Làm thế nào để chế ngự sóng thần? Có những phương pháp bạn có nằm mơ cũng không nghĩ ra nổi

Dink |

"Theo những gì tôi biết, thì mọi rào chắn dù chắc chắn tới đâu đều có thể sập xuống", giáo sư Katsu Goda kết luận.

Cơn sóng thần dữ dằn quét mất 1.400 sinh mạng tại Đảo Sulawesi, Indonesia không phải trường hợp duy nhất. Trong tương lai, sẽ còn những cơn sóng thần nữa, chúng ta cần những biện pháp chặn được cơn thịnh nộ của tự nhiên, tới từ ngoài khơi xa.

Đã nhiều phương pháp được đề xuất, dưới đây là một loạt những cách thức đối phó, từ những dự án đã tồn tại cho đến những biện pháp tưởng tượng.

Cách dễ tưởng tượng nhất: Xây tường

Khi ngoài khơi xa xảy ra hoạt động địa chấn, có núi lửa ngầm phun trào, một phần nước biển rất lớn sẽ bị xô đẩy. Biển ở ngoài xa rất sâu, vậy nên nước dịch chuyển, biến thành những con sóng rất nhỏ.

Nhưng khi nó đi dần vào bờ, độ sâu của biển không còn nhưng con sóng vẫn duy trì độ cao của mình, biến thành một bức tường nước cao nhiều mét, ập vào bờ và gây nên những thảm họa chết người.

Nước Nhật, nơi thường xuyên hứng chịu thảm họa động đất và sóng thần (đôi khi còn chịu cả hai một lúc), có một dàn tường chắn sóng sát bờ biển miền Tây.

Thế nhưng nó đã không thể chặn được cơn sóng Tohoku ập vào năm 2011, cơn sóng cướp đi sinh mạng của 18.000 người. Nhiều phần của bức tường đã được thay thế bởi một dãy tường bê tông mới, dài 395 mét, cao 12,5 mét, trị giá 13 tỉ USD để bảo vệ những sinh mạng vô giá sống đằng sau nó.

Bạn có thể gật gù về độ cao của bức từng 12,5 mét, nhưng hãy sợ hãi trước cơn sóng cao tới 39 mét của năm 2011. Chỉ có vài phần của con sóng thần tới được mức 39 mét, nhưng có thể thấy sóng hoàn toàn có khả năng vượt tường. Thế còn phần nước va vào tường thì sao? Lực va đập cực kì mạnh, tường cũng phải được gia cố để đứng vững được trước sức tàn phá của con nước.

Không có cơ chế nhân tạo nào hoàn hảo, bức tường không đủ để đảm bảo an toàn cho người dân miền biển. Giáo sư Katsu Goda chuyên nghiên cứu về thảm họa nói rằng "nếu chiều cao sóng mà quá đầu người, tính mạng của cá nhân đang được nói tới sẽ gặp nguy hiểm".

Cách nghe rất hư cấu, nhưng lại có thật: Tiêu diệt sóng ngay từ ngoài khơi

Ông Tad Murty, giáo sư tại Đại học Ottawa và cũng là phó chủ tịch của Cộng đồng Sóng thần Quốc tế, nhấn mạnh rằng tường chắn sóng chỉ chặn được một phần nhỏ sức mạnh của sóng. Để vô hiệu hóa hoàn toàn một con sóng thần, người ta cần những phương cách khác.

"Ta phải triệt tiêu sóng thần ngay khi nó hình thành ngoài biển", ông Murty nói trong bài phỏng vấn với Earther.

Làm thế nào để chế ngự sóng thần? Có những phương pháp bạn có nằm mơ cũng không nghĩ ra nổi - Ảnh 1.

Sóng thần đi thẳng về phía bờ dưới dạng một làn nước lớn, nếu như cắt nhỏ được làn nước ấy, ta sẽ triệt tiêu được sức mạnh con sóng thần. Hóa ra, chỉ với những hòn đảo được đặt tại các vị trí hợp lý, con người có thể chế ngự được sóng thần.

Ví dụ cụ thể: thảm họa kép động đất – sóng thần tại Ấn Độ Dương hồi năm 2004 đã cướp đi sinh mạng của 227.989 người. Người ta cứ tưởng những cụm đảo ngoài khơi, nơi cư ngụ của những tộc người không biết tới thế giới văn minh sẽ hứng chịu hậu quả nặng nề. Người ta đã lo rằng con sóng lớn sẽ xóa sổ hoàn toàn dân đảo, nhưng họ vẫn sống tốt.

Chính là nhờ những rặng san hô – đê chắn sóng tự nhiên và các đảo nằm rải rác trên Ấn Độ Dương đã chia nhỏ được sức mạnh con sóng.

Làm thế nào để chế ngự sóng thần? Có những phương pháp bạn có nằm mơ cũng không nghĩ ra nổi - Ảnh 2.

Con sóng thảm họa ngoài khơi Ấn Độ Dương hồi năm 2004.

Cách bước thẳng ra từ phim viễn tưởng: Một khẩu súng chống sóng thần

Các đảo tạo thành một rào chắn sóng nhân tạo không phải thứ vũ khí duy nhất của nhân loại. Usama Kadri, giảng viên toán học ứng dụng tại Đại học Cardiff, có một bản nghiên cứu hồi năm 2017, đề xuất ý tưởng xây dựng một khẩu thần công chống sóng.

Động đất, núi lửa phun trào, hoạt động địa chấn nói chung tạo ra sóng hấp dẫn âm thanh – một sóng âm đặc biệt có thể đi xuyên làn nước biển với tốc độ âm thanh. Theo tính toán của Kadri, ta có thể dùng súng bắn sóng hấp dẫn âm thanh để chống lại chính thứ sóng đặc biệt đó. Lấy độc trị độc.

Trên lý thuyết, ta có thể bắn liên tục sóng vào sóng, cho đến khi triệt tiêu hoàn toàn con sóng thần.

Làm thế nào để chế ngự sóng thần? Có những phương pháp bạn có nằm mơ cũng không nghĩ ra nổi - Ảnh 3.

Khẩu súng sóng hấp dẫn âm thanh cần rất nhiều năng lượng, hơn nữa lại cần rất nhạy để có thể phản ứng kịp thời trước một cơn động đất có tiềm năng tạo sóng thần. Vì đây là một "thử thách lớn về mặt kĩ thuật", nhà toán học Usama Kadri đang kiên trì thực hiện thí nghiệm để tạo ra một khẩu thần công mẫu.

Cách cuối cùng tập trung vào con người chứ không phải con sóng

Tất cả những cách chống sóng trên chưa hiệu quả 100%, vậy nên tập trung vào việc đảm bảo an toàn cho từng cá nhân người sẽ là hướng giải quyết khôn ngoan hơn. Để sống sót, căn nhà phải đủ chắc chắn để sống sót được sức mạnh con sóng.

Những chuyên gia thiết kế đề xuất nhiều phương án, từ nhà chống nước, chống lực cho tới những căn nhà nổi có thể cho phép người ẩn náu bên trong sống được vài ngày, vài tuần.

Làm thế nào để chế ngự sóng thần? Có những phương pháp bạn có nằm mơ cũng không nghĩ ra nổi - Ảnh 4.

Phao cá nhân do Survival Capsule xây dựng.

Ngoài bờ biển Ấn Độ, hàng ngàn những công trình được xây dựng chắc chắn nằm trên mực nước lũ, có thể tránh được con nước tràn vào bờ. Cụm công trình có thể được sử dụng như nhà ở, trường học, trung tâm công động, bệnh viện tạm thời và nhiều hơn nữa.

Hồi năm 2014, bang Washington, Mỹ xây dựng nhà ở chống sóng thần đầu tiên, đưa vào một trường học. Toàn bộ ngôi trường được gia cố bằng bê tông và thép, phòng thể chất có khả năng chứa được tới 1.000 người được đưa lên cao, tránh được nước ngập khi sóng tràn vào.

Làm thế nào để chế ngự sóng thần? Có những phương pháp bạn có nằm mơ cũng không nghĩ ra nổi - Ảnh 5.

Công trình tránh sóng tại Washington.

Tại Taiki, Nhật Bản, người ta xây dựng Tháp Nishiki: một cấu trúc thẳng đứng có thể chứa được khoảng 250 trong trường hợp sóng tràn vào.

Các công ty tư nhân đổ tiền vào đầu tư các mẫu nhà ở tránh sóng thần. Một trong những dự án như vậy là STATIM – Cấu trúc Liền mạch chống Bão, Lốc và Sóng thần là một căn nhà nổi giá thành rẻ, lắp đặt dễ dàng nhưng vẫn đủ chắc chắn. Nó có thể nổi được trên làn nước, giữ cho người bên trong sống sót đủ lâu cho đến khi đội cứu hộ tới.

Làm thế nào để chế ngự sóng thần? Có những phương pháp bạn có nằm mơ cũng không nghĩ ra nổi - Ảnh 6.

Lời kết

Các chuyên gia đều đồng ý rằng dù có đưa ra bao nhiêu phương án chống sóng đi nữa, điều quan trọng là đất nước cận biển phải có kinh phí để xây dựng những công trình, những dự án đầy hứa hẹn nói trên.

Trước hết, cần một hệ thống cảnh báo sóng thần hiệu quả để chạy cho kịp. Và để người dân hiểu sức tàn phá của một con sóng thần mà chạy cho kịp, cần phải giáo dục người dân miền biển cẩn thận. 

Nói không thừa đâu, clip thảm họa sóng thần, bão biển nào cũng thấy xuất hiện những cá nhân "điếc không sợ súng", đứng ngắm xem sóng tạt vào mặt sẽ mát tới đâu.

Ta chưa thể chế ngự được sóng thần, nên trước mắt cứ phải chạy để giữ mạng đã.

"Theo những gì tôi biết, thì mọi rào chắn dù chắc chắn tới đâu đều có thể sập xuống", giáo sư Katsu Goda kết luận.

Dựa theo bài viết của chuyên gia núi lửa Robin George Andrews

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại