Nhiều công cụ trợ lực cho xe nội
Trong báo cáo gửi Chính phủ ngày 6.6, Bộ Công Thương đã có đánh giá tổng thể về ngành công nghiệp ôtô Việt Nam trong đó nhận định dù có những kết quả nhất định nhưng ngành sản xuất, lắp ráp xe trong nước chưa đạt được tiêu chí thực sự như giá bán cao so với khu vực, chất lượng xe nội chưa bằng xe nhập, tỉ lệ nội địa hoá chưa đạt mục tiêu.
Bộ Công Thương đưa ra hàng loạt đề xuất thuộc ba nhóm giải pháp. Trong đó, đáng chú ý là các hàng rào kỹ thuật, các biện pháp chống gian lận thương mại đối với xe nhập và các biện pháp trợ lực xe nội.
Bộ đề xuất giảm thuế nhập khẩu linh kiện và phụ tùng phù hợp với lộ trình cam kết, không đánh thuế TTĐB đối với phần giá trị tạo ra trong nước và điều chỉnh thuế thu nhập doanh nghiệp với các dự án sản xuất, lắp ráp ôtô có quy mô lớn, không phân biệt địa bàn đầu tư.
Cụ thể, Bộ Công Thương kiến nghị thay đổi giá tính thuế với xe sản xuất, lắp ráp trong nước áp dụng đến 31.12.2022 và không tính thuế TTĐB với linh kiện, phụ tùng nội địa hoá nhằm tăng năng lực cạnh tranh cho các sản phẩm sản xuất lắp ráp trong nước, khuyến khích các hãng xe nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng được sản xuất trong nước…
Cùng với đó, bộ đề xuất tăng thuế với xe có dung tích xilanh trên 2.500cm3; bổ sung các chính sách về thuế với xe có kích thước lớn chưa phù hợp với điều kiện hạ tầng giao thông… trong trường hợp một loại xe được tính theo 2 mức thuế khác nhau, thì áp dụng mức thuế cao hơn...
Xe nội hưởng nhiều ưu đãi, thị trường và giá sẽ ra sao?
Đánh giá về đề xuất mới của Bộ Công Thương, một chuyên gia trong ngành cho rằng đó là những hỗ trợ rất lớn và trực tiếp với DN lắp ráp xe trong nước nhưng để công nghiệp ôtô “vụt lớn”, các DN này vẫn phải “làm thật, đầu tư thật”.
Nhận định về giá xe trong thời gian tới, chuyên gia này cho rằng giá xe chắc chắn sẽ giảm bởi sức ép cạnh tranh và ảnh hưởng của việc giảm thuế xe nhập và linh kiện từ ASEAN.
Cụ thể, với xe nhập nguyên chiếc từ ASEAN, khi thuế nhập khẩu về 0%, về lý thuyết giá xe có thể giảm tới hơn 20% so với trước.
Trong khi đó, với xe lắp ráp trong nước, nếu không có ưu đãi thuế, giá xe nội sẽ khó giảm, hoặc giảm không đáng kể dù thuế nhập linh kiện từ thị trường ASEAN cũng sẽ về 0% (hiện 70% các linh kiện được nhập từ ASEAN với thuế suất 3-5% còn linh kiện từ các thị trường khác chịu thuế từ 9-25% tuỳ theo kiểu loại).
Do đó, các biện pháp trên được cho là sẽ giúp xe nội giảm giá tương tự hoặc thậm chí hơn xe nhập để cạnh tranh và có thêm cơ hội phát triển.
Theo đại diện một hãng xe trong nước, việc miễn thuế TTĐB cho phần nội địa hoá trong xe sẽ buộc DN phải đầu tư để tăng tỉ lệ nội địa hoá một cách thực sự chứ không thể “câu giờ” hưởng ưu đãi như trước đây và tỉ lệ nội địa hoá càng cao, ưu đãi càng lớn và giá xe càng giảm.
Đại diện này ví dụ nếu một chiếc xe xuất xưởng với giá 10.000 USD mà được nội hoá tới 40% thì chỉ bị tính thuế TTĐB với giá 6.000 USD. Tuy nhiên, hiện nay các dòng xe có tỉ lệ nội địa hoá cao chủ yếu là xe tải, xe khách, còn các dòng xe du lịch mới chỉ nội hoá dưới 20%.
Do đó, để hưởng ưu đãi và có cơ hội xuất khẩu xe, các DN buộc phải tăng tỉ lệ nội địa hoá lên ngưỡng 40%.
Liên quan đến việc giảm thuế linh kiện nhập khẩu, có ý kiến lo ngại về khả năng DN sẽ mượn cớ nhập linh kiện để hưởng ưu đãi mà không tăng tỉ lệ nội địa hoá, đại diện này cho rằng ngay cả khi không giảm thuế linh kiện thì theo cam kết của các hiệp định thương mại, thuế linh kiện từ ASEAN cũng sẽ giảm sau năm 2018 và việc giảm thuế linh kiện sẽ giúp ngành công nghiệp phụ trợ phát triển, đưa Việt Nam gia nhập vào chuỗi sản xuất toàn cầu của các thương hiệu xe.
Trên thực tế, trong thời gian qua, để thuyết phục khách hàng từ bỏ tâm lý chờ mua xe sau năm 2018, giá xe đã giảm mạnh trong phân khúc xe phổ thông.
Ngay những hãng vốn có truyền thống chỉ tăng không giảm như Toyota cũng đã chấp nhận cắt lợi nhuận để hạ giá, thậm chí giảm cả trăm triệu đồng. Do đó, sau ngày 1.1.2018, giá xe có thể sẽ giảm tiếp nhưng không quá nhiều nếu không có thêm ưu đãi và tập trung chủ yếu ở các xe bình dân dung tích nhỏ.
Còn với phân khúc xe nhập, xe dung tích lớn, giá không những khó giảm mà còn có thể bị tăng khi cơ quan chức năng áp dụng những biện pháp siết giá tính thuế hay tăng hàng rào kỹ thuật để hỗ trợ xe nội.
Bên cạnh đó, dòng xe bán tải đang ăn khách cũng được dự đoán là đội giá nếu bị tăng phí trước bạ hay bị áp thuế giống các dòng xe du lịch.