Liên quan đến thông tin "sưu cao thuế nặng" ở huyện Hậu Lộc, Thanh Hoá được ông Vũ Văn Liên, Phó Bí thư Đảng ủy xã Hưng Lộc (Hậu Lộc) đưa ra cho rằng có sức ép từ huyện, chiều 8/8, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Ấp - Bí thư huyện uỷ huyện Hậu Lộc.
PV: Nói về các khoản thu, phía xã Hưng Lộc cho biết, thôn chịu áp lực từ xã, xã lại chịu áp lực từ huyện. Phía huyện Hậu Lộc giải thích việc này như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Ấp: Huyện chẳng có gì gọi là áp lực cả.
PV: Nhưng phía xã đã giải thích rất rõ là "chương trình xây dựng nông thôn mới, huyện muốn xã Hưng Lộc về đích ngay trong năm nay và đây chính là áp lực đổ lên không chỉ đầu dân mà cả với chính quyền cơ sở", ông muốn nói gì về điều này?
Ông Nguyễn Văn Ấp: Huyện không bắt anh phải như thế. Anh làm được thì làm, không làm được thì thôi chứ sao lại có chuyện huyện gây áp lực.
Huyện yêu cầu xã nêu kế hoạch (ví dụ xã này phải hoàn thành trong năm nay, xã này phải hoàn thành trong năm khác) để làm động lực xây dựng chứ không làm được thì cũng không ai bắt anh bắt dân còng lưng đóng góp.
PV: Có ý kiến từ xã rằng "có công trình xã hỗ trợ 30%, có công trình lại hỗ trợ 50% nhưng phải hoàn thành trong thời gian nhất định. Chính vì khoản hỗ trợ trên mà dưới thôn họ đã cố sức làm". Ông giải thích việc này như thế nào?
Ông Nguyễn Văn Ấp: Không phải đâu, ở đó đang xây dựng nông thôn mới 2016. Công trình của xã thì xã làm, công trình của thôn thì thôn làm chứ xã bắt thôn làm sao được.
Ví dụ, người dân muốn là nhà văn hoá thì trong dân người ta sẽ bàn và huy động nhân dân. Trong dân có người đồng tình, có người không đồng tình.
Thế cho nên phải vận động những người dân không đồng tình như thế nào để người ta đồng ý, hoặc người dân khó khăn quá thì phải giảm phần thu như thế nào, thu làm sao phù hợp với sức dân chứ huyện không yêu cầu phải thu để làm việc này, việc kia.
Quan điểm của Hậu Lộc trong việc xây dựng nông thôn mới là không chạy theo thành tích. Việc gì dễ thì làm trước, việc gì ít tiền thì làm trước, việc gì nhiều người dân tham gia thì làm trước chứ không bắt người dân gồng lưng gánh, không có chuyện "sưu cao thuế nặng" đâu.
PV: Việc xã đưa ra cuốn sổ theo dõi việc hoàn thành các khoản thu và căn cứ vào đó để đóng dấu xác nhận cho người dân như vậy có đúng không, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Ấp: Trong các khoản thu thì có khoản thu theo quy định của Nhà nước, có khoản thu dịch vụ Hợp tác xã, có khoản thu quỹ dân chủ như đóng góp xây dựng làng xóm..., quỹ đoàn thể quần chúng.
Có những khoản là bắt buộc và có những khoản là tự nguyện. Việc đưa vào một cuốn sổ để theo dõi như vậy làm cho vấn đề không rõ. Đáng lẽ là phải để riêng, thu riêng.
PV: Sau khi xin lỗi người dân thông qua báo chí, khẳng định sẽ xem xét và xử lý phản ánh của người dân về việc họ bị thu đến cùng kiệt, cá nhân ông đã hành động như thế nào?
Ông Nguyễn Văn Ấp: Trước những thông tin mà báo chí phản ánh, huyện đang chỉ đạo rất quyết liệt.
Tôi vừa ký chỉ thị ngày hôm qua, đến ngày 15/8, các xã phải thống kê tất cả các khoản thu, huyện sẽ kiểm tra xem loại nào thu không đúng, không đúng với kết luận và chỉ thị của Chủ tịch tỉnh thì huỷ bỏ.
Đến ngày 15/8, bên nào để xảy ra (lạm thu) mà không xử lý thì Bí thư, Chủ tịch xã phải đình chỉ công việc để làm kiểm điểm.
Xin cám ơn ông.
Theo Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 4/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ, chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới là một chương trình tổng thể về phát triển kinh tế - xã hội, chính trị và an ninh quốc phòng, gồm 11 nội dung.
Đáng chú ý, quy định về cơ chế huy động vốn được nêu rất rõ: Các khoản đóng góp theo nguyên tắc tự nguyện của nhân dân trong xã cho từng dự án cụ thể, do Hội đồng nhân dân xã thông qua là một trong những nguồn vốn được huy động để triển khai thực hiện chương trình này.
Năm 2013, trong văn bản Chỉ thị về việc tăng cường công tác quản lý Tài chính - Ngân sách xã được ông Nguyễn Đình Xứng - Chủ tịch tỉnh Thanh Hoá ký (khi đó là Phó Chủ tịch tỉnh Thanh Hoá) đã xác nhận: "Vẫn còn nhiều xã, phường, thị trấn thu nhiều khoản sai quy định, chưa thực hiện nghiêm quy chế dân chủ trong việc thu các khoản đóng góp của dân, mức thu lớn, quá sức dân".
Trên cơ sở đó, ông Xứng yêu cầu UBND các phường, xã, thị trấn: "Chấm dứt việc thu tiền của nhân dân không đúng quy định, vi phạm quy chế dân chủ ở cơ sở, thu đóng góp quá sức dân...".