Làm gì để bóng đá Việt Nam đạt đẳng cấp châu Á: Chuyên nghiệp hóa cung cách quản lý

Cựu danh thủ Vũ Mạnh Hải |

Truyền hình quốc gia lần đầu tiên dành nhiều giờ để tường thuật trực tiếp một sự kiện bóng đá khi tuyển U23 về nước. Chưa khi nào các tuyển thủ bóng đá đồng loạt trở thành thần tượng của giới trẻ như hiện nay và đó là vận hội của bóng đá Việt Nam

Có thể nói chỉ trong vòng một năm thôi, bóng đá Việt Nam liên tiếp để lại nhiều ấn tượng mạnh ở đấu trường quốc tế: Đầu năm 2018 là ngôi á quân giải trẻ châu lục tại miền đất tuyết trắng Thường Châu - Trung Quốc, giữa năm vào đến bán kết Asian Games ở xứ sở vạn đảo Indonesia, cuối năm giành ngôi vô địch AFF Cup trên sân nhà và mới nhất là chuyến du đấu thành công tại vòng chung kết Asian Cup 2019 tận UAE.

Những chiến công lẫy lừng ấy in đậm dấu ấn của ông Park Hang-seo, người từng là trợ lý của HLV lừng danh Guus Hiddink ở tuyển Hàn Quốc vào bán kết World Cup 2002 nhưng lại phải trải qua một quãng thời gian dài lận đận trước khi gặt hái thành công với bóng đá Việt Nam. Năng lực của Park Hang-seo không phải bàn nhưng cần nói đến cái "duyên" của ông khi được thỏa sức thể hiện tài cầm quân trong môi trường bóng đá Việt Nam, nơi ông được tạo mọi điều kiện làm việc bên cạnh các cộng sự nhiệt huyết và nhất là với dàn cầu thủ trẻ trung, tài năng, đồng đều về chuyên môn, đủ sức biến mọi ý đồ chiến thuật của thầy thành hiện thực trên sân cỏ.

Nhắc chuyện cũ ở Thường Châu, Mỹ Đình cùng các đêm trắng "xuống đường" của người hâm mộ cả nước để thấy, bóng đá Việt Nam đang may mắn có được một thế hệ cầu thủ tốt, được đào tạo bài bản. Để rồi, chính những con người tử tế ấy đã thi đấu tận hiến, không bị tác động bởi các yếu tố ngoài sân cỏ và mang lại cho hàng triệu CĐV Việt Nam những khoảnh khắc hạnh phúc vô bờ.

Ở thời điểm này, tôi muốn viết vài dòng tri ân ông Đoàn Nguyên Đức và cách làm bóng đá của ông. HAGL của ông Đức có thể chưa thành công như mong đợi nhưng các cầu thủ từ "lò" học viện vùng cao nguyên như Xuân Trường, Công Phượng, Văn Toàn, Văn Thanh… với tư cách đạo đức và năng lực của mình đã ít nhiều tác động đến môi trường các đội tuyển, khiến đồng đội xung quanh họ cùng nhìn nhau để tự hoàn thiện bản thân. Trung vệ Quế Ngọc Hải nay chững chạc một cách khó tin trong vai trò thủ lĩnh trên sân, khác hẳn khi anh bị dư luận chỉ trích với cú tắc bóng nhắm vào đôi chân đồng nghiệp Anh Khoa thuở nào. Giới chuyên môn cũng hay nhắc đến việc Trọng Hoàng được thầy Park thuyết phục, chấp nhận đá dạt cánh để trở thành một trong những hậu vệ biên hay nhất tại AFF Cup và Asian Cup!

Làm gì để bóng đá Việt Nam đạt đẳng cấp châu Á: Chuyên nghiệp hóa cung cách quản lý - Ảnh 1.

Nhiều tuyển thủ Việt Nam giờ trở thành thần tượng mới của giới trẻ Ảnh: Hải Anh

Làm gì để bóng đá Việt Nam đạt đẳng cấp châu Á: Chuyên nghiệp hóa cung cách quản lý - Ảnh 2.

Bóng đá Việt Nam có thời cơ vàng để thăng hoa Ảnh: Đức Anh

Môi trường bóng đá tử tế, đời sống được chăm lo tốt với thu nhập tương xứng năng lực, các tuyển thủ chỉ phải tập trung rèn chuyên môn, thi đấu đúng với kỳ vọng của người hâm mộ thay vì nơm nớp lo lắng với các hành vi tiêu cực. Tất cả các yếu tố này lý giải trọn vẹn về tình yêu bóng đá được thổi bùng trở lại nơi đông đảo công chúng. Các tuyển thủ nay đã thực sự "quen mặt, thuộc tên" ngay cả với thế hệ CĐV trung, cao niên. Họ trở thành "hiện tượng" khi quay về thi đấu cho CLB chủ quản, thu hút khán giả đến sân cỏ V-League ngày càng nhiều hơn sau một thời gian dài ngoảnh mặt, nguội lạnh sự quan tâm dành cho sân cỏ quốc nội.

Người hâm mộ đã "yêu trở lại", đặt ra một thách thức lớn dành cho VFF, VPF và cả ngành thể thao nói chung: Đó là sớm cải tổ, hoàn thiện cung cách quản lý nền bóng đá nước nhà theo hướng chuyên nghiệp hóa… Người hâm mộ có quyền băn khoăn với câu hỏi đau đáu, rằng đến bao giờ sân cỏ quốc nội mới thực sự trở thành điểm tựa cho các đội tuyển quốc gia đúng với thực chất? Khi mà bóng đá Việt Nam vẫn đang hoạt động theo mô hình "tháp ngược", giải đấu dành các CLB chuyên nghiệp "nở nồi" về số lượng tham dự hơn cả các giải Hạng nhất, Hạng nhì… thì quả thật vẫn rất đáng lo!

Bản thân chúng tôi, với tư cách những người đã trải qua quá trình làm nghề từ cầu thủ đến HLV, kể cả viết báo chuyên về bóng đá, cũng luôn quan tâm đến bộ máy quản lý khi mà ban chấp hành VFF hiện nay vẫn chưa thực sự được xã hội hóa, làm đúng thiên chức nghề nghiệp của mình. Những người am hiểu chuyên môn bóng đá phải chiếm một tỉ lệ nhất định tại VFF, chứ không phải chỉ có 2 cựu trọng tài cùng 2 nhà quản lý cấp CLB trong tổng số 17 ủy viên như hiện tại. Tất cả các yếu tố này sẽ trở thành tiểu tiết nếu ngay trong nhiệm kỳ mới, VFF nắm được thời cơ "vàng" để đưa bóng đá Việt Nam bước lên một tầm cao mới.

Dư luận châu lục đánh giá cao lối chơi của tuyển Việt Nam, nhiều cầu thủ trụ cột được lọt vào danh sách bình chọn của Asian Cup và được nhiều CLB nước ngoài nhắm đến, vị thế của bóng đá Việt Nam được cải thiện rất rõ ràng trong mắt bạn bè. Đó là thời cơ, là vận hội không thể bị bỏ qua, mong những nhà quản lý nắm bắt một cách trọn vẹn.

Làm bóng đá thật chuyên nghiệp

Để bóng đá Việt Nam vươn tầm châu lục và xa hơn là cấp độ thế giới, xin mạo muội đóng góp vài ý kiến như sau:

- Xây dựng phong trào bóng đá học đường: Người Việt Nam rất đam mê bóng đá, trong cộng đồng chắc chắn đã và đang tồn tại nhiều nhân tài. Lâu nay, các bậc phụ huynh ít nghĩ đến việc cho con em mình theo đuổi nghề cầu thủ, chỉ hướng các em vào việc học văn hóa cho giỏi để sau này lập nghiệp trong xã hội. Vì thế, nhiều thiếu niên dù có năng khiếu thiên bẩm nhưng không có môi trường, điều kiện để phát triển.

Hiện nay, thành công của các đội tuyển U23 và tuyển quốc gia là những cú hích mạnh mẽ, tôi cho rằng đủ sức thuyết phục các bậc phụ huynh ủng hộ con em theo đuổi bóng đá. Vấn đề là làm sao để có sự cân bằng giữa việc học văn hóa - ít nhất bảo đảm hết lớp 12 - và được chơi bóng đá, như cách Học viện HAGL đã làm. Chúng ta không có nhiều học viện nhưng có rất nhiều trường tiểu học, nếu làm tốt sẽ có nguồn cung cầu thủ đáng kể. Cần có thêm nhiều học viện bóng đá khắp cả nước: Liên đoàn Bóng đá Việt Nam nên xây dựng hoặc kêu gọi các nhà đầu tư, các mạnh thường quân tâm huyết tham gia.

- Cải thiện, nâng tầm Giải Vô địch quốc gia V-League. Tạo cơ hội cho các cầu thủ trẻ được cọ xát nhiều, trau dồi bản lĩnh và kinh nghiệm thi đấu.

- Bộ máy quản lý LĐBĐ Việt Nam nên được tạo dựng từ những người có tài, có tâm, có chuyên môn và làm việc thật hiệu quả. Bên cạnh đó, cần kêu gọi AFC, FIFA hỗ trợ chuyên gia, tạo quỹ... để phát triển bóng đá Việt Nam.

Nói chung là làm bóng đá thật chuyên nghiệp - vạch ra lộ trình cụ thể cho từng giai đoạn, có mục tiêu rõ ràng và kiểm chứng từng mốc thời gian để chỉnh sửa, hoàn thiện, cho đến khi nào đá với ai cũng không run sợ!

Lê Văn Tịnh (Phòng Cung ứng thực phẩm Big C Việt Nam - quận Phú Nhuận, TP HCM)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại