Làm phố kiểu mẫu, phải lắng nghe dân

Thùy Dương - Nguyễn Quyết |

Sau tuyến đường Lê Trọng Tấn, TP Hà Nội có thể sẽ triển khai xây dựng phố kiểu mẫu trên hai tuyến đường Thái Thịnh và Khâm Thiên trong thời gian tới.

Theo Quyết định 1528 của UBND TP Hà Nội về phê duyệt nhiệm vụ thiết kế đô thị hai bên tuyến phố Thái Thịnh (đoạn từ phố Tây Sơn đến phố Láng Hạ) gồm các phường Ngã Tư Sở, Thịnh Quang, Trung Liệt và Láng Hạ, có thể tuyến phố này sẽ được chỉ định màu sắc chủ đạo.

Ngoài ra, với tuyến phố Khâm Thiên, theo Quyết định 874, TP Hà Nội cũng yêu cầu bảo đảm không gian kiến trúc cảnh quan đô thị hai bên trục đường hiện đại, đồng bộ về kiến trúc và hạ tầng kỹ thuật…

Công khai cho dân góp ý

Kiến trúc sư Trần Huy Ánh, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, cho biết tuy TP Hà Nội không tham vấn ý kiến của hội về các dự án chỉnh trang đô thị giai đoạn này nhưng ông bày tỏ quan điểm ủng hộ việc chỉnh trang giúp TP đẹp và quy củ hơn.

“Việc chỉnh trang mặt phố, trong đó có làm đồng bộ một số tiêu chí, là hoạt động cần thiết, thường kỳ của chính quyền TP.

Đây không phải là việc gì quá lạ và nếu làm đúng thì đô thị sẽ đẹp, ngăn nắp, an toàn hơn.

Quan điểm nghiên cứu đô thị cũng chỉ rõ việc chỉnh trang, sắp xếp lại là quá trình tất yếu để đi đến văn minh đô thị. Không có TP nào đi đến văn minh nếu như vẫn còn tùy tiện” - ông Ánh bày tỏ.

Tuy nhiên, kiến trúc sư Trần Huy Ánh cho rằng rất cần lắng nghe ý kiến người dân một cách đầy đủ để sau khi triển khai sẽ tạo ra được hiệu ứng tích cực hơn.

Ông góp ý: “Chỉnh trang là đúng nhưng khi làm cần có ý kiến thể hiện nguyện vọng của người dân.

Việc này cũng để tránh dẫn đến tình trạng như đường Lê Trọng Tấn.

Rõ ràng trong các hoạt động chỉnh trang đô thị ở đường này, ngoài việc biển hiệu đồng phục bị phản ứng gay gắt thì còn hàng chục tiêu chí làm rất tốt nhưng lại chưa nhận được ý kiến công bằng từ dư luận”.

Theo luật sư Trần Văn Toàn (Đoàn Luật sư Hà Nội), nếu việc chỉnh trang được người dân ủng hộ thì hoàn toàn có thể thực hiện được bởi sẽ tạo được sự đồng bộ và tăng tính thẩm mỹ.

Muốn vậy, việc cần làm là phải công khai các thiết kế, phương án chỉnh trang và ý tưởng để người dân được tham gia đóng góp.

Hài hòa giữa chung và riêng

Luật sư Trần Văn Toàn cho rằng theo quy định, đối với khu đô thị mới, nhà nước khi duyệt quy hoạch phải duyệt luôn cả kiến trúc và buộc các doanh nghiệp phải làm theo quy hoạch đã duyệt.

Theo đó, việc phê duyệt thuộc thẩm quyền của Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội. Sau đó, tất cả kiến trúc phải làm theo mẫu, kể cả màu sơn và các thiết kế xây dựng.

“Về nguyên tắc, những công trình nhà nước quản lý thì nhà nước có thể quyết định việc sơn màu gì.

Còn những gì thuộc về doanh nghiệp và người dân thì người dân tự quyết định, như nội dung bên trong biển quảng cáo hay màu sơn nhà.

Nếu người dân đang sơn màu vàng thì nhà nước không thể bắt họ chuyển sang sơn màu xanh” - luật sư Toàn phân tích.

Trong khi đó, các quy định pháp luật nêu rõ tuyến phố và những diện tích ngoài phạm vi đất đai, tài sản thuộc sở hữu của người dân thì nhà nước được quyết định.

Chiếu theo quy định này, việc sơn mặt phố màu gì hoàn toàn phụ thuộc vào cơ quan thẩm quyền.

Như vậy, sẽ không có gì vi phạm trong trường hợp TP Hà Nội chỉ định màu sơn khi đã nhận được sự đồng thuận của người dân trong cách làm.

Kiến trúc sư Trần Huy Ánh cho rằng về nguyên tắc, việc sử dụng màu sắc bên trong nhà là quyền của người dân nhưng những gì thuộc về không gian đường phố thì TP có quyền quyết định.

“Quyền tự do cá nhân được tôn trọng nhưng nó chỉ trong phạm vi không gian cá nhân thôi.

Còn theo quy định, không gian mặt phố thuộc quyền quản lý của TP Hà Nội có thể có những biện pháp làm đồng bộ phần sơn nhà và đó là quyền năng của cơ quan quản lý, người dân có trách nhiệm tham gia” - kiến trúc sư Ánh nhìn nhận.

Dù vậy, theo nhiều chuyên gia, việc chỉ định màu sắc của tuyến phố, cụ thể là màu sơn nhà mặt phố tuy không phải là việc trái quy định nhưng cần nghiên cứu kỹ lưỡng để phù hợp với cảnh quan, tâm lý chung, bảo đảm hài hòa với các tuyến phố xung quanh.

Đồng thời, cần có nội dung cụ thể về kinh phí, cách làm và trong quá trình thực hiện để tránh ảnh hưởng đến đời sống, công việc kinh doanh của người dân.

Đặc biệt, tuy là việc không trái quy định nhưng trong quá trình thực hiện, nhất thiết phải lấy ý kiến nhân dân để bảo đảm sự khách quan, dân chủ.

Không can thiệp màu sắc, thiết kế biển quảng cáo

Luật sư Trần Văn Toàn nhấn mạnh trong việc chỉnh trang đô thị, không được can thiệp vào màu sắc, thiết kế của biển quảng cáo.

Tuy nhiên, cơ quan quản lý có thể quy định về kích cỡ, tỉ lệ biển quảng cáo phù hợp để tuyến phố đẹp hơn, đô thị văn minh hơn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại