xuống còn 5%.

Từ đó dẫn đến việc các nhà đầu tư tìm cách thoái lui, tìm về những khu vực có mức chi phí thấp hơn mà Việt Nam là một điểm đến ưa thích.

Việt Nam lọt mắt xanh các nhà đầu tư bởi nhân lực dồi dào, giá rẻ bằng một nửa so với nhân công phía Nam Trung Quốc. Việt Nam cũng có lợi thế về mặt địa lý khi có đường bờ biển dài, tiện cho việc xuất nhập khẩu, từ đó mà giảm chi phí vận tải.

Việt Nam cũng đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do, là thành viên của cộng đồng kinh tế AEC,… nhờ đó mà các nhà đầu tư ngoại được hưởng các ưu đã thuế quan. Đấy còn chưa kể đến những hành động trải thảm đỏ để mời gọi vốn FDI từ phía Việt Nam.

Sự dịch chuyển công xưởng dần sang Việt Nam có thể thấy rõ qua những sự kiện như việc Microsoft tập trung cho việc phát triển Nhà máy sản xuất tại Bắc Ninh bằng các đóng cửa nhiều nhà máy, nhà xưởng tại Trung Quốc và một số nơi khác trên thế giới.

Hay việc Samsung đầu tư liên tục tại Việt Nam với dự kiến Việt Nam sẽ sản xuất hơn 80% số điện thoại di động của Samsung.

Nhân công "giá bèo"

Xu hướng chuyển dịch của các nhà đầu tư thoạt tiên sẽ khiến cho kinh tế Việt Nam được hưởng lợi: tăng lượng ngoại tệ nhờ nguồn vốn FDI, tăng kim ngạch xuất nhập khẩu, giải quyết việc làm cho hàng vạn công nhân.

Tuy nhiên, trên thực tế thì câu chuyện không hề đơn giản như vậy, bởi ẩn sau đó là nguy cơ Việt Nam đang chỉ gia công thuần tuý và trở thành công xưởng theo nghĩa hẹp chứ không phải là trung tâm chế biến, chế tạo của thế giới như kỳ vọng.

Có thể thấy như ở chuỗi Samsung. Mặc dù thời gian qua các doanh nghiệp Việt Nam đã có những nỗ lực vượt bậc để chen chân vào chuỗi cung ứng cho hãng này (từ 32 doanh nghiệp năm ngoái lên 190 doanh nghiệp năm nay) nhưng cũng chỉ ở bao bì hoặc những thứ rất nhỏ khác với giá trị gia tăng rất thấp, không tiếp thu được công nghệ cao, không có sức lan tỏa tới nền kinh tế.

Hay như báo cáo mới nhất của Masan chỉ ra một thực tế đến ngỡ ngàng: Gom góp tiền công 166 đôi giày Nike do công nhân Việt Nam làm ra mới đủ mua 1 đôi giày của hãng.

Cụ thể, 1 đôi giày Nike bán ra có giá 100 USD, Nike lãi được 20 USD, công nhân Việt Nam thu về 0,6 USD. Nghĩa là người Việt làm thuê quần quật 166 đôi giày Nike mới gom góp đủ tiền mua 1 đôi giày của hãng.

Theo đó, trong mắt thế giới, Việt Nam là nơi xuất xuất khẩu nguyên liệu thô với giá trị gia tăng thấp, và là một công xưởng gia công thuần túy B2B (doanh nghiệp tới doanh nghiệp) với lợi nhuận cũng rất thấp.

Vẫn là ví dụ về đôi giày Nike giá 100 USD, Masan đã chỉ ra các tỷ lệ % về lợi nhuận các bên đạt được: 5% lợi nhuận thuộc về Trung Quốc nơi cung cấp nguyên liệu; 5% thuộc về Việt Nam nơi gia công và ráp nối các bộ phận và 90% còn lại, thuộc về Mỹ chia đều cho Nike và phía nhà bán lẻ.

Người Việt đang “làm vất vả hơn nhưng thu về lợi nhuận ít hơn nhiều”, Masan nhận định.

Lý giải cho hiện tượng này, các chuyên gia cho rằng đấy là vì Việt Nam không có thương hiệu mạnh, mang giá trị toàn cầu, mà chỉ là đang làm thuê, tạo ra sản phẩm ở khâu giá trị thấp nhất rồi mới chuyển giao.

Do đó, nếu không có một chiến lược, tầm nhìn dài hạn, người Việt Nam sẽ mãi là những công nhân giá rẻ trên đất nước mình. Và câu hỏi bao giờ Việt Nam mới giàu, sẽ vẫn là câu hỏi khó.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại