Với kinh nghiệm 37 năm ngồi trên buồng lái tàu hỏa, ông đánh giá thế nào về các quán cà phê dọc đường tàu ở khu vực gần đường Điện Biên Phủ (Hà Nội)?
Theo quy định của ngành đường sắt, khoảng cách đảm bảo an toàn phải đạt 5m tính từ mặt đường ray. Tuy nhiên, khu phố có quán cà phê đường tàu nhiều năm nay vi phạm hành lang an toàn chạy tàu. Nhiều ngôi nhà tạm bợ tràn ra sát mép đường tàu.
Trung bình, mỗi đoàn tàu với 15 toa xe có trọng tải gần 600 tấn. Khi phát hiện chướng ngại vật, việc hãm phanh gấp cho đoàn tàu rất khó khăn.
Du khách thường có xu hướng hiếu kỳ, muốn có cảm giác mạnh nên thường nhoài người ra phía đường tàu để chụp ảnh khi đoàn tàu đi qua. Có nhiều đoạn đường, du khách đứng sát với đường tàu đến mức chỉ cần ngửa người đã chạm phải tàu.
Đặc biệt, khu vực quán cà phê đường tàu nằm trên góc đường cua nên tầm nhìn của cả lái tàu và người dân đứng trên đường ray đều bị khuất.
Từ khi các quán cà phê đường tàu nở rộ, lái tàu vô cùng căng thẳng, luôn luôn trong trạng thái sẵn sàng hãm phanh để tránh tai nạn thương tâm.
Tuy nhiên, để hãm phanh cả đoàn tàu không dễ. Với đoàn tàu tốc độ cao và không gian rộng, độ dài đường ray đủ để hãm phanh tàu phải đạt 800m. Với trường hợp hãm phanh tàu đột ngột phải đạt đủ chiều dài đường ray 200m mới dừng được.
Chúng tôi ủng hộ việc phát triển du lịch của người dân hai bên đường tàu nhưng phải đảm bảo khoảng cách an toàn cho cả du khách, người lái tàu và hành khách trên đoàn tàu.
Khi lái tàu qua những cung đường sắt có đông người tụ tập, lái tàu phải chịu những áp lực gì?
Với mỗi lái tàu, an toàn là điều quan trọng số 1. Ngay từ khi bước lên buồng lái ở ga đầu tiên đến khi đoàn tàu dừng lại ở ga cuối cùng, chúng tôi mới thở phào nhẹ nhõm.
Ở Hà Nội, một số cung đường có đông người tụ tập sát đường tàu như khu vực quán cà phê đường tàu, khu vực đường Phùng Hưng, cầu Long Biên. Khi đi qua những cung đường này, lái tàu phải đi chậm hơn tốc độ cho phép để có thể hãm phanh kịp thời.
Thậm chí, thấy tàu đi qua, nhiều người dân còn vẫy tay ra gần tới tàu. Nhiều trường hợp, tàu đi gần tới, có người còn nhoài người ra khiến lái tàu giật mình thon thót.
Trong gần 40 năm ngồi lái tàu, từng chứng kiến nhiều tai nạn ám ảnh khiến tôi rất lo lắng mỗi khi đi qua những khu vực có người dân tụ tập. Thậm chí, trước đây, tôi từng cùng đồng nghiệp cầm túi cói đi nhặt từng phần thi thể của nạn nhân tai nạn tàu hoả.
Mỗi khi xảy ra tai nạn, lái tàu như chúng tôi ám ảnh, thậm chí phải xin nghỉ phép để giải toả tâm lý. Nhiều lần, sau tai nạn tàu va phải người dân, tôi không ngủ, không ăn được vì ám ảnh.
Việc lấn chiếm hành lang an toàn đường sắt không chỉ ảnh hưởng tính mạng người dân mà còn đe doạ tính mạng lái tàu.
Năm 2018, vụ tai nạn thương tâm khi xe tải nằm ngang trên đường tàu khiến 2 lái tàu mất trên ghế lái thương tâm. Thậm chí, có lái tàu từng đâm phải bố ruột nhưng không cách nào có thể hãm phanh kịp.
"Theo tôi, để đảm bảo an toàn hành lang đường sắt cần sự phối hợp của nhiều cơ quan chức năng, một mình ngành đường sắt không thể làm được.
Cần có sự phối hợp giữa UBND thành phố Hà Nội, UBND các quận, phường và công an địa phương nơi có những địa điểm tụ tập đông người lấn chiếm hành lang đường sắt", lái tàu Ngô Văn Hoàng.