Ai cũng biết rằng việc bảo quản thi thể một người chết trong điều kiện môi trường tự nhiên không phải là việc dễ dàng. Ngay cả ngày nay, khi khoa học kỹ thuật đã phát triển vượt bậc thì việc bảo quản thi thể cũng tốn khá nhiều chi phí. Còn trong lịch sử, người Ai Cập cổ đại phải dành hàng thế kỷ để nghiên cứu và phát triển kỹ thuật ướp xác.
Bất chấp thực tế như vậy, tại một nghĩa địa ở thị trấn nhỏ San Bernardo, Colombia, bằng một cách kỳ lạ nào đó, các xác chết cứ được ướp một cách "tự nhiên" trong quan tài của họ. Hay nói cách khác là chúng tự hóa đá mà không bị phân hủy như lẽ thường.
Các xác chết dù là lớn hay nhỏ cứ được ướp một cách "tự nhiên" trong quan tài.
Hiện tượng lạ này bắt đầu được chú ý cách đây hơn 20 năm, nhờ một thợ đào mộ có tên Eduardo Cifuentes. Trong những lần cải tạo lại những ngôi mộ đã bị lãng quên, ông Eduardo đã nhận ra điều gì đó thật đặc biệt ở khu an táng này.
Theo mô tả của ông Eduardo, quần áo và làn da của các xác chết đều chuyển sang màu nâu. Ngoài ra, làn da của các xác chết đều trông xanh xao và nhăn nheo lại do tác động của thời gian.
Ông Eduardo nói: "Tôi tình cờ phát hiện một hố chôn cất tập thể, ở đó có đầy xác người. Tôi không thích giẫm lên họ vì họ cũng là con người như chúng ta nên tôi nảy ra ý tưởng sắp xếp lại. Tôi thích ý tưởng lưu giữ những xác ướp kỳ lạ ấy cho hậu thế".
Mặc dù đã nghiên cứu trong một thời gian dài nhưng các nhà khoa học cũng không thể đưa ra được lời giải thích hợp lý nhất cho hiện tượng lạ này.
Đã có rất nhiều nhà khoa học tới San Bernardo để nghiên cứu về hiện tượng xác chết tự hóa đá. Hầu hết các xác chết đều được chôn vào khoảng cuối những năm 1950.
Được biết, ở một địa điểm duy nhất khác ở Mỹ Latinh có xảy ra hiện tượng "ướp xác tự nhiên" tương tự như vậy là Guanajuato, một thị trấn ở miền Trung Mexico. Tuy nhiên, các nhà khoa học tìm ra được nguyên nhân là do điều kiện đất và khí gas trong lòng đất.
Nhưng giả thiết này không thể áp dụng để lý giải được ở San Bernardo. Bởi lẽ, các xác chết ở đây đều được đặt trong quan tài, chiếc quan tài này lại nằm trên mộ theo nghi lễ chôn cất của địa phương. Vì vậy, các xác chết đều không tiếp xúc với đất.
Làn da của các xác chết đều trông xanh xao và nhăn nheo lại do tác động của thời gian.
Người dân địa phương có một số cách giải thích của riêng họ. Một số người cho rằng đó là do độ tinh khiết của nước làng và không có các chất phụ gia hóa học trong thức ăn của họ. Một số người khác cho rằng nhiệt độ ở khu vực ngôi làng "có lợi" cho quá trình ướp xác. Người khác lại nói đó là do hai loại trái cây đặc trưng trong chế độ ăn uống địa phương là guatila và balu.
Guatila là một loại trái cây cứng, có kích thước bằng quả cam. Nó có màu xanh lục đậm với gai trên vỏ. Dân làng gọt vỏ và luộc trái cây, và thêm nó vào súp của họ. Balu trông giống như một quả đậu xanh khổng lồ đã được mở ra. Nó được nấu chín và nghiền thành bột để làm bánh.
Một lý giải thú vị khác là vào khoảng năm 1957, nghĩa trang được chuyển từ vị trí cũ đến vị trí hiện tại. “Tôi nghĩ rằng vị trí của nghĩa trang, địa điểm thực tế, tôi nghĩ đó là điều gì đó liên quan đến vũ trụ, bởi vì nó chưa bao giờ xảy ra ở nghĩa trang cũ, chưa bao giờ", ông Jose Del Carmen Rojas, một người dân địa phương, cho biết.
Các xác ướp được đặt trong lồng kính để khách du lịch chiêm ngưỡng.
Sau phát hiện bất ngờ ấy, các xác ướp đều được bảo quản để trở thành một điểm thu hút khách du lịch lớn ở Colombia. Thị trưởng Antonio Acosta đã ra lệnh xây dựng một bảo tàng đặc biệt phía sau nghĩa trang. 8 xác ướp bảo quản tốt nhất được trưng bày trên các tấm bê tông, có úp lồng kính.
Mặc dù cách làm này có thể thúc đẩy nền kinh tế của ngôi làng nhỏ nhưng không phải tất cả người dân địa phương đều hài lòng với ý tưởng này vì không muốn động chạm đến người đã khuất.
Nguồn: OC