Susan Dela Cuesta, 57 tuổi, và người bạn đời của bà, David Crouch, 78 tuổi, đang hoàn tất thủ tục nhận nuôi đứa cháu gái một tuổi.
Mẹ đứa trẻ tên là Caroline Crouch. Ba tháng trước, người phụ nữ 20 tuổi phải bỏ mạng dưới tay chồng mình, Charalambos Anagnostopoulos. Ban đầu, hắn khai man rằng kẻ đột nhập vào nhà đã sát hại vợ.
Khi cảnh sát tìm được cuốn nhật ký của cô, họ phát hiện Caroline đã phải trải qua một mối quan hệ bị lạm dụng, bạo hành và thao túng. Không loại trừ trường hợp con cô cũng đã chứng kiến bạo lực gia đình hoặc bị bạo hành trong một khoảng thời gian dài.
Bấy giờ, đứa nhỏ 1 tuổi sẽ được nuôi dưỡng bởi ông bà ngoại, tại một nơi cách xa nhà cũ. “Ở đây thì bé sẽ không bị mang tiếng là con gái của kẻ giết người”, bà ngoại em nói.
Thực tế, đây chỉ là một trong rất nhiều trường hợp mà đứa trẻ phải che giấu danh tính của mình sau những vụ “cha sát hại mẹ” tàn nhẫn.
Chuyển trường, chuyển nhà để gác lại quá khứ
Dựa theo Femicide Census, một cơ sở dữ liệu về các vụ sát hại phụ nữ, 80% bà mẹ trong các vụ án mạng gia đình bị sát hại bởi bạn đời hiện tại hoặc tình cũ, 5% bị người lạ sát hại.
Hơn 100 trẻ em từng chứng kiến một vụ sát hại hoặc đang ở trong nhà khi vụ việc xảy ra. Một trong những vụ việc thương tâm nhất là từng có đứa trẻ 2 tuổi là người duy nhất sống sót trong nhà, sau khi cha sát hại mẹ và các anh chị em. Em bị mắc kẹt suốt 24 giờ với thi thể của người thân.
Roann Court, 29 tuổi từng là một đứa trẻ tự tin và hướng ngoại. Mọi chuyện thay đổi vào năm Roann 15 tuổi. Chứng kiến cảnh cha đâm mẹ, Roann hoảng sợ ôm em gái chạy sang nhà hàng xóm cầu cứu rồi quay lại cứu mẹ nhưng không kịp.
10 năm sau cha cô mất, nhưng Roann cảm nhận dường như “bản án” vẫn tiếp tục ám ảnh cô, suốt những năm tháng trưởng thành, cô luôn thấy mình không được nguyên vẹn. “Tôi sẽ không ở đây nếu không có bà ngoại, chồng và hai đứa con trai”, Roann cho biết.
Thảm kịch nhà Roann đã ám ảnh cô và cả đứa em gái
Em gái Roann lúc đó mới 3 tuổi nhưng vẫn nhớ rõ mồn một sự kiện năm nào, chấn thương dường như tác động đến cô bé rất nhiều. Thỉnh thoảng em vẫn hỏi người lớn: “Nếu sau này con trở nên giống cha thì sao?”, dẫu cho nhà trường đã hỗ trợ em rất nhiều.
Có những đứa trẻ thậm chí chuyển nhà để không phải nhìn thấy những thứ nhắc nhở về sự hiện diện của mẹ, chúng cũng chuyển trường để bắt đầu cuộc sống mới.
Đứa trẻ im lặng cũng là đứa trẻ vụn vỡ
Một cuộc điều tra dân số ở Anh vào năm 2021 cho thấy cứ ba người phụ nữ thì có một người bị đàn ông giết, và hằng năm thì có ít nhất 80 trẻ em mồ côi mẹ do mẹ bị cha sát hại.
Nhà hoạt động và cựu luật sư Clarrie O'Callaghan cho hay: “Điều tối thiểu mà chính phủ có thể làm là xác định chính xác có bao nhiêu đứa trẻ bị ảnh hưởng và thực thi một kế hoạch hành động để đáp ứng nhu cầu của trẻ”.
Ingala Smith, giám đốc một tổ chức về bạo lực gia đình nói: “Việc mất người thân do bạo lực gia đình có tác động sâu sắc đến trẻ, thậm chí hậu quả còn nghiêm trọng hơn khi thủ phạm là cha của các em. Ngoài nỗi đau mất mát, các em còn mắc kẹt với những câu hỏi về danh tính và sự chung thủy”.
Thoạt nhìn thì trẻ em trông có vẻ dễ quên, mới vài phút trước, chúng gào khóc ầm ĩ, luôn miệng gọi mẹ, phút tiếp theo chúng lại chạy ra ngoài chơi đùa cùng bạn bè. Người lớn vô tình giải nghĩa hành vi này là một sự vô tư, rồi tự trấn an: “Ừ, chắc tụi nhỏ đỡ rồi”, nhưng không biết điều gì đang thực sự diễn ra bên trong, và liệu chấn thương tuổi thơ có thể ăn mòn sức khỏe tinh thần của đứa trẻ mãi về sau hay không.
Cậu bé Harry sáu tuổi từng nhìn thấy cha bắn mẹ và sau đó tự sát, khi được yêu cầu vẽ lại những gì em thấy, Harry nhẹ nhàng bảo: “Có chắc là cô chú muốn xem tranh con vẽ không? Con chỉ biết vẽ những khuôn mặt buồn thôi”.
Một nhóm bác sĩ tâm thần tại Anh đã nghiên cứu 400 trẻ em bị ảnh hưởng bởi vụ sát hại trong gia đình và nhận ra 40% (160 trẻ) dưới 5 tuổi vào thời điểm xảy ra vụ sát hại.
Nhiều đứa trẻ mắc chứng lo âu, gặp ác mộng, ám ảnh, căng thẳng sau chấn thương, mất lòng tin, xuất hiện hành vi hung hăng. Khó khăn nhất là những đứa trẻ không có biểu hiện gì rõ ràng. Thực tế chúng đang gặp rất nhiều vấn đề nhưng người lớn lại không nhận diện được.
Sẽ ra sao nếu đứa trẻ được nuôi dưỡng bởi người cha bạo hành?
Sau khi mẹ đứa trẻ qua đời, người thân, họ hàng, người nuôi dưỡng (có thể là người thân, họ hàng) sẽ chăm sóc đứa trẻ theo lệnh giám hộ đặc biệt, vài người còn phải chia sẻ trách nhiệm làm cha mẹ với thủ phạm, tức cha của đứa trẻ.
Trong một số trường hợp, người cha còn giành được quyền nuôi con, và đứa trẻ tiếp tục bị đày đọa trong nỗi sợ. Gemma Graham là một trường hợp như vậy. Mặc dù cha cô không sát hại mẹ nhưng đã gián tiếp gây ra cái chết. Hai người chia tay nhau sau nhiều năm mẹ Gemma bị ngược đãi, dù bỏ nhau nhưng gã đàn ông vẫn theo dõi và đe dọa vợ cũ. Cuối cùng, người phụ nữ tội nghiệp chọn cách kết liễu đời mình.
Gemma bị cha bỏ mặc trong suốt những ngày tháng ấu thơ
Khi về sống chung với cha, Gemma phải chịu đựng cha và người tình mới. Những tháng ngày bị bỏ mặc, cô lập và ngược đãi đã rút cạn tâm hồn của cô gái nhỏ năm nào.
“Bây giờ 34 tuổi rồi nhưng tôi vẫn bị ảnh hưởng nặng nề. Hai năm trước, tôi nói với chồng: ‘Em chỉ đang tồn tại chứ không phải đang sống. Em liên tục trầm trọng hóa công việc, hôn nhân, và mối quan hệ bạn bè của em’. Mọi thứ xung quanh đều có thể gợi lại cảm giác khủng khiếp khi còn nhỏ”, Gemma kể lại. Hiện cô đã có một năm trị liệu chấn thương và mọi chuyện đang dần ổn hơn, nhưng khó có thể chắc chắn rằng nỗi đau sẽ vơi bớt.
Có lẽ khi tính đến chuyện tách đứa trẻ khỏi quá khứ đau buồn, ngoài việc chuyển nhà, chuyển trường, người ta cũng cân nhắc đến việc tách chúng ra khỏi căn nguyên của cơn ác mộng thực sự - một người cha bạo hành!
Làm sao để giúp đứa trẻ vượt qua đau buồn?
Chương trình Tang quyến Gia đình (FBP) do Đại học Bang Arizona (ASU) đã phát triển các mô hình và biện pháp can thiệp nhằm giúp trẻ nhỏ hồi phục sau sự mất mát trong gia đình. Dưới đây là một số lời khuyên:
1. Tôn trọng nỗi buồn và những cảm xúc phát sinh
Cách người lớn phản ứng với nỗi đau của trẻ có tác động quan trọng đến cách chúng nhìn nhận sự mất mát trong thời thơ ấu. Là người trưởng thành, ta cần dạy trẻ hiểu rằng việc thể hiện cảm xúc (tuyệt vọng, tức giận, tội lỗi) hoặc nói về người đã khuất là điều hoàn toàn có thể chấp nhận được, nhất là khi đứa trẻ tận mắt chứng kiến cảnh mẹ mình gục xuống hoặc biết thông tin về sự ra đi của mẹ. Tôn trọng và cởi mở về nỗi buồn (thay vì kìm nén) là bước quan trọng để trẻ giảm bớt sự lo lắng về tương lai.
Hãy dạy trẻ tôn trọng nỗi buồn của mình
2. Nuôi dạy trẻ tích cực
Giáo dục tích cực là hướng trẻ làm những điều tích cực, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tôn trọng lẫn nhau, tập trung vào hành vi đúng đắn thay vì trừng phạt hành vi sai trái. Nuôi dạy con tích cực thúc đẩy sự tự tin, sáng tạo của trẻ và giúp trẻ có khả năng đưa ra quyết định phù hợp trong tương. Đối với trẻ từng trải qua tổn thương ấu thơ, phương pháp này hỗ trợ trẻ thích nghi với cuộc sống mới sau khi cha mẹ qua đời, khả năng mắc các bệnh tâm thần cũng giảm.
3. Giảm tiếp xúc với sự kiện tiêu cực trong cuộc sống
Các sự kiện tiêu cực trong cuộc sống có thể làm gia tăng vấn đề sức khỏe tinh thần của trẻ. Người chăm sóc nên cố gắng giảm bớt các tương tác tiêu cực của trẻ với thế giới, ví dụ như phim ảnh bạo lực. Nhà trường cũng cần giám sát để trẻ không bị bắt nạt trên trường hoặc bị lôi kéo sử dụng chất kích thích.
4. Cải thiện kỹ năng đối phó với áp lực
Trẻ cần được dạy một số kỹ năng cần thiết để thay đổi tư duy nhìn nhận vấn đề, dưới đây là 4 bước mà người chăm sóc có thể hướng dẫn trẻ:
- Điều chỉnh lời nói tiêu cực thành tích cực
- Chấp nhận rằng trẻ không thể kiểm soát mọi sự kiện diễn ra quanh mình
- Tập trung giải quyết vấn đề nằm trong tầm kiểm soát
- Tìm kiếm hỗ trợ tinh thần nếu cần
Nguồn: The Guardian, Parenting For Brain, Fartherly