Làm thế nào để Giáo sư VN ngang tầm thế giới?

Hồ Đắc Nguyên Ngã |

Nhận được khá nhiều câu hỏi của phóng viên về việc phong giáo sư ở Việt Nam, tôi xin nêu một số ý kiến như sau:

Nên hiểu chức danh "giáo sư" như thế nào?

GS là chức vụ công việc dành cho người giảng dạy và nghiên cứu trong đại học. Nó chỉ là cái tên gọi. Hàm ý tên gọi này có thể khác nhau tuỳ theo quốc gia, tuỳ trường, tuỳ ngành, và tuỳ ngạch.

Ở Mỹ, có những giáo sư chỉ giảng dạy, có những GS chỉ làm nghiên cứu, và có những GS thì làm cả hai với những tỷ lệ khác nhau. Các trường đại học ở Mỹ thường có tenure track (ngạch biên chế), GS biên chế thường phải vừa nghiên cứu vừa giảng dạy.

Đây là ngạch xương sống của trường. GS ngạch biên chế được chia làm 3 cấp bậc: assistant professor, associate professor, và full professor. Dù ở cấp bậc nào thì GS ngạch biên chế cũng làm việc độc lập.

Các trường càng thiên về nghiên cứu thì đòi hỏi xuất bản càng nhiều và giảng dạy ít lại. Ngược lại, các trường càng thiên về giảng dạy thì càng đòi hỏi ít nghiên cứu hơn nhưng giảng dạy nhiều hơn.

Một số GS biên chế có thể sử dụng quỹ nghiên cứu để "mua" giờ dạy trong 1 học kỳ hoặc thậm chí nhiều năm để tập trung nghiên cứu. Do đó, họ có thể chỉ nghiên cứu mà không giảng dạy trong nhiều năm nhưng vẫn là GS biên chế của trường.

Những GS ngạch biên chế chỉ làm nghiên cứu này khác với GS nghiên cứu (research professor), là một ngạch khác. Thường các GS nghiên cứu không là việc độc lập mà là nghiên cứu viên trong nhóm của một GS ngạch biên chế.

Ngoài ra, các trường còn có GS dạng hợp đồng chỉ chuyên về giảng dạy mà không cần nghiên cứu. Phần lớn các GS nghiên cứu và GS hợp đồng không tham gia vào việc ra các quyết định quan trọng của khoa và trường như các GS ngạch biên chế.

Hơn nữa, GS biên chế các ngành khác nhau cũng có đòi hỏi xuất bản khác nhau. Có ngành cần xuất bản vài bài báo 1 năm ví dụ như sinh học hay hóa học. Có ngành vài năm 1 bài ví dụ như khảo cổ học, nhân chủng học.

Tiêu chuẩn phong và đánh giá GS

Như đã giải thích ở trên, công việc của giáo sư rất đa dạng theo nhu cầu của từng trường và từng ngành khác nhau. Do đó chúng ta không thể và không nên cào bằng tiêu chuẩn phong và đánh giá GS mà nên để từng trường và thậm chí là từng khoa đưa ra tiêu chuẩn của riêng họ.

Có hai vấn đề mà nhiều người lo ngại cho việc này là: (1) tiêu cực trong việc phong GS và (2) loạn về chất lượng GS.

(1) Thật ra, đưa việc phong GS về các trường sẽ giảm tiêu cực chứ không phải tăng. Hiện nay chỉ có một hội đồng phong GS của cả nước do đó hội đồng đó có quyền lực tuyệt đối và độc quyền. Nếu họ tiêu cực thì các GS tương lai chỉ biết cắn răng làm theo.

Khi đưa việc phong GS về các trường, trường nào tiêu cực sẽ nhận được GS tiêu cực, trường nào làm tốt sẽ có GS tốt đến làm việc. Chính việc cạnh tranh này sẽ làm cho chất lượng GS tốt hơn và tiêu cực giảm đi.

(2) Loạn về chất lượng. Khi để cho các trường phong GS thì đương nhiên mỗi nơi sẽ mỗi khác. Lúc đó sẽ dần hình thành nhận thức rằng không phải GS nào cũng như GS nào mà còn tuỳ trường, tuỳ ngành, tuỳ ngạch.

Mà cho dù có cùng trường, cùng ngành, cùng ngạch đi nữa, mỗi GS cũng sẽ khả năng nghiên cứu và giảng dạy khác nhau dẫn đến danh tiếng khác nhau. Chính việc này sẽ tạo ra cạnh tranh giữa các trường, các khoa, và các GS, dẫn đến việc chất lượng đi lên.

Khi này, công việc của nhà nước không phải là lo có bao nhiêu GS, mà là tạo ra khung pháp lý và sử dụng đầu tư công hiệu quả vào giáo dục để các trường và các GS được làm việc hết khả năng và cạnh tranh công bằng.

Làm thế nào để GS Việt Nam ngang tầm thế giới?

Về nguyên lý, nếu chúng ta tạo điều kiện cho họ ngang tầm thì họ sẽ ngang tầm. Điều kiện ở đây bao gồm điều kiện làm việc và điều kiện sống. Điều kiện làm việc bao gồm cơ sở vật chất, cơ sở dữ liệu và thông tin, phương pháp quản lý và điều hành.

Điều kiện sống bao gồm các chế độ lương thưởng và đãi ngộ. Và để làm được những điều đó thì nền kinh tế chúng ta cũng phải ngang tầm và cách quản lý điều hành các đại học cũng phải ngang tầm.

Thật ra các GS chỉ là một bộ phận trong ngành giáo dục. Và ngành giáo dục chỉ là một bộ phận của toàn xã hội. Một bộ phận chỉ có thể tốt ngang hoặc giỏi lắm là hơn 1 chút so với tổng thể. Đồng ý là ngành giáo dục có tác động mạnh đến sự tiến bộ của toàn xã hội. Nhưng tác động của toàn xã hội lên ngành giáo dục cũng không kém.

Vì vậy, nếu muốn có GS giỏi thì cả xã hội phải tiến bộ. Muốn tiến bộ thì phải cùng nhau cố gắng, mỗi người làm tốt việc của mình và hỗ trợ lẫn nhau cùng phát triển. Tôi không dám chắc là làm như vậy bao lâu thì chúng ta ngang tầm thế giới.

Nhưng tôi chắc là, nếu cứ chỉ trích nhau theo kiểu đổ lỗi lẫn nhau như GS VN không bằng thế giới, bác sỹ VN không bằng thế giới, công nhân VN không bằng thế giới, nông dân VN không bằng thế giới ... thì chúng ta sẽ mãi mãi không bằng thế giới.

Có lẽ câu hỏi nên đặt ra là, chúng ta sẽ làm gì cho mỗi người chúng ta ngang tầm thế giới, chúng ta sẽ làm gì cho những người quanh chúng ta ngang tầm thế giới.

* Tiêu đề bài báo do toà soạn đặt

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại