Làm chả lá lốt nên cuốn mặt gân hay mặt láng?

Mai Linh (Tổng hợp)/ VTC |

Món chả lá lốt tuy đơn giản nhưng trong cách cuốn, nhiều người băn khoăn không biết cho phần gân lá hay mặt láng ra ngoài.

Chả lá lốt là món ăn quen thuộc, thường được dùng trong các bữa cơm gia đình. Nhưng để chiên xong chả mà lá lốt vẫn xanh mướt, thịt không bị khô thì không phải chị em nào cũng biết cách.

Làm chả lá lốt nên cuốn mặt gân hay mặt láng?

Để lá lốt vẫn giữ được màu xanh đẹp mắt sau khi chiên, bạn cần có bí quyết: Đem lá lốt chần qua nước sôi trong một giây rồi vớt ra, bỏ vào nước lạnh, vẩy khô nước rồi mới đem cuộn.

Nhiều người thắc mắc nên cho phần gân hay mặt láng của lá lốt ra ngoài khi cuộn. Về điều này có 2 quan điểm trái ngược. Có người cho rằng nên quay mặt gân ra ngoài vì phần bên trong lá lốt sẽ dính vào thịt chặt hơn. Có ý kiến cho rằng quay mặt láng ra ngoài mới đẹp.

Quay mặt nào của lá ra ngoài cũng được, tùy thuộc vào yêu cầu của bạn với món ăn. Nếu muốn thành phẩm đẹp mắt hơn, bạn nên để úp phần mặt lá màu xanh ra ngoài. Có một điều bạn cần nhớ, khi cuộn nên bắt đầu từ phần cứng rồi đến phần đuôi lá mềm để cuốn đè lên.

Khi làm chả lá lốt, người ta hay cuốn thành hình trụ. Khi cuốn, nhớ gấp 2 mép lá 2 bên rồi cho thịt lên. Vì kích thước lá không giống nhau nên bạn có thể căn chỉnh để chả được đồng đều khi xếp lên đĩa cho đẹp mắt.

Làm chả lá lốt nên cuốn mặt gân hay mặt láng? - Ảnh 1.

Làm chả lá lốt nên cuốn mặt gân hay mặt láng?

Cách cuốn và rán chả lá lốt chuẩn nhất

Làm theo cách dưới đây để nhân chả lá lốt ngon mềm, không hề bị khô.

Nguyên liệu

250gr thịt heo xay 20-25 lá lốt 100gr giò sống 1-2 củ hành khô 2-3 tai mộc nhĩ, 2 lòng đỏ trứng gà (tuỳ thích) 3 nhánh hành lá (tùy thích) Gia vị: Dầu ăn, nước mắm, hạt tiêu, bột ngọt, bột nêm

Lưu ý:

Thịt heo xay nhỏ để nhân có độ nhuyễn, nên dùng phần nạc vai hoặc ba chỉ để làm chả vì những phần này có mỡ, sẽ giúp nhân không bị khô. Ngoài thịt heo, bạn có thể dùng thịt bò, thịt gà... để làm chả lá lốt. Giò sống tạo độ kết dính cho nhân chả lá lốt. Nếu không có giò sống, bạn dùng thêm một ít mỡ, xay nhỏ. Lá lốt nên chọn những lá to và xanh, không bị sâu và đặc biệt không bị rách để dùng cuốn chả. Ngoài ra nên chọn những lá có kích thước gần bằng nhau để khi cuốn, những miếng chả được đồng đều hơn.

Cách làm chả lá lốt

Hành khô bóc vỏ, băm nhỏ. Mộc nhĩ ngâm nước ấm, khi nở mềm thì bóp rửa sạch, xắt sợi rồi băm nhỏ. Hành lá cắt rễ, rửa sạch rồi xắt nhỏ. Dùng 1-2 là lốt rửa sạch rồi xắt sợi, băm nhỏ trộn cùng thịt để nhân chả thơm hơn.

Cho thịt heo xay vào tô to cùng với 2 lòng đỏ trứng, giò sống, hành băm, mộc nhĩ, lá lốt băm và hành Nêm thêm 1 thìa cà phê nước mắm, 1/2 thìa cà phê bột ngọt. 2 thìa cà phê bột nêm và 1/2 thìa cà phê hạt tiêu xay. Để nhân chả lá lốt không bị khô, bạn cho thêm 2 thìa cà phê dầu ăn vào. Trộn đều hỗn hợp trên và để khoảng 15 phút cho thấm gia vị.

Có rất nhiều cách cuốn chả lá lốt, tùy theo sở thích của từng người. Nhưng đa phần khi làm chả lá lốt người ta hay cuốn thành hình trụ. Để có miếng chả đẹp mắt, gấp hai mép lá lốt, cho thịt vào và cuộn rồi rán. Có thể xiên chả để rán vừa nhanh và giữ lá lốt không bị bung. Khi rán lên, chả xanh và màu đẹp vô cùng.

Cho dầu ăn vào chảo, lượng dầu vừa đủ để láng mặt chảo là được, không cần quá nhiều.

Khi dầu nóng thì xếp chả lá lốt vào để rán. Ban đầu, nên chỉnh nhiệt độ lớn một chút để định hình miếng chả và để nước trong phần nhân bốc hơi, giúp chả lá lốt không bị chảy nước. Sau khi mặt phía dưới của miếng chả se lại thì hạ bớt nhiệt độ để nhân chả bên trong chín, và phần lá bên ngoài cũng không bị cháy vàng.

Rán đến khi nhìn thấy phần lá lốt bọc bên ngoài mỏng và dính sát vào nhân, hơi sém vàng thì gắp ra để ráo dầu và thưởng thức.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại