Theo cơ quan phân tích của Ấn Độ, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 11 đã tăng 5,55% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn kết quả khảo sát 5,78% của Bloomberg và cách xa mức mục tiêu 4% của Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI).
Lạm phát tăng chủ yếu do giá thực phẩm tăng cao. Đây là vấn đề đang được các quan chức chú trọng. Chính phủ Ấn Độ đã hạn chế xuất khẩu nhiều loại lương thực thiết yếu bao gồm lúa mì, gạo, nhằm hạn chế chi phí cho người tiêu dùng.
Lạm phát tăng chủ yếu do giá thực phẩm tăng cao
Các nhà kinh tế chỉ ra rằng lạm phát lõi đang giảm, tức giá tiêu dùng ngoại trừ giá thực phẩm và năng lượng dễ biến động. Dấu hiệu này cho thấy RBI có thể duy trì lãi suất lâu hơn và có khả năng cắt giảm vào năm tới. Năm lần liên tiếp, RBI giữ nguyên lãi suất cơ bản trong cuộc họp chính sách. Ngân hàng trung ương có thể giảm nhẹ lãi suất sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ cắt giảm lãi suất.
Ngoài ra, chính phủ Ấn Độ cũng công bố số liệu cho thấy tăng trưởng sản lượng nhà máy đã đạt mức cao nhất trong vòng 16 tháng là 11,7% trong tháng 10, làm tăng thêm triển vọng mạnh mẽ của nền kinh tế.
Axis Bank Ltd. ước tính tốc độ tăng trưởng tiềm năng của Ấn Độ đã tăng lên 7%. Điều này ngụ ý rằng nền kinh tế có thể phát triển với tốc độ đó mà không gây ra vòng xoáy lạm phát.
Dữ liệu ngày 13/12 cho thấy lạm phát thực phẩm (chiếm nửa rổ giá tiêu dùng) đã tăng từ mức 6,61% trong tháng 10 lên 8,7% tháng 11. Giá các loại rau như hành, cà chua tăng vọt vì tình trạng thiếu hụt sau những trận mưa thất thường.
Giá quần áo, giày dép tháng 11 tăng 3,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, giá nhà đất tưng 3,55%. Chi phí nhiên liệu và điện giảm 0,77%.
Nhà kinh tế Upasna Bhardwaj tại Kotak Mahindra Bank Ltd cho biết: “CPI tháng 11 tăng chỉ do lạm phát thực phẩm. Chúng tôi tiếp tục theo dõi các mặt hàng lương thực quan trọng vì sản xuất vẫn là mối lo ngại, trong bối cảnh gieo trồng yếu, mực nước dự trữ giảm và điều kiện thời tiết tiếp tục thất thường”.