"Khi 18 tuổi, tôi cùng cô bạn thân có thể cùng nhau ăn vỉa hè hết vỏn vẹn 30 nghìn đồng, là những lần làm sinh viên đầu tháng sang chảnh, cuối tháng ăn mì tôm. Nhưng hiện tại, bạn tôi đã sở hữu 1 ngôi nhà, chiếc xe hơi, làm việc trong doanh nghiệp nước ngoài được trả lương cao. Còn tôi vẫn vậy, mức lương trung bình, cuộc sống ở nhà thuê, đi xe máy". Nhiều đôi bạn đã và đang trải qua thực tế này.
Sự chênh lệch về tài chính, dù không muốn thừa nhận điều đó, có thể khiến bạn khó kết bạn và gây ra xung đột trong các mối quan hệ hiện tại. Gần một nửa số người được hỏi thuộc thế hệ Millennial và Gen Z trong một cuộc khảo sát PayPal năm 2017 cho rằng tiền ảnh hưởng đến tình bạn.
Một cuộc khảo sát Credit Karma/Qualtrics năm 2018 cho thấy gần 40% thế hệ trẻ đã tiêu số tiền mà họ không có và mắc nợ để theo kịp các đồng nghiệp. Theo công bố năm 2021 từ Insider, mọi người thà nói về các những tin tức trên mạng xã hội, các mối quan hệ xung quanh trước khi thảo luận về tiền bạc với bạn bè của họ.
Những rắc rối trong tình bạn khi có chênh lệch về thu nhập
Vào cuối độ tuổi 20 và đầu 30, mọi người bắt đầu có thu nhập khác nhau, đôi lúc đó là những sự khác biệt to lớn. Từ đó dẫn đến việc những trải nghiệm trong cuộc sống của bạn với bạn bè mình sẽ khác nhau, đôi lúc tốt hơn, đôi lúc tệ hơn. Sự chênh lệch này như là một khối u lớn của oán giận bắt đầu hình thành trong bạn hoặc cả 2 người.
Chuyên gia tài chính Amanda Clayman cho biết căng thẳng tài chính trong các mối quan hệ bạn bè có thể sẽ bùng phát trong bối cảnh cuộc sống đang chuyển đổi. Tốt nghiệp trung học và đại học, thăng tiến trong công việc, sa thải hoặc mất việc, kết hôn, sinh con - đây là những cột mốc có thể thay đổi đáng kể tình hình tài chính của mọi người. Clayman nói: "Điều đó ảnh hưởng đến khả năng tài chính giữa các nhóm bạn. Ngoài những thay đổi trong cuộc sống bình thường, đại dịch đã dẫn đến việc mất việc làm và thu nhập cũng như nợ nần nghiêm trọng".
Một bạn trẻ giấu tên đã chia sẻ trên mạng xã hội rằng "Tôi 24 tuổi, làm việc trong lĩnh vực xuất bản và đang cảm nhận những tác động của tiền bạc lên tình bạn. Sau khi tốt nghiệp đại học, hầu hết bạn bè và tôi đều có chung tình trạng tài chính. Song, dần dần một vài người trong số họ đã kiếm được một số công việc rất tốt và có thu nhập cao. Đó là một sự thay đổi gần như ngay lập tức. Trong những buổi gặp mặt bạn bè thông thường, mọi người bắt đầu nói về tài sản họ sở hữu, trải nghiệm chỉ người với thu nhập cao mới có thể có được. Và tôi thấy lạc lõng".
"Nói về tiền bạc gần như là điểm chạm, chủ đề nhạy cảm nhất trong các mối quan hệ", cố vấn của Relate, Simone Bose, người đưa các lời khuyên về mối quan hệ cho bạn bè, người yêu và gia đình nói. "Bạn phải thách thức bản thân trở nên 'dễ bị tổn thương' nếu muốn có một tình bạn sâu sắc hơn. Nếu có một tình bạn mà bạn không bao giờ dễ bị tổn thương với người kia, bạn nên cân nhắc lại xem tình bạn đó có nghĩa là gì. Thảo luận tiền bạc với bạn bè có thể đưa đến những kết quả tốt, việc chấp nhận rủi ro giúp tình bạn trở nên khăng khít hơn hoặc ngược lại".
Làm thế nào để tiền bạc không ảnh hưởng tiêu cực đến tình bạn?
Sự chênh lệch tiền bạc giữa những người bạn có thể tạo ra một số cảm xúc không thoải mái, bao gồm cảm giác tội lỗi và xấu hổ khi đề xuất các lựa chọn thay thế với chi phí thấp hơn nhưng kém thú vị hơn. Những cảm xúc này có xu hướng nảy sinh khi bạn không minh bạch với các kỳ vọng tài chính của mình.
Chuyên gia nghi thức Elaine Swann chia sẻ: "Bạn sẽ thấy mình đang tiêu tiền mà bản thân không có và tạo ra sự oán giận đối với bạn bè của mình. Nếu bạn có ngân sách hạn chế, đừng tức giận, đừng lấy nó ra và khắt khe với những người không có. Thay vào đó, hãy chia sẻ lý do bạn từ chối lời mời mà không đánh giá bạn bè về công việc hoặc hoàn cảnh của họ".
Bên cạnh đó, những người bạn có thu nhập cao hơn hãy hỏi bạn bè xem họ sẵn sàng chi tiêu trước khi mua hay đặt trước cho bất kỳ cuộc hẹn nào. Bạn không nên cho rằng 1 người đang hắt hủi bản thân vì họ nói rằng một bữa tối đắt tiền đã vượt quá ngân sách. Thay vào đó, hãy hiểu rằng dù là bạn bè, mỗi người luôn có những giá trị và ưu tiên khác nhau, điều đó không có nghĩa là họ ít thích bạn hơn.
Clayman nói: "Luôn có 1 tiêu chuẩn nhạy cảm hay những suy nghĩ thông thường đối với cuộc sống tài chính của ai đó. Tuy nhiên, có thể họ đang có những lựa chọn khác với số tiền mình làm ra. Có thể họ đang tập trung để đạt được mục tiêu tài chính trong tương lai, và họ cần tích lũy ngay từ bây giờ".
Ngoài ra, hãy trung thực với bản thân về ngân sách. Có thể rất dễ dàng để lấy cớ rằng bạn phải chi tiêu nhiều hơn khi đi chơi với bạn bè bởi vì đơn giản họ kiếm được nhiều tiền hơn và mình không thể thua kém được. Tuy nhiên, điều này không có ý nghĩa gì trong tình bạn chân thành và chỉ khiến bạn nhanh chóng "rỗng túi".
Hãy chuẩn bị để thảo luận và đừng mong đợi bạn bè là những người có thể hiểu được bạn ngay cả khi bạn không nói gì. Nếu tiền là một vấn đề (dù bạn có bao nhiêu tiền) trong tình bạn, thay vì tức giận, hãy trò chuyện với nhau để tìm được điểm tháo gỡ hoặc nói về nỗi lo của bản thân như chia sẻ giữa những người bạn.
Bên cạnh đó, hãy kiểm tra cảm xúc của bạn về người bạn đó và hỏi: Những cảm xúc đó đến từ đâu? Nếu bạn cảm thấy tội lỗi, xấu hổ, tự hào, tức giận hoặc bị đánh giá, hãy tự hỏi bản thân rằng cảm xúc đó bắt nguồn từ đâu. Đó là điều họ đã nói hoặc đã làm, hay chỉ là những điều bạn tự tưởng tượng ra.
Tiền không có giá trị. Thu nhập không phải là giá trị. Chúng ta không và sẽ không nên được đánh giá bởi những gì họ có hoặc số tiền họ kiếm được. Các chuyên gia cho rằng chỉ làm bạn với những người cùng tình trạng tài chính với bản thân có thể khiến cuộc sống của bạn trở nên hạn hẹp hơn. Nhưng để hòa hợp với những người thu nhập cao hơn, chúng ta cần nói chuyện cởi mở, trung thực và thường xuyên hơn về tiền bạc. Những người bạn tốt sẽ lắng nghe. Và nếu họ không? Có lẽ dù sao họ cũng không phải là mẫu người bạn muốn trong cuộc đời mình.
Theo Vox, Refinery29