Làm sao để nâng cấp kỹ năng kể chuyện và tự tin hơn khi bạn là người ngại xã giao?

Hạ Khương |

Chúng ta đều thực hành kỹ năng kể chuyện hằng ngày, nhưng bạn đã biết cách để xây dựng phong cách kể chuyện thu hút chưa?

Kỹ năng kể chuyện (storytelling) thường được mô tả là khả năng kể hay viết ra những nội dung logic, thu hút. Về cơ bản, ai cũng là một người kể chuyện. Chúng ta luôn có nhu cầu chia sẻ những thứ diễn ra xung quanh mình, từ những chủ đề trung lập như sự kiện, người nổi tiếng, nhân vật phim, chủ đề sách cho đến những chuyện cá nhân hơn như gia đình, bạn bè, quan điểm tình yêu.

“Ê, biết tin gì chưa?” có lẽ là câu mời chào phổ biến nhất để chúng ta bắt đầu một cuộc đối thoại. Mọi tình huống trong cuộc sống, chúng ta đều có thể là người kể chuyện.

Làm sao để nâng cấp kỹ năng kể chuyện và tự tin hơn khi bạn là người ngại xã giao? - Ảnh 1.

Có thể bạn chưa biết nhưng kỹ năng này rất có lợi cho sức khỏe tinh thần. Cách chúng ta kể chuyện có thể ảnh hưởng đến tâm trạng và cái tôi cá nhân. Nghiên cứu chỉ ra, kỹ năng kể chuyện giúp làm tăng oxytocin (hormone gia tăng cảm giác thoải mái) và giảm lượng cortisol (hormone chống âu lo, bạn càng áp lực thì lượng cortisol càng tăng). Những người mắc chứng hay quên cũng có thể cải thiện vấn đề về trí nhớ nhờ rèn luyện kỹ năng kể chuyện thường xuyên.

Ngoài ra, cách bạn kể chuyện cũng thay đổi cách bạn nhìn nhận cuộc sống. Các nhà khoa học phát hiện ra câu chuyện kể về thành công có thể thúc đẩy tính tự tôn và khuyến khích mọi người nỗ lực đạt được các mục tiêu lớn hơn trong cuộc đời. Ngay cả các câu chuyện về sự thất bại, nếu được kể bằng một góc nhìn tích cực cũng động viên mọi người đương đầu thử thách.

Nhìn chung, kể chuyện có thể được coi là kỹ năng mềm cần thiết trong cuộc sống. Tuy nhiên, kỹ năng này đòi hỏi một mức độ tự tin và khả năng xã giao nhất định, và không phải ai cũng có tài ăn nói và sự tự tin sẵn có.

Đặc biệt với người ngại đám đông, người sợ giao tiếp hay có chứng lo âu xã hội (social anxiety), việc phải kể chuyện có thể là một cơn ác mộng vì họ không muốn trở thành tâm điểm của sự chú ý. Tuy nhiên, rèn luyện kỹ năng kể chuyện rành mạch có thể giúp ích rất nhiều trong việc cải thiện sự tự tin của bạn. Dưới đây là 8 lời khuyên nếu bạn muốn kể một câu chuyện đủ sức hút.

Kể đúng đối tượng

Hãy để tâm đến người mà bạn sẽ kể chuyện trước khi bắt đầu câu chuyện. Ví dụ, bạn không nên kể chuyện người lớn trong khi có cả trẻ em đang lắng nghe.

Hơn nữa, hãy hiểu rằng bạn có thể hình thành những thiên kiến khác nhau về người nghe, tùy vào mức độ thân thiết với đối phương. Ví dụ, bạn và người nghe là người quen lâu năm, lập tức bạn sẽ giả định là họ có những cách suy nghĩ giống mình, và rồi bạn vô tình lược bớt thông tin vì tin rằng đối phương sẽ tự suy luận ra. Và rồi câu chuyện bạn kể trở nên thiếu trọn vẹn.

Tìm một điểm nhấn

Khi kể chuyện, bạn có bắt đầu bằng một chi tiết nhàm chán không? Thay vì tập trung kể về một sự cố bạn gặp, bạn lại sa đà vào các chi tiết không liên quan như trưa hôm đó ăn gì, ở đâu. Bạn chỉ nên kể lể chi tiết phụ khi nó bổ sung cho “ý chính”. Nếu không, mọi người có thể nhanh chóng mất tập trung và “buồn ngủ”. Nhìn thấy mọi người mất tập trung, cộng thêm sự tự ti sẵn có, bạn sẽ dễ nản chí và không còn hứng để hoàn thành trọn vẹn câu chuyện.

Một phương pháp hiệu quả là hãy hé lộ trước một thông tin “câu dẫn”, một chi tiết thú vị khiến họ tò mò và muốn nghe đến cuối câu chuyện. Đó có thể là một câu tóm tắt hoặc lồng ghép cảm xúc vào: “Chị biết không, hôm nay công ty em tổ chức sự kiện hoành tráng lắm, nhân viên nào cũng nhận được quà”. Thu hút sự chú ý ngay câu đầu tiên sẽ kích thích khả năng tập trung và sự hiếu kỳ của người nghe.

Làm sao để nâng cấp kỹ năng kể chuyện và tự tin hơn khi bạn là người ngại xã giao? - Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Đưa yếu tố cảm xúc vào

Để một câu chuyện sống động và đa sắc thái, đừng quên lồng ghép các yếu tố cảm xúc. Thay vì chỉ liệt kê những gì đang diễn ra, bạn nên nói thêm về cảm xúc của mình và người khác, dù đó là vui, buồn, hạnh phúc, hay giận dữ. Trong suốt diễn biến sự kiện, cảm xúc đó có dao động, biến đổi thất thường không?

Lồng ghép cảm xúc cũng kích hoạt năng lực thấu cảm của người nghe. Họ chìm đắm vào câu chuyện hơn nếu nhìn thấy mình trong đó.

Ngắn gọn, đừng dông dài

Cảm xúc là một điều nên có, nhưng khi kể chuyện, ta cũng dễ bị cảm xúc dẫn lối, làm câu chuyện lê thê hơn mức cần thiết. Ví dụ, bạn đang tập trung kể ý A nhưng đột nhiên nảy ra ý B, bạn liền lái sang ý B, dù không thực sự liên quan đến mạch kể chính. Bạn có thể tạm gác lại ý B và quay lại hoàn thành nó sau khi đã kể xong ý chính.

Ngắn gọn không có nghĩa là vội vàng

Nếu bạn sợ việc phải nói và trình bày trước ai đó, bạn dễ có xu hướng đẩy nhanh tốc độ lời nói, mạch diễn biến câu chuyện để “kết thúc sớm cho xong”. Hãy luyện tập nói nhẹ nhàng, tốc độ vừa phải, đôi khi bạn có thể im lặng khoảng 1 đến 2 giây rồi nói tiếp. Nói liên tục và nói quá nhanh, bạn có thể vô tình “nuốt” từ và lướt qua câu chữ, người nghe cũng không kịp tiêu hóa nội dung câu chuyện. Bạn có thể nói chậm ở các chi tiết phụ, nói nhanh ở các chi tiết cao trào, kịch tính.

Nếu không biết mình có đang nói quá nhanh không, hãy thử thu âm hoặc quay video lại, hỏi xin ý kiến của gia đình và bạn bè về tốc độ nói và khả năng phát âm của bạn.

Làm sao để nâng cấp kỹ năng kể chuyện và tự tin hơn khi bạn là người ngại xã giao? - Ảnh 4.

Pha trò nhưng đừng châm biếm người khác

Mọi người luôn đánh giá cao những “miếng hài” duyên dáng được thêm thắt khéo léo trong câu chuyện. Tuy nhiên, đừng pha trò bằng cách đùa về tính cách, khuyết điểm, ngoại hình hay cách ăn mặc của người khác. Ranh giới giữa “hài hước” và “thiếu duyên dáng” đôi khi có thể rất mong manh, nếu đùa không khéo, bạn sẽ bị đánh giá là kẻ thiếu tinh tế, nhạy cảm.

Nếu vẫn muốn kể chuyện cười hoặc thêm thắt yếu tố hài hước, châm biếm, bạn có thể tự đùa về bản thân, ví dụ như nhà văn Arthur C. Clarke từng đùa: “Còn lâu tôi mới tin vào cung hoàng đạo. Mấy đứa Nhân Mã giống tôi tính tình đa nghi lắm”.

Theo David Sedaris một diễn viên hài kịch, tác giả sách nổi tiếng, tạo một câu chuyện hài hước và đùa vui về bản thân cũng là một kỹ thuật gây hài hiệu quả.

Yêu cầu người nghe tưởng tượng hoặc hỏi cảm xúc của họ

Thỉnh thoảng hãy hỏi người nghe: “Bạn có hình dung được câu chuyện không?” để chắc chắn là họ nắm bắt được điều mình đang nói. Đồng thời đây cũng là cách tương tác để đối phương cảm thấy bạn vẫn quan tâm đến luồng suy nghĩ của họ.

Trong mọi cuộc hội thoại hằng ngày, lúc nào bạn cũng cần phải kể lại câu chuyện gì đó. Tuy nhiên, kể chuyện với một nhóm nhiều hơn 2 người có lẽ khá khó khăn với những ai không tự tin vào khả năng ngôn ngữ của mình. Vì thế, nếu muốn tự tin, hãy gắng luyện tập và đừng né tránh những cuộc trò chuyện nhé.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại