Tăng nhanh số lượng, nhưng chỉ là lao động giản đơn
Tại cuộc đối thoại chính sách cấp cao 3 bên giữa Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và Tổng LĐLĐVN ngày 29.9 về việc tối ưu hóa phát triển và tác động việc làm của đầu tư trực tiếp nước ngoài tới ngành điện tử Việt Nam trong bối cảnh Việt Nam đã và đang là thành viên tham gia cuộc chơi của các hiệp định thương mại tự do đa phương và song phương, ông Rene Robert – đại diện ILO DWT-Bangkok cho biết:
Kết quả nghiên cứu tại 17 doanh nghiệp (DN) nước ngoài và 3 DN trong nước cho thấy: Số lượng công nhân ngành điện tử Việt Nam đã tăng hơn 7 lần, từ 46.000 vào năm 2005 lên 327.000 vào năm 2013 (chiếm 6% số việc làm trong ngành sản xuất).
“Mặc dù tăng nhanh về số lượng, nhưng chất lượng LĐ ngành điện tử vẫn chưa được cải thiện” - ông Rene Robert cho biết.
Chủ yếu là LĐ trong ngành kỹ năng thấp, thực hiện công việc giản đơn là lắp ráp hàng loạt. Ngành sản xuất có đặc điểm “sản xuất khối lượng lớn nhưng ít công đoạn tổng hợp”, có chu kỳ cao điểm sản xuất dẫn đến thời giờ làm thêm quá tải (hơn 300 giờ/năm).
Thực tế khảo sát cho thấy, lương, trợ cấp và phụ cấp ngoài giờ của LĐ trong ngành thường vượt quá lương cơ bản vì mức lương cơ bản ngành điện tử vẫn thấp.
Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra những rủi ro thường gặp là LĐ ngành điện tử làm việc trong môi trường dung môi độc hại, hơi hóa chất, tiếng ồn, tư thế làm việc không thay đổi, dễ bị mỏi mắt.
Đáng chú ý là có tới 79% LĐ ngành điện tử là công nhân nữ và độ tuổi đều còn trẻ. “Từ góc độ các rủi ro về xã hội, những phần việc lặp đi lặp lại và thường xuyên làm thêm giờ dẫn đến phần lớn LĐ thiếu thời gian chăm sóc gia đình” - ông Rene Robert cho biết.
Từ góc độ là tổ chức đại diện cho NLĐ, ông Mai Đức Chính - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN chia sẻ thêm:
Nhìn bề ngoài công nhân ngành điện tử làm việc trong môi trường rất sạch sẽ, nhưng người LĐ chịu nhiều áp lực về thời giờ làm việc, làm việc trong điều kiện căng thẳng, tiếp xúc với nhiều chi tiết nhỏ.
Sau giờ làm việc, người LĐ ra về có khi còn mỏi mệt hơn LĐ làm việc cơ bắp. Cũng vì thế nên thời gian LĐ làm việc trong ngành điện tử thường chỉ kéo dài khoảng 10 năm (từ 20-30 tuổi), ít người gắn bó được dài hơn.
Thách thức nâng cao tay nghề và chất lượng LĐ
Khẳng định những đóng góp của ngành điện tử trong quá trình hội nhập, tạo ra nửa triệu việc làm ở Việt Nam, đặc biệt là đóng góp nhiều cho xuất khẩu, góp phần đưa thương hiệu “made in Việt Nam” ra thế giới, tuy nhiên, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam cũng thừa nhận thực tế: LĐ ngành điện tử chủ yếu vẫn là LĐ thủ công, tham gia vào công đoạn lắp ráp, giản đơn.
“Lực lượng LĐ Việt Nam tham gia vào xuất khẩu nhưng tay nghề thấp nhất, đóng góp thấp nhất và giá trị gia tăng thấp nhất”- ông Vũ Tiến Lộc khẳng định.
Vì vậy, theo ông Vũ Tiến Lộc: Nếu xem xét đến việc làm bền vững trong ngành điện tử thì cần phải có ngành công nghiệp phát triển bền vững và đương nhiên, chất lượng LĐ trong ngành này phải được nâng lên.
Giải pháp được đề xuất đến ở đây là hệ thống cơ sở dạy nghề phải được nâng lên, có những cải cách đáng kể để đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Đi liền với đó là phải phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp nội địa của Việt Nam, chứ không phải LĐ Việt Nam đi làm thuê cho DN nước ngoài như hiện nay.
Đồng thuận với quan điểm của ông Vũ Tiến Lộc, ông Phạm Minh Huân - Thứ trưởng Bộ LĐTBXH cũng cho rằng:
Tuy ngành điện tử phát triển mạnh, nhưng các DN điện tử trong nước ngày càng ít đi, thay vào đó là những DN nước ngoài đầu tư tại Việt Nam, sử dụng LĐ giá rẻ của Việt Nam và LĐ Việt Nam chấp nhận đi làm thuê với những công việc giản đơn, lặp đi lặp lại.
“Thu nhập của công nhân Công ty Samsung hiện khoảng hơn 7 triệu đồng, nhưng ở một số DN ngành nghề khác cũng đã hơn 6 triệu đồng.
Như vậy, lương LĐ ngành này cũng chưa cao”- Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Mai Đức Chính khẳng định.
Vì vậy, ông Chính cho rằng: Thách thức đặt ra hiện nay là Việt Nam cần phải nâng cao trình độ tay nghề của NLĐ thông qua đào tạo, để từ đó tăng giá trị LĐ.
Thực tế hiện nay là DN tự tuyển LĐ rồi tự đào tạo, nhưng xuất phát điểm tay nghề thấp thì đào tạo cũng thấp.
Trong khi đó, quá trình hội nhập, sẽ có những đòi hỏi cao hơn về tiêu chuẩn LĐ, việc tuân thủ pháp luật.
Do đó, để tạo sự phát triển bền vững cho ngành điện tử, không có cách nào khác là NLĐ phải được cải thiện, nâng cao về chất lượng tay nghề.
“Trách nhiệm của ngưởi sử dụng LĐ là phải đào tạo tay nghề và có chính sách nâng cao tay nghề, nâng bậc thợ cho NLĐ.
Tuy nhiên, người sử dụng LĐ ít quan tâm đến nâng cao tay nghề cho NLĐ. Vì vậy, ngoài việc nâng cao chất lượng LĐ, cũng cần có những chính sách cải thiện điều kiện làm việc để NLĐ gắn bó lâu dài hơn với DN, chứ không chỉ làm 5-10 năm rồi phải chuyển việc khác”- ông Chính nhấn mạnh.